Bình Thuận: Nhức nhối tình trạng khai thác cát lậu trên sông La Ngà

Admin
Lợi dụng được cấp phép nạo vét, kết hợp tận thu các bồi tại nhánh sông La Ngà thuộc địa phận các xã: La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình (huyện Tánh Linh), một số doanh nghiệp ngang nhiên khai thác cát ngoài vị trí được cấp phép. Lượng cát khổng lồ được tập kết tại bãi, phân phối đi khắp Bình Thuận, các tỉnh Đông Nam bộ thu lợi bất chính.

Nhức nhối

Hiện nay, trên địa bàn các huyện như: Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh… (tỉnh Bình Thuận) đang diễn ra việc khai thác khoáng sản trái phép. Nhiều tổ chức/cá nhân ngang nhiên hoạt động rầm rộ, đặc biệt là khai thác cát lậu.

Tình hình khai thác cát lậu diễn biến hết sức phức tạp ở các địa phương trên đã gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống dân sinh và nguy hại nhất là tình trạng “chảy máu” khoáng sản.

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật cho thấy, tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, với quy mô lớn và có hiện tượng lặp đi lặp lại…. Tuy nhiên, việc xử lý rất khó khăn.

Điển hình như, tại Hàm Tân có nhiều khu vực: Láng cát Phước Sa, khu vực Suối Son (thôn 3 xã Sơn Mỹ) hay khu vực lòng hồ sông Dinh 3 (địa phận giáp ranh thị trấn Tân Nghĩa - xã Tân Phúc); khu vực láng Mười Mẫu (thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng)…, các đối tượng khai thác cát đang hoành hành.

Vòi hút cát nằm dưới lòng sông, bia kia bờ là những núi cát và xe múc hoạt động rầm rộ (ảnh cắt từ clip).

Thực tế, theo phản ánh của của các hộ dân sinh sống tại dọc tuyến nhánh sông La Ngà, một số doanh nghiệp ngang nhiên khai thác cát ngoài điểm được cấp phép trên địa bàn xã: La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình của huyện Tánh Linh.

Hoạt động khai thác cát trái phép này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, sạt lở đất mà còn làm thất thoát tài nguyên khoáng sản của Quốc gia.

Điều đáng nói, sự việc này diễn ra công khai từ nhiều năm nay, nhưng chưa có cơ quan chức năng nào xử lý. Hoặc có kiểm tra cũng tiến hành theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.

Điểm khai thác cát tại khu vực nhánh sông La Ngà, xã La Ngâu. Khi bị phát hiện, xe múc này núp vào lùm cây bên đường (ảnh cắt từ clip).

Những ngày mật phục tại khu vực giáp ranh 3 xã: La Ngâu, Đồng Kho, Đức Bình, nhóm PV ghi nhận thực tế, máy móc kêu ầm ầm, vang cả một khúc trời.

Dưới lòng sông La Ngà, cát vàng được bơm lên, đổ thành núi vàng tươi dưới ánh nắng mặt trời.

Trên Quốc lộ 55, có một số cầu nhỏ, hẹp (không hề có biển báo tải trọng, tốc độ) xe ben cỡ lớn nối đuôi chạy với tốc độ "tử thần".

Xe ben trống vào, quay ra chứa đầy cát chở đến các điểm phân phối ở Biên Hoà, Căn cứ 4 (Đồng Nai) và nhiều điểm khác.

Ai đang hút cát - bơm tiền đầy túi?

Làm việc với PV, bà Lương Thị Đoan Trang, Chủ tịch UBND xã La Ngâu, huyện Tánh Linh cho biết: “Trên địa bàn có công ty Cổ phần Khoáng sản Thuận Phong (gọi tắt công ty Thuận Phong, trụ sở quận 9, TP.HCM) được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép nạo vét, kết hợp tận thu cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao.

Đây là công trình thủy lợi, diện tích được cấp phép là 22,5ha, trong đó nạo vét lòng hồ là 15ha, phần diện tích còn lại kéo dài gần 7 km dọc theo sông La Ngà. Thời gian triển khai dự án là 5 năm”.

Thực tế, ghi nhận của nhóm PV cho thấy, công ty Thuận Phong đang có 3 bãi tập kết cát và san ủi 3 con đường ra vào để đưa cát ra ngoài.

Trong vai người đến mua cát, nhóm PV được nhân viên tại bãi cát công ty Thuận Phong cho biết: “Có thể cung ứng cát đẹp không giới hạn số lượng, bao nhiêu cũng có. Hoặc là xe công ty vận chuyển hoặc sử dụng phương tiện của anh”.

Quốc lộ 55, có một số cầu nhỏ nhưng không hề có biển báo trọng tải, quy định tốc độ, vì thế xe ben cỡ lớn đua nhau chạy với tốc độ "tử thần". (ảnh cắt từ clip).

Qua ghi nhận của nhóm PV, hiện trường khu vực khai thác cát thuộc xã La Ngâu nham nhở. Sông La Ngà đang sạt lở hai bên bờ nghiêm trọng, cảnh quan bị tàn phá nặng nề.

Theo tìm hiểu của PV, công ty Thuận Phong do ông T.V.B làm đại diện pháp luật, lập hồ sơ thực hiện khảo sát, thăm dò, nạo vét kết hợp tận thu cát bồi trong lòng hồ đập dâng Tà Pao, huyện Tánh Linh (số 3066/SNN-CCTL) ngày 2/10/2019.

Điều dư luận đặc biệt quan tâm là công ty Thuận Phong dù mới chỉ thành lập (giữa năm 2018) nhưng lại được UBND tỉnh Bình Thuận ưu ái cấp 2 giấy phép.

Ông N.V.H một người dân xã La Ngâu cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép ở đây, diễn ra nhiều năm nay. Đặc biệt là công ty Thuận Phong, tôi không hiểu cơ quan chức năng cấp phép như thế nào nhưng thực tế họ đang khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, làm giàu bất chính.

Với những gì đang diễn ra, vô hình trung, chúng tôi có cái nhìn xấu về cơ quan chức năng và nghi ngờ doanh nghiệp này có "ô dù" rất lớn”.