1% F1 tự giác khai báo y tế: Hành vi gian dối nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Admin
Theo luật sư, hành vi chậm, trốn tránh việc khai báo y tế tùy vào tính chất, hậu quả mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tình hình dịch bệnh ở nhiều tỉnh thành nước ta ngày càng diễn biến phức tạp. Nhiều ca bệnh mới được công bố. Tuy nhiên hiện nay theo thống kê của ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Quốc gia, có tới 20% số ca mắc Covid-19 không hợp tác cung cấp đầy đủ thông tin, chỉ có 1% số ca F1 tự giác liên hệ khai báo với các đơn vị y tế. Điều này có nghĩa là một số người có thể là bệnh nhân không hợp tác để cung cấp thông tin, trong khi những thông tin đó rất quan trọng.

Nhận định về việc này, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc khai báo y tế trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp hiện nay là trách nhiệm của công dân.

Hành vi chậm khai báo, trốn tránh việc khai báo y tế tùy vào tính chất mức độ, tuỳ thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Cường phân tích, theo Điều 3 luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định: Bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: Bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Dịch Covid-19 do chủng mới của virus gây ra được bổ sung vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A kể từ ngày 29/1/2020 (theo Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29/01/2020 của bộ Y tế).

Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát đến nay đã hơn một năm, các cơ quan chức năng đã tích cực tuyên truyền quy định về phòng chống dịch bệnh, cũng như trách nhiệm nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn cho cộng đồng trong đó có việc khai báo y tế, thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách an toàn.

Với những người đến từ vùng dịch, đi qua vùng dịch, tiếp xúc với người dương tính với SARS- COV-2, tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc covid-19 thì bắt buộc phải khai báo y tế và phải thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Hành vi vi phạm hành chính quy định về phòng chống dịch bệnh trước đây sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Từ năm 2020 thì sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính theo lĩnh vực y tế.

Quan điểm - 1% F1 tự giác khai báo y tế: Hành vi gian dối nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo đó, Theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, người nào từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì bị phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Riêng đối với hành vi "Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu" có thể bị phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Như vậy, với hành vi “không khai báo hoặc khai báo không trung thực diễn biến bệnh truyền nhiễm của bản thân với nhân viên y tế” thì người vi phạm có thể bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Hành vi “không thông báo thông tin liên quan đến người mắc bệnh truyền nhiễm, không thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm đối với người mắc bệnh” thì bị phạt từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.

Ngoài ra, Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xét xử một số tội phạm về phòng chống Covid-19 có quy định:

Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 240 và bị xử lý về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người.

Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa thực hiện một trong các hành vi gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295, Bộ luật hình sự năm 2015.

Như vậy, với hành vi “không khai báo y tế, khai báo y tế không đầy đủ hoặc khai báo gian dối” dẫn đến việc làm bên làm dịch bệnh ra cộng đồng thì người vi phạm quy định về khai báo y tế sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 240, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm cho người. Hình phạt có thể lên đến 12 năm tù.

“Chưa có khi nào tình hình dịch bệnh nguy hiểm truyền nhiễm Covid-19 ở Việt Nam lại diễn ra phức tạp, đáng lo ngại như bây giờ. Dịp Tết Nguyên đán cận kề, thời điểm cuối năm rất nhiều người tụ họp gặp mặt, đám cưới... thêm vào đó rất nhiều sự kiện chính trị quan trọng, dịch bệnh lần này với chủng virus mới rất nguy hiểm, lây lan nhanh, thời tiết thời điểm này rất thuận lợi để dịch bệnh lây lan... Bởi vậy đòi hỏi mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh theo luật Phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và các văn bản của Chính phủ, bộ y tế trong đó thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế của bộ Y tế”, luật sư Cường đưa ra lời khuyên.