Vụ huỷ hoại rừng đầu nguồn ở Hoà Bình: (Bài 1) Tự xưng chủ rừng, mang 'Thanh tra Bộ...' doạ phóng viên

Admin
Vừa qua, một phần diện tích rừng đầu nguồn trên địa bàn thôn Niếng, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã xảy ra hỏa hoạn và có dấu hiệu bị chặt phá, khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Theo ghi nhận của PV, tại hiện trường xảy ra vụ việc ở khu vực rừng Lải Vè, thuộc địa phận thôn Niếng đã xuất hiện cả một diện tích khổng lồ bị chặt hạ và bị lửa thiêu rụi nhuốm màu đen của than và tro.

Người dân ở thôn Niếng cho biết, việc chặt hạ khu rừng này do một nhóm người mang cưa máy vào thực hiện cách đây khoảng hơn chục ngày. Khi người dân phát hiện và báo lên UBND xã, lãnh đạo xã đã về lập biên bản sự việc và nghiêm cấm việc chặt phá, đốt rừng.

Nhóm đối tượng thực hiện chặt phá khu rừng còn chưa được xử lý dứt điểm, thì sáng ngày 5/2/2021, người dân trong thôn bất ngờ phát hiện ra đám cháy lớn ở khu rừng bị chặt hạ.

Người dân đã báo lên UBND xã, nhưng phải đến giữa trưa cùng ngày, lãnh đạo xã mới huy động hơn 70 người dân trong thôn đi dập lửa và khoanh vùng, lửa khói cháy lan sang khu rừng xung quanh.

sequence-0100-01-09-13still008-1613718348.jpg

Cả cánh rừng bị cháy trơ trọi

Ông Trương Đình Vinh, người dân thôn Niếng, cho biết: "Từ nhiều ngày trước họ đưa người về chặt phá, người dân phát hiện ra đã báo lên xã, lãnh đạo xã về kiểm tra và yêu cầu không được chặt phá, đến sáng ngày 5/2/2021, người dân phát hiện lửa cháy mới báo lên lãnh đạo xã, đây là khu rừng đầu nguồn, cung cấp nước cho người dân trong thôn sinh sống và sản xuất, nếu họ phá như thế này thì chúng tôi sẽ mất đi nguồn nước".

Bà Bùi Thị Quyên, cho biết: "Trước kia tôi làm trưởng thôn, thì khu rừng này được xác định là rừng đầu nguồn, đến năm 2007, lãnh đạo xã có gọi tôi lên nói là rừng này đã giao cho ông Thi làm du lịch cộng đồng, xã thu về 400 triệu đồng, giao cho thôn 100 triệu để làm nhà văn hóa, họ giao như thế nào thì chúng tôi cũng không được biết, nhưng suốt hơn 10 năm cũng không thấy họ làm du lịch, giờ họ phá rừng đi thì nguồn nước cho sản xuất canh tác của cả thôn này sẽ bị mất".

sequence-0100-00-23-20still007-1613718348.jpg

Chỉ còn lại những gốc cây bị đốn hạ dang dở và tàn tro...

Anh Trương Văn Hài, bức xúc nói: "Cả khu rừng đầu nguồn cung cấp nước cho dân, nhưng việc giao đất giao rừng cho ông Thi chúng tôi không được biết, nay họ về tàn phá khiến cuộc sống của nhân dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng lãnh đạo xã chỉ về thông báo không cho chặt phá, đến khi rừng bị chát thì lại hô hào dân đi cứu rừng, nếu hôm đấy chúng tôi không đi dập lửa, thì cả khu rừng hàng trăm ha này đã bị cháy hết".

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thi, cho biết: "Đây là rừng đã giao cho ông Thi, khi có việc chặt phá, chúng tôi đã lập biên bản và yêu cầu dừng lại, đến khi xảy ra cháy rừng, thì tôi đã chỉ đạo anh em cùng nhân dân đi dập lửa, việc này tôi cũng đã báo cáo lên UBND huyện và kiểm lâm huyện".

sequence-0100-04-51-14still009-1613718348.jpg

Nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của nhân dân chủ yếu lấy từ cánh rừng này

Tuy nhiên, khi PV đề nghị được tiếp cận các văn bản liên quan việc xử lý chặt phá rừng thì ông Đông lại đề nghị PV làm việc với ông Thi chủ rừng, vì giấy tờ đã giao cho ông Thi.

PV vừa ra đến sân UBND xã, thì một người đàn ông xưng tên là Thi, chủ rừng, yêu cầu PV đưa giấy tờ công tác để chụp ảnh, trước sự việc lạ, PV đã từ chối cung cấp, ông Thi đã có những lời nói đe dọa PV và gọi điện thoại cho một người đàn ông để tham vấn ý kiến "xử lý" PV. Ông Thi khoe có "thằng em" làm "Thanh tra Bộ..." và đưa ra để "doạ" PV.

sequence-0100-04-25-13still005-1613718348.jpg

Người đàn ông tự xưng là Thi, gọi điện thoại cho một người bí ẩn đe dọa PV

Theo một tài liệu do người dân địa phương cung cấp, khi người dân bức xúc phản ảnh về việc khu rừng đầu nguồn, nơi lưu trữ và cung cấp nguồn nước cho dân thôn bị xâm hại thì ông Bùi Minh Thẩm, Bí thư Đảng ủy xã đã tiết lộ, khu rừng này đã giao cho ông Thi và UBND tỉnh Hòa Bình đã có quyết định "hạ đai" chuyển từ rừng phòng hộ thành rừng sản xuất.

Điều khiến người dân bức xúc là khu rừng có vai trò quan trọng, quyết định đến nguồn nước sinh hoạt và lao động sản xuất của toàn bộ người dân trong thôn, nhưng lại được giao cho một cá nhân làm dự án kinh doanh, mà người dân không hề được biết.

Đến nay, xảy ra tình trạng chặt phá trên diện rộng, hủy hoại cả cánh rừng có diện tích lớn, thì người dân mới biết, "nguồn sống" cho cả thôn đang bị xóa sổ một cách "hợp pháp".