Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14, sáng 10/8, ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) đặt vấn đề: Thời gian vừa qua tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen, cho vay nặng lãi diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi.
Hiện nay, có một thực trạng là bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên quyền sở hữu nhà, tài sản hoặc quyền sử dụng đất như một biện pháp để thế chấp, cầm cố hoặc để làm tin, đến khi bên đi vay không thể trả được nợ, lãi mẹ đẻ lãi con thì bọn chúng sẽ đi sang nhượng nhà đất, tài sản đó cho người khác mà chủ sở hữu không thể đứng ra ngăn cản được và các cơ quan chức năng rất khó trong việc thu thập chứng cứ để xử lý. Trước thực trạng trên, Bộ Công an có biện pháp gì để đấu tranh, xử lý trong thời gian tới?
ĐBQH Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi chất vấn.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi gửi câu hỏi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay có thực trạng khi người dân vay ở các ngân hàng, đến kỳ đáo hạn thì phải đi vay nóng ở bên ngoài với lãi suất cao để trả vào trong ngân hàng để làm thủ tục vay lại. Đại biểu hỏi Thống đốc có biết tình trạng này đang diễn ra rất phổ biến ngoài xã hội hay không và có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Yến Nhi về "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trong 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ loại tội phạm này, đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như thời gian trước đây.
Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua internet. Gần đây, Bộ Công an đã triệt phá băng nhóm cho vay qua app hoạt động với quy mô lớn, nhiều tỉnh thành do các đối tượng, thậm chí có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, hàng trăm nghìn khách hàng vay, số tiền cho vay lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Thực tế, khách hàng cũng chỉ nhận được 60% số tiền vay. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn lớn, nhiều người khó khăn bị các đối tượng lợi dụng.
Việc xử lý tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng gặp khó khăn do số đối tượng dùng các thủ đoạn lách luật nên khó xác định giữa phạm vi dân sự với hình sự, nếu không thận trọng, không thể hình sự hóa quan hệ dân sự, nếu không làm tốt sẽ bỏ lọt tội phạm.Nêu lên các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, toàn dân trong giải quyết các loại tội phạm này.
Thêm nữa, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, thường xuyên cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, để nhân dân phòng ngừa. Bộ Công an cũng phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng đẩy mạnh các biện pháp để người dân tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng một cách thuận lợi, đáp ứng được yêu cầu, không phải đi vay tín dụng đen.
Bộ trưởng Bộ Công an cho biết nhu cầu vay tín dụng đen trong nhân dân vẫn còn lớn.
Bên cạnh đó, một trong những biện pháp căn cơ hiện nay sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.
Đồng thời, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các loại tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", đặc biệt là những băng nhóm, tổ chức tội phạm. Bởi phần lớn các tổ chức "tín dụng đen" đều có liên quan, có quan hệ với đối tượng tội phạm hình sự.
Vì vậy, ngành Công an đã có giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các nhóm tội phạm có tổ chức. Đây là giải pháp rất quan trọng Bộ Công an đã thực hiện thành công và sẽ tiếp tục thực hiện.
Tham gia trả lời chất vấn của đại biểu Yến Nhi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động Ngân hàng, trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ các quy định pháp lý về việc các tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn, trong đó có những quy định về điều kiện vay vốn. Đặc biệt, khi vay vốn khách hàng phải nêu rõ mục đích vay vốn và khả năng trả nợ.
Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận với nhau về thời hạn trả nợ và khi vay thì khách đã dự liệu được khả năng và thời gian của mình phải trả nợ. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời hạn vay vốn có thể vì một lý do nào đó, khách hàng không trả được nợ. Khi đó, khách hàng có thể đề nghị các tổ chức tín dụng cho phép gia hạn nợ, nếu khách hàng có đơn đề nghị, chứng minh được sẽ có khả năng trả nợ theo thời hạn mới khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Trường hợp khách hàng không đề nghị gia hạn nợ, có thể đi vay mượn tiền từ người thân, từ gia đình, vay từ nguồn tín dụng đen... thì theo bà Hồng trên thực tế các tổ chức tín dụng khó có thể biết được tiền đó từ đâu để khách hàng trả nợ. Khi khách hàng đã trả xong khoản nợ đó mà muốn vay lại thì khách hàng lại phải thực hiện các quy định, tổ chức tín dụng cũng phải thẩm định khoản vay mới theo đúng các yêu cầu, quy định của pháp luật.
"Trong thời gian qua, với hệ thống mạng lưới của các tổ chức tín dụng rất đa dạng, có chi nhánh, các phòng giao dịch, không chỉ các tổ chức tín dụng mà còn các công ty tổ chức tài chính vi mô...cũng đã có hiện diện ở hầu khắp toàn quốc. Nên, khi có nhu cầu vay vốn thì người dân nên tiếp cận vay vốn từ các kênh chính thức", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.