Sự kiện bầu cử Mỹ 2020 đã thu hút công chúng ở khắp nơi trên thế giới từ châu Âu đến châu Á say mê theo dõi cuộc đối đầu nghẹt thở giữa hai nhân vật chính: Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Bầu cử Mỹ năm nay là một trong những cuộc bầu cử có nhiều kỷ lục cũng như nhiều tranh cãi nhất, với diễn biến liên tục đổi chiều một cách khó lường, khiến cho cả những nhà phân tích kỳ cựu cũng khó đưa ra được dự đoán chính xác cho đến thời điểm quá trình bỏ phiếu kết thúc.
Gay cấn như chung kết World Cup
“Trump-Biden: Nước Mỹ đang tự nghiền nát mình”, tờ Le Monde viết trên tiêu đề trang nhất, mô tả cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm nước Mỹ đang chia rẽ hơn bao giờ hết. Ở Australia và Indonesia, những đám đông tụ tập xung quanh TV trong các quán cà phê, chăm chú theo dõi các tiểu bang chuyển sang màu đỏ hoặc xanh lam. Ở Iran, hashtag #Elections_America thịnh hành trên Twitter, trong khi ở Nhật Bản, đài truyền hình Fuji đưa tin về cuộc bầu cử bằng phong cách đồ họa cổ điển giống trong trò chơi điện tử ngày xưa.
Trên toàn thế giới, cuộc bầu cử Mỹ đã trở thành một bộ phim truyền hình cuốn hút theo cách kỳ lạ. Theo New York Times, dù bầu cử Mỹ là sự kiện nội bộ nhưng ảnh hưởng của nó đã lan tỏa đến mọi ngóc ngách trên toàn cầu, ngay cả với những người không có lá phiếu trên tay. Moch Faisal Karim, giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học Binus ở Indonesia mô tả: “Bầu cử Mỹ kịch tính không khác gì vòng chung kết World Cup”.
Đối với nhiều người, cuộc bầu cử là cơ hội để chứng kiến sự thất bại của ông Trump, người đã gây xích mích với các đồng minh truyền thống, khơi mào chiến tranh thương mại và làm phật lòng nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài với phong cách khó lường. Sau những kế hoạch nhiều tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều người trên thế giới khao khát nước Mỹ sẽ chuyển hướng trở lại con đường truyền thống theo cam kết của ông Biden.
Nhưng đối với những quốc gia được hưởng lợi từ ông Trump, viễn cảnh về một Tổng thống Biden trong nhiệm kỳ mới đã đánh thức nhiều cảm xúc mâu thuẫn. Điều này có vẻ đúng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu – người có mối quan hệ chặt chẽ với ông Trump và không có vẻ gì cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ mong chờ vào chiến thắng của Joe Biden.
Bên cạnh đó, cũng có những quan điểm tỏ ra trung lập. Ở biên giới phía Nam nước Mỹ, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã từ chối bình luận về cuộc bầu cử, nói rằng điều đó sẽ tạo nên sự can thiệp vào các vấn đề của nước láng giềng.
Sức hút của ông Trump
Ở Nam Phi, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự yêu thích mạnh mẽ đối với ông Biden, nhưng nhiều người trên mạng xã hội cũng thừa nhận rằng sự ủng hộ rộng rãi đối với ông Trump ở Mỹ cũng là điều rất đáng nể.
“Ai chiến thắng không quan trọng, nước Mỹ cho thấy họ đang chia rẽ. Dù là một nhà lãnh đạo nhiều tranh cãi cũng như gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, ông Trump vẫn có thể thu hút được 50% dân số Mỹ ủng hộ cho mình. Con số đó nói lên rất nhiều điều”, James Bernstein, một nhà phân tích rủi ro tài chính cho biết trên Twitter.
Ở châu Á, khu vực hầu như đã kiểm soát được Covid-19, nhiều người đã cố gắng tìm hiểu xem ông Trump - một nhà lãnh đạo đang loay hoay trong việc kiểm soát dịch bệnh - đã làm như thế nào mà vẫn có thể thu hút được nhiều sự ủng hộ đến vậy.
Trong bốn năm qua, ông Trump đã thay đổi các nguyên tắc định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Ông đã rút Mỹ khỏi các thỏa thuận đa phương, bao gồm hiệp định khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đưa ra đề nghị rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới trong bối cảnh dịch bệnh toàn cầu diễn biến phức tạp. Trên các mặt trận khác, ông Trump đã bắt đầu một số cuộc chiến thương mại, hạn chế nhập cư và hạn chế tái định cư người tị nạn. Trong cuộc bầu cử lần này, ông Trump biết rằng cả thế giới đang dõi theo mình một cách sát sao.
Báo chí Hàn Quốc cũng liên tục cập nhật thời gian thực về kết quả kiểm phiếu với các tiêu đề được đưa lên trang nhất trên các báo và các kênh truyền hình cáp, khiến đây trở thành cuộc bầu cử Mỹ được theo dõi nhiều nhất trong các năm trở lại đây. Với Seoul, kết quả của cuộc bầu cử được cho là có thể ảnh hưởng đến liên minh quân sự quan trọng với Mỹ cũng như mối quan hệ của Washington với Triều Tiên.
Ở Ấn Độ, nơi có ngôi làng nhỏ là quê ngoại của Kamala Harris, ứng cử viên phó tổng thống của đảng Dân chủ, người dân nơi đây rất quan tâm đến các cập nhật về bầu cử Mỹ trên truyền hình. Pradeep, quản lý một khách sạn nhỏ trong làng, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa tươi tốt, cho biết: “Thường thì chúng tôi không theo dõi các cuộc bầu cử của Mỹ. Nhưng lần này chúng tôi đã theo dõi cuộc bầu cử rất chăm chú, giống như cuộc bầu cử của chính chúng tôi”.
Tại Trung Quốc, các kênh truyền thông tập trung nhiều vào các nguy cơ xảy ra bạo loạn liên quan đến bầu cử Mỹ. Đài truyền hình CCTV đã chiếu đoạn phim về sự hiện diện dày đặc của cảnh sát ở Washington và những người biểu tình xô đẩy nhau gần Nhà Trắng.
Hôm 4/11, từ khóa #USelection đã được truy cập 3,4 tỷ lần trên nền tảng xã hội Weibo của Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích dự đoán rằng một chiến thắng dành cho ông Biden có thể mở ra “quãng nghỉ ngoại giao”. Nhưng một số người cũng tỏ ra u ám về triển vọng dài hạn đối với quan hệ Trung Quốc-Mỹ. “Chúng tôi hy vọng sau khi Biden trở lại, ít nhất hai bên có thể nối lại đối thoại cấp cao”, tờ Washington Post dẫn lời Ding Yifan, cựu cố vấn nội các Trung Quốc, cho biết. “Biden muốn cạnh tranh với Trung Quốc nhưng cũng muốn hợp tác, và đó cũng là cách chúng tôi định hình mối quan hệ”.
Đối với một số quốc gia, họ hy vọng cuộc bầu cử sẽ làm thay đổi mối quan hệ của Mỹ với thế giới. Ở Indonesia, một số nhà phân tích cho rằng chiến thắng của ông Biden sẽ làm dịu đi cách tiếp cận của Mỹ đối với thế giới Hồi giáo, trong khi ở Iran, nơi nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của ông Trump, một số ý kiến cho rằng cuộc bầu cử có tác động với người Iran còn lớn hơn người Mỹ. "Sau 41 năm, chúng tôi đang mong chờ cuộc bầu cử của Mỹ cứu nền kinh tế của mình”, Ebrahim Alinia, một chuyên gia bất động sản, viết trên Twitter. Về phần mình, Lãnh đạo tối cao Iran, Ayatollah Ali Khamenei, nói rằng kết quả bầu cử sẽ không mang đến điều gì khác biệt đối với chính sách đối ngoại của Tehran hiện tại.
Tại Brazil, nơi Tổng thống Jair Bolsonaro vốn được coi là đồng minh của Tổng thống Trump, các chính trị gia phe đối lập đặt hy vọng vào việc ông Biden sẽ thay đổi chính sách của nhà lãnh đạo đương nhiệm. Natalie Unterstell, một nhà hoạt động môi trường, cho biết trên Twitter: “Một sự thay đổi trong chính sách của Mỹ có thể giúp trì hoãn và thậm chí đảo ngược những tác động đối với rừng nhiệt đới Amazon”.
Nhiều phương tiện truyền thông ở nước ngoài đưa tin về cuộc bầu cử nhiều như thể bầu cử ở chính đất nước họ. Tờ Bild của Đức thậm chí đã xây dựng một bản sao Phòng Bầu dục để làm hiện trường phát sóng bản tin trực tuyến.
Trong những ngày bầu cử Mỹ diễn ra gay cấn, Jennifer Curtin, giám đốc viện Chính sách Công tại đại học Auckland đã lên kế hoạch đặt bánh pizza kiểu New York và tổ chức một cuộc tụ họp nhỏ tại nhà ở nhà với bạn bè để xem kết quả. Tất cả mọi người đều nhận định rằng cuộc bầu cử Mỹ năm nay thật khó lường nhưng cũng đầy thú vị.