“Lòng chảo” Thủ Đức và bài toán ngập kinh niên, đơn vị chủ quản nói gì?
Vừa qua, trên địa bàn Tp.HCM xuất hiện mưa lớn, ghi nhận vào ngày 10/5, nhiều khu vực trên địa bàn TP rơi vào tình trạng ngập do mưa lớn kéo dài. Đặc biệt tại khu vực chợ Thủ Đức, mức ngập đã biến khu vực này thành lòng chảo gây nguy hiểm cho người dân và phương tiện qua lại.

Người dân bì bõm, than trời vì mưa ngập diện rộng tại chợ Thủ Đức.
Trả lời về nguyên nhân gây ngập diện rộng và kéo dài nhiều năm qua, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Tp.HCM vào chiều ngày 15/5, ông Nguyễn Quang Chi, Phó phòng Giao thông công chính, UBND Tp.Thủ Đức cho biết, khu vực chợ Thủ Đức nằm trên địa hình chuyển tiếp từ vùng gò đồi (giáp Bình Dương) xuống vùng trũng ven sông Sài Gòn, có cao độ chỉ từ 0,6m đến 1m. Với địa thế thấp và độ dốc lớn, khu vực này trở thành “túi nước” tự nhiên mỗi khi mưa lớn trút xuống.

Ông Nguyễn Quang Chi, Phó phòng Giao thông công chính, UBND Tp.Thủ Đức, thông tin về nguyên do gây ngập ở khu vực chợ Thủ Đức.
Hệ thống cống thoát nước quanh chợ chủ yếu là cống tròn có đường kính dưới 100cm, đã lạc hậu, tiêu thoát nước kém. Các kênh rạch xung quanh bị bồi lắng bởi đất cát, rác thải, làm giảm nghiêm trọng khả năng thoát nước.
Chỉ cần mưa từ 60mm trở lên kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường như: Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Lê Văn Ninh, Kha Vạn Cân đã ngập từ 20–50cm. Mưa lớn sáng 10/5 vừa qua với vũ lượng gần 200mm tiếp tục khiến khu vực này ngập nặng, cảnh báo tình trạng sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có giải pháp hiệu quả.
Khu vực chợ Thủ Đức là điểm hứng nước từ nhiều lưu vực xung quanh từ Bình Dương, đường sắt Bắc Nam, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Ngân dồn về rạch Cầu Ngang rồi chảy ra sông Sài Gòn. Tuy nhiên, điểm thoát chính tại cầu Ngang (rộng chỉ 5,3m) trở thành nút “thắt cổ chai”, khiến nước thoát không kịp, gây ngập kéo dài.
Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa chóng mặt khiến lớp đất tự nhiên bị bê tông hóa, giảm khả năng thấm nước. Cơn mưa giờ đây không thể ngấm mà đổ ào xuống hệ thống cống vốn đã quá tải. Thêm vào đó, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, hiện tượng El Nino khiến mưa lớn, triều cường thường xuyên xuất hiện cùng lúc, càng làm bài toán thoát nước trở nên nan giải.
Bài toán lâu dài vẫn là “mở đường thoát” cho nước
Ông Chi cũng thông tin, trước tình trạng báo động, từ năm 2024 đến nay, UBND Tp.Thủ Đức đã triển khai hàng loạt giải pháp để giảm ngập, từ công tác nạo vét, vận hành van ngăn triều, duy tu mương cống, kiểm tra nắp hố ga, đến phối hợp các đơn vị bơm nước, vớt rác khi có mưa lớn.

Từ năm 2024 đến nay, UBND Tp.Thủ Đức đã triển khai hàng loạt giải pháp để giảm ngập, từ công tác nạo vét, vận hành van ngăn triều, duy tu mương cống, kiểm tra nắp hố ga, đến phối hợp các đơn vị bơm nước, vớt rác khi có mưa lớn.
Hai dự án quan trọng là “Nạo vét, cải tạo rạch Cầu Ngang” và “Xây dựng hệ thống thoát nước dọc đường ray xe lửa (phường Linh Đông)” đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 7/2025.
Bên cạnh đó, các phường: Linh Tây, Trường Thọ, Linh Đông, Linh Chiểu được yêu cầu tăng cường lực lượng xung kích, sẵn sàng ứng phó ngập theo phương châm “4 tại chỗ - 3 sẵn sàng”, đồng thời siết chặt quản lý việc xả rác, lấn chiếm rạch, bịt miệng thu nước.
Dù các giải pháp trước mắt đã phát huy hiệu quả phần nào, nhưng về lâu dài, Tp.Thủ Đức cần sớm hoàn thiện đồng bộ các dự án thoát nước chiến lược, cải tạo hệ thống kênh rạch chính như rạch Thủ Đức, rạch Cầu Ngang.
Việc quy hoạch thoát nước đô thị cần được nhìn nhận từ góc độ toàn lưu vực, thay vì xử lý từng điểm ngập đơn lẻ. Cùng với đó, ý thức người dân không xả rác, không bịt miệng cống sẽ là “mắt xích” không thể thiếu trong hành trình chống ngập đang đầy thử thách ở thành phố trẻ Thủ Đức.
Ông Chi cũng cho biết thêm, Tp.Thủ Đức đang kiến nghị UBND Tp.HCM chấp thuận dự án hệ thống thoát nước theo mương Ngọc Thủy (phường Trường Thọ) với tổng kinh phí 85,7 tỷ đồng, nhằm chia tải nước mưa từ đường Võ Văn Ngân về rạch Nhà Trà, rồi ra rạch Thủ Đức.
Một đề xuất lớn hơn nữa là xây dựng tuyến kè, nạo vét rạch Thủ Đức và trạm bơm khủng công suất 120.000m³/h, tổng vốn hơn 5.173 tỷ đồng. Khi hoàn thành, công trình này sẽ giải quyết căn cơ tình trạng ngập tại khu vực chợ Thủ Đức, điểm ngập ám ảnh người dân suốt nhiều năm qua.