Thủ tướng đặt nghi vấn khi hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết

Admin
Thủ tướng nêu rõ, buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết thì chỉ có 2 khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng, trong đó có có các nội dung chuẩn bị cho phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5/2025, gồm: Đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).

Cho ý kiến về các đề nghị xây dựng luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại yêu cầu hồ sơ đề nghị xây dựng luật cần làm rõ, giải thích rõ những nội dung lược bỏ, những nội dung sửa đổi, hoàn thiện, những nội dung bổ sung, những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, những nội dung phân cấp, phân quyền, những vấn đề còn ý kiến khác nhau và những vấn đề khác cần báo cáo. 

Cùng với đó, quán triệt tinh thần phân công công việc bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ sản phẩm".

Thủ tướng đặt nghi vấn khi hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP).

Về đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn thực phẩm liên quan tới sức khỏe, tính mạng người dân. 

Trong khi đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, nhất là các vụ việc liên quan thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn… đang được người dân, xã hội rất quan tâm.

Thủ tướng nêu rõ: Buôn lậu, làm cả hàng trăm tấn hàng giả mà cơ quan chức năng không biết, trong khi để làm việc này thì phải có kho bãi, hoạt động mua bán, vận chuyển, thì chỉ có 2 khả năng: Một là không còn ý chí chiến đấu, hai là bị mua chuộc, có tiêu cực; cả 2 điều này đều phải xử lý nghiêm.

Cao điểm truy quét hàng giả: Tiến hành kiểm tra ngay khi người dân có phản ánh

Do đó, cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra, quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm, phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý Nhà nước; khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018 ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.