Hai ngày nay, từ khóa "thỏa thuận ly hôn bằng miệng" đang là cụm từ khóa được nhiều dư luận quan tâm và tìm hiểu. Nhiều người đặt ra câu hỏi, hiệu lực của việc thỏa thuận ly hôn bằng miệng được quy định thế nào? Giá trị pháp lý ra sao? Có người mới sau khi đã thỏa thuận ly hôn bằng miệng có hợp pháp?
Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, Theo Theo khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nêu rõ, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, nếu vợ chồng ly hôn thuận tình, sau khi được ban hành, quyết định ly hôn thuận tình sẽ có hiệu lực pháp luật ngay.
Nếu là ly hôn đơn phương, thì hết thời hạn kháng cáo (15 ngày kể từ ngày tuyên án) và hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát (15 ngày nếu Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị; 01 tháng nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị) mà không có kháng cáo hoặc kháng nghị thì sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.
Ảnh minh họa
“Hiện, chưa có quy định nào công nhận tính pháp lý của việc ly hôn miệng cũng như cho phép vợ/chồng có người mới trong thời gian Tòa án thụ lý và giải quyết việc/vụ án ly hôn.Như vậy, nếu chỉ thỏa thuận ly hôn miệng thì vợ hoặc chồng không được phép có người mới”, luật sư Bình nhấn mạnh.
Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Phạm Hồng Kiên – Giám đốc Công ty Luật Cán Cân Việt cho rằng: “Nếu vợ/chồng chỉ thỏa thuận bằng miệng trong việc ly hôn, ly thân với thì không có giá trị pháp lý. Khi chưa có quyết định ly hôn thuận tình và có hiệu lực pháp luật, thì chồng hoặc vợ mới không được có 1 mối quan hệ mới. Nguyên tắc hôn nhân “một vợ, một chồng” được khẳng định rất rõ ràng trong Luật”.
Luật sư Kiên phân tích, tại khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 nghiêm cấm hành vi: Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
Trong đó, chung sống như vợ chồng được hiểu là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng. (Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Do đó, hành vi ngoại tình với người đã có gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và tùy mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.