Việt Nam sẽ có cơ quan giải quyết tranh chấp riêng?
Sáng 20/2, tại trụ sở Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với ông Vũ Ánh Dương - Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Mở đầu buổi làm việc, ông Vũ Ánh Dương chúc mừng ông Nguyễn Khánh Ngọc được Đại hội Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIV bầu giữ chức Chủ tịch.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đã có buổi làm việc với đại diện VIAC.
Ông Dương cho biết Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là tổ chức cung cấp các phương thức bổ trợ tư pháp - giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài, hòa giải và các phương thức khác theo quy định pháp luật, VIAC luôn đặt trọng tâm và dành nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu cải tiến quy trình giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
Theo đó, chất lượng của thành viên tham gia trọng tài rất quan trọng, bao gồm việc sàng lọc, đào tạo và tập huấn thường xuyên. Hàng năm có các chương trình tập huấn cập nhật kiến thức, những vấn đề pháp lý liên quan phát sinh trong tố tụng trọng tài.
"Đơn vị thiết chế Hội đồng khoa học cũng là một thiết chế giúp cho các hội đồng trọng tài VIAC trong việc cung cấp ý kiến chuyên gia và ý kiến pháp lý. Năm nay, VIAC sẽ đẩy mạnh thiết chế Hội đồng khoa học hơn nữa để có nhiều sản phẩm nghiên cứu hơn cung cấp cấp cho Hội đồng Trọng tài", ông Dương nói.
Trao đổi về việc sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại mà Hội Luật gia Việt Nam đang chủ trì, ông Vũ Ánh Dương đặt kỳ vọng sau khi sửa đổi sẽ có đột phá mạnh mẽ, từ đó thúc đẩy sửa đổi thể chế trọng tài.
"Không nước nào có tới 40-50 trung tâm trọng tài"
Lắng nghe những ý kiến của đại diện VIAC, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ mong muốn xây dựng Việt Nam thành trung tâm trọng tài được yêu thích trong khu vực và quốc tế. Điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, thiết chế và sự ủng hộ của Chính phủ để tạo ra môi trường pháp lý và thể chế thuận lợi.
Đối với việc sửa đổi Luật Trọng tài Thương mại, Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ, nếu làm tốt sẽ góp phần khẳng định chỉ số tư pháp và niềm tin của người dân đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của dân tộc trong kỷ nguyên phát triển mới. Đồng thời giúp các nhà đầu tư, doanh nhân nước ngoài an tâm hơn khi đến Việt Nam.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc.
"Chính sách thu hút FDI của chúng ta được coi là thông thoáng trên thế giới, nhưng việc xử lý các vấn đề trong cả quá trình đầu tư tại còn có những trở ngại bởi vấn đề tư pháp", ông Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, thị trường pháp lý lớn nhưng việc hỗ trợ pháp lý của Việt Nam chưa được nhiều mà vẫn nằm trong tay dịch vụ pháp luật nước ngoài. Từ đó Chủ tịch Hội Luật gia đánh giá: "Các trung tâm trọng tài trong nước hiện nay đã có rất nhiều cố gắng, đặc biệt là VIAC, nhưng so với tiềm năng và nhu cầu thì còn vô cùng nhỏ".

Buổi làm việc giữa Hội Luật gia Việt Nam và VIAC.
"Luật hiện hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho trọng tài, nhưng thiên về chiều rộng. Không đất nước nào có tới 40-50 trung tâm trọng tài", Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc nói và cho rằng cần thảo luận, tham mưu, đề xuất và định hình về luật sửa đổi rồi xin ý kiến cơ quan chức năng và thể chế hóa.
Buổi làm việc đã tập trung vào các vấn đề then chốt như chất lượng, xây dựng Việt Nam thành trung tâm trọng tài khu vực và quốc tế, sửa đổi Luật Trọng tài, và nâng cao chất lượng cũng như uy tín của hệ thống trọng tài. Hội Luật gia Việt Nam cũng như VIAC đã đưa ra nhiều ý kiến và kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực trọng tài tại Việt Nam.