Ngày 3/11 đã diễn ra cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Cơ bản đã giữ chân được người lao động
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 mà theo đánh giá của Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là "đúng, trúng, kịp thời".
Bộ trưởng đánh giá cao tính chủ động của các địa phương khi ban hành nhiều chính sách hỗ trợ riêng cho người dân để vượt qua đại dịch. Các chính sách hỗ trợ của địa phương đã kịp thời, hiệu quả, góp phần rất quan trọng trong việc giữ chân và đảm bảo đời sống của người lao động.
Theo nhận định của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hơn một tháng kết thúc giãn cách xã hội, các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả. "Nhìn chung, đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỉ lệ trên 90%", Bộ trưởng nói.
"Các địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp cũng đều tự nhận định rằng, nếu như tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, thêm vào đó tiến độ triển khai tiêm vắc-xin được đẩy nhanh hơn, diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý I, đầu quý II năm2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kết luận.
Ngoài ra, vấn đề người dân, người lao động di chuyển từ các thành phố lớn về quê cũng được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.
Theo đó, lượng người trở về quê tương đối lớn, nhưng tập trung chủ yếu vào khu vực lao động phi chính thức, lao động tự do. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, một mặt phải tiếp nhận người dân quay trở về quê, mặt khác cần có chính sách tạo việc làm để thu hút người lao động quay trở lại thành phố làm việc. Cùng với đó là chính sách chăm lo, tạo công ăn việc làm cho người lao động có mong muốn ở lại địa phương.
Đối với lao động chính thức trong khu vực FDI, lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng về cơ bản đã giữ chân được người lao động khi các doanh nghiệp được cảnh báo từ sớm, qua đó doanh nghiệp chủ động lựa chọn phương án hoạt động, đồng thời có chính sách để giữ chân người lao động thông qua việc thường xuyên giữ liên lạc, giữ mối quan hệ và hỗ trợ một phần cho những người lao động tạm ngừng việc.
"Bản thân các doanh nghiệp đã hỗ trợ rất tốt cho người lao động của mình, điều này lý giải cho việc kết quả triển khai chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc không hưởng lương thời gian vừa qua còn tương đối thấp" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.
Thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: Giữ chân người lao động; Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động; Điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.
Bộ trưởng cũng lưu ý, qua tổng hợp báo cáo của địa phương, Bộ sẽ tham mưu vào Đề án phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động.
Từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới
Trong khuôn khổ cuộc họp, các địa phương đã trình bày kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg, Nghị quyết 116/NQ-CP và thực trạng cung ứng lao động tại địa phương và các giải pháp cụ thể phục hồi và phát triển thị trường lao động.
Các đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp cũng chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, đưa ra nhận định về tình hình thị trường lao động trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị các giải pháp nhằm phục hồi lại hoàn toàn tình trạng sản xuất như thời điểm trước dịch.
Theo báo cáo của đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất Tp.HCM, tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay lại hoạt động là 1.430/1500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước dịch Covid-19.
Đại diện Ban quản lý cho biết, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của Tp.HCM, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100%, mới đạt 50-70%.
Về tình hình lao động, Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Tp.HCM đã phối hợp với 2 ban quản lý khu chế xuất, ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố nhằm nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như: Tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11; Phối hợp Quận, huyện đoàn, Liên đoàn lao động quận huyện, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp nhận danh sách người lao động bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm; Tư vấn, giới thiệu chỗ ở đối với người lao động tỉnh khi tham gia tìm kiếm việc làm.
Theo đại diện tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm", "3 xanh" với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người. Với cơ chế thông thoáng, thuận lợi về đăng ký phương án hoạt động sản xuất, về đi lại của người lao động, dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 80% (khoảng với trên 1,059 triệu lao động sẽ trở lại làm việc).
Để phục hồi thị trường lao động, tỉnh Bình Dương đang tích cực triển khai các giải pháp như: rà soát tình hình người dân, người lao động khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung nhằm ổn định cuộc sống; Đẩy nhanh tổ chức tiêm vắc-xin; Các giải pháp về kết nối cung - cầu lao động: tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối thông qua các ứng dụng trực tuyến như zalo, web; cung cấp thông tin tuyển dụng đến cấp xã, phường; kết nối thông tin tuyển dụng lao động với các tỉnh thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, hệ thống Liên đoàn lao động tỉnh, các Hội, Đoàn thể để vận động người lao động về quê quay trở lại Bình Dương làm việc, thu hút người lao động mới đến làm việc.
Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động… để đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định.