Được chứng kiến những câu chuyện chưa từng có
Phóng viên Lê Xuân Thắng (phòng Pháp luật – Văn hoá), báo điện tử Gia đình và Xã hội là một trong những phóng viên trực tiếp tham gia tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang trong đợt dịch thứ 4. Sau những ngày tác nghiệp căng thẳng tại Bắc Giang, anh đã trở về bên gia đình. Nhưng, mỗi khi nhắc về những ngày đã qua, trong anh lại ngập tràn nhiều cảm xúc khó tả.
PV Xuân Thắng chia sẻ, anh không phụ trách chuyên biệt về lĩnh vực y tế, nhưng khi được điều động vào tâm dịch ở Bắc Giang, anh cùng các đồng nghiệp khác của toà soạn không nề hà, chuẩn bị đồ nghề lên đường tác nghiệp.
“Với đặc thù là báo trực thuộc bộ Y tế, nên những đợt dịch trước như ở Đà Nẵng cũng có khá nhiều các bạn phóng viên vào tâm dịch. Vì thế, chuyến đi lần này chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn cho mình một tâm lý thoải mái nhất, vững vàng nhất vào tâm dịch. Trước khi lên Bắc Giang, tôi cũng tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước khi vào tâm dịch như Hải Dương…”, PV Xuân Thắng cho biết.
Tuy nhiên, theo PV Xuân Thắng, khi biết anh được điều động vào tâm dịch tác nghiệp, gia đình, vợ con anh đều bày tỏ sự lo lắng. “Bởi lẽ, dịch lần này ở Bắc Giang mức độ quy mô lớn hơn nhiều so với đợt dịch ở Đà Nẵng hay Hải Dương. Nên, tôi phải làm công tác tư tưởng cho vợ và người thân. Tôi cũng trấn an người thân bằng việc chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ khi tác nghiệp, đồng thời nói với người thân là đi công tác theo đoàn của bộ Y tế nên công tác bảo hộ được đảm bảo ở mức cao nhất. Và thế là gia đình an tâm ủng hộ tôi lên đường vào tâm dịch tác nghiệp”.
24 ngày tác nghiệp tại điểm nóng Bắc Giang là 24 ngày anh cùng các đồng nghiệp quên ăn, quên ngủ chạy đua với thời gian cập nhật thông tin nóng hổi nhất đến bạn đọc cả nước. Mỗi một giây phút tác nghiệp, được chứng kiến nhiều hình ảnh, câu chuyện nhiều cảm xúc của đội ngũ y bác sĩ, của người dân nơi đây đều khiến phóng viên Xuân Thắng không khỏi xúc động.
“Công việc của chúng tôi là bám sát các hoạt động của bộ phận thường trực của bộ Y tế đặt tại Bắc Giang, đồng thời theo dõi về điều tra giám sát dịch tễ, xét nghiệm, điều trị, quản lý môi trường trong khu cách ly. Hoạt động của bộ phận thường trực diễn ra liên tục, gần như không nghỉ. Hôm đầu tiên chúng tôi có mặt tại Bắc Giang là nửa đêm và cuộc họp cũng diễn ra trong đêm để chuẩn bị triển khai nhiệm vụ cho ngày hôm sau, chúng tôi cũng phải thức thâu đêm để cập nhật thông tin nhanh nhất về các hoạt động của bộ phận thường trực đến bạn đọc cả nước, nhất là khi đó dịch Bắc Giang đang rất nóng”, PV Xuân Thắng cho hay.
Kể về những ấn tượng khó phai nhất trong 24 ngày tác nghiệp tại Bắc Giang, PV Xuân Thắng chia sẻ: “Với vai trò là một nhà báo đi vào tâm dịch để phản ánh, ghi chép lại trung thực những hoạt động trong tâm dịch để tuyên truyền ra cộng đồng, tôi thấy mình may mắn khi được tiếp xúc và chứng kiến những câu chuyện mà từ trước đến giờ trong chặng đường làm báo mình chưa bao giờ được tiếp xúc. Đó là những con người sẵn sàng lao vào tâm dịch, tạm gác hạnh phúc riêng tư để lao vào tâm dịch mục đích đầy lùi dịch bệnh. Có rất nhiều nhân vật mà tôi nhớ mãi không quên, đó là chuyện của một giảng viên trường học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam hoãn cưới 3-4 lần để xung phong vào tâm dịch, hay một nữ điều dưỡng là mẹ đơn thân 2 lần xung phong vào tâm dịch. Hay có một thanh niên ở trong Quảng Bình, đang làm việc cho một công ty dịch vụ chạy xe cứu thương sau khi nghe báo đài thông tin dịch ở Bắc Giang căng thẳng, đã xin công ty hỗ trợ một xe cứu thương để chạy ra Bắc Giang hỗ trợ lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, chuyên chở bệnh nhân Covid-19.
Gần đây nhất, tôi có viết một bài về chuyên gia người Nhật Bản, khi tỉnh kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ về cơ sở vật chất để làm nơi ăn, chốn nghỉ cho lực lượng ngành y tế từ khắp mọi miền Tổ quốc về chi viện cho Bắc Giang. Trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", chuyên gia này cùng công ty đã sẵn sàng dành toàn bộ khu nhà ở của cán bộ, học viên cho lực lượng y tế 142 người của đại học y dược Thái Bình và trường cao đẳng Y tế Hà Nội. Ông cũng tình nguyện ở lại để dọn dẹp vệ sinh, phục vụ ăn uống cho nhân viên ngành y. Điều này khiến tôi đặc biệt ấn tượng, cho thấy không chỉ người Việt mà cả người nước ngoài ở tại Việt Nam cũng mong muốn góp sức nhỏ bé của mình vì mục tiêu chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh, sớm trở về trạng thái bình thường để sản xuất kinh tế”.
Cũng theo chia sẻ của anh Thắng, công việc tại tâm dịch Bắc Giang nhiều nên cuốn các PV làm việc ngày đêm. Tuy nhiên, cứ có thời gian rảnh là anh lại tranh thủ gọi điện facetime về cho người thân và cho hai con nhò. “Dù trước đó tôi đi công tác cũng nhiều rồi, nhưng chưa lần nào lại đi lâu ngày như lần này, mức độ rủi ro cao nên nhiều lúc rất nhớ các con. Cứ rảnh là tôi lại gọi điện về để vợ con, người thân ở nhà yên tâm”, PV Xuân Thắng bộc bạch.
Bật khóc khi đọc tin nhắn của độc giả dành cho 2 bé ở khu cách ly
Khi thấy Bắc Ninh, Bắc Giang là điểm nóng của dịch Covid-19, là phóng viên chuyên theo dõi thời sự nên càng thôi thúc nữ phóng viên báo điện tử VTC News, Vũ Thị Liễu tác nghiệp, đưa tin.
Mặc dù 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang không phải địa bàn nữ PV Vũ Thị Liễu được phân công phụ trách. Nhưng, trước những thông tin liên tiếp về ca bệnh, mỗi lần lướt facebook lại thấy hình ảnh y bác sĩ kiệt sức vì chống dịch, chị đã xin phép cơ quan để hỗ trợ đưa tin cùng phóng viên thường trú tại Bắc Ninh.
“Khi tận mắt chứng kiến các cán bộ đứng phơi nắng, hít bụi giữa đường quốc lộ, trong cái nắng rát 40 độ C để đảm bảo an ninh tại các chốt kiểm soát, và bản thân khoác lên người bộ quần áo bảo hộ để vào khu cách ly tác nghiệp, tôi mới hiểu cảm giác ngột ngạt mà các y bác sĩ đang chịu đựng. Tôi thực sự rất thương xót cho họ, tôi chỉ hy vọng những tin bài của mình được phục vụ sớm nhất tới độc giả, để người dân cảm thông cho sự vất vả, hi sinh của đội ngũ tuyến đầu chống dịch, góp phần tuyên truyền đẩy lùi dịch bệnh”, nữ phóng viên VTC News chia sẻ.
Chị Liễu tâm sự, quá trình tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Ninh, chị tình cờ biết được hoàn cảnh 2 em bé trong khu cách ly, là một người mẹ cũng có con nhỏ nên chị càng thương xót.
“Khi viết xong bài viết có tiêu đề “Bố là bệnh nhân Covid-19 vừa qua đời, hai con nhỏ tự chăm nhau trong khu cách ly”, tôi đã viết 1 dòng ghi chú gửi ban biên tập (BBT) "hoàn cảnh các cháu khó khăn, mong BBT xuất bản sớm để độc giả giúp đỡ các bé". Tôi nhớ bài đó tôi thức đến 12h đêm để viết, ngay hôm sau khi bài viết được đăng tải, hơn 500 triệu đầu tiên của các mạnh thường quân gửi về tài khoản của báo để nhờ chuyển giúp tới các cháu. Đến khi chúng tôi đóng tài khoản, mang tiền đến khu cách ly trao tặng 2 chị em cháu bé, số tiền lên tới hơn 700 triệu đồng, đây là số tiền quá lớn. Nhưng điều khiến tôi bật khóc là khi đọc những tin nhắn chuyển tiền của các mạnh thường quân, có người đang thất nghiệp, có người chỉ còn 50.000 đồng, nhưng họ vẫn chuyển những đồng tiền cuối cùng để hy vọng góp phần mang lại cuộc sống tốt hơn cho 2 cháu bé. Chưa bao giờ tôi cảm thấy sự đoàn kết, tình người lại ấm áp đến thế”, phóng viên Vũ Thị Liễu tâm sự.
Chị Liễu cũng cho biết thêm khi vào khu cách ly, tiếp xúc với F1, thậm chí có F1 đang sốt cao, chị trở thành F2 nên trở về nhà chị tự cách ly. Phải xa con càng khiến nữ phóng viên thấu hiểu cảm giác của rất nhiều cán bộ chống dịch phải xa gia đình, con cái, chưa biết đến khi nào mới được đoàn viên.
“Bố mẹ tôi thường gọi điện hỏi thăm, tôi phải nói dối không đến vùng dịch cho bố mẹ đỡ lo. Tôi không dám lên tòa soạn làm việc, bởi tôi nghĩ dù có trang bị đầy đủ đồ bảo hộ nhưng việc thường xuyên đến các vùng dịch, rất có thể mình đang là F0. Suốt hơn 1 tháng nay, tôi gần như chỉ đi tác nghiệp khi về nhà thì đóng cửa, không dám giao tiếp với hàng xóm để tránh nguy cơ lây dịch cho mọi người”, phóng viên Vũ Thị Liễu chia sẻ thêm.
Mong đem lại những khoảnh khắc chân thật nhất đến bạn đọc
Phóng viên ảnh Nguyễn Hữu Thắng, công tác tại tạp chí Đời sống và Pháp luật là một trong những phóng viên lao vào các điểm nóng trên địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh… Vì thế, với PV Hữu Thắng mỗi lần tác nghiệp là một lần kỷ niệm đáng nhớ trong chặng đường làm báo.
PV Hữu Thắng chia sẻ: “Là phóng viên ảnh nên bản thân tôi luôn chau chuốt hình ảnh và lượng thông tin mà mình mang đến cho độc giả. Cứ mỗi lần nghe tin ở khu vực quận, huyện nào đó ở Hà Nội có ca nghi nhiễm hoặc phong toả là tôi lại lên đường bất kể ngày đêm”.
Trong quá trình tác nghiệp, PV Hữu Thắng cho biết anh cũng ấn tượng với những câu chuyện, hình ảnh tại các điểm nóng dịch Covid-19.
“Tôi bắt gặp hình ảnh người dân chấp hành quy định về phòng chống dịch Covid-19, hay hình ảnh lực lượng chức năng vất vả thức thâu đêm làm nhiệm vụ. Gần đây nhất là hình ảnh người dân ở Bắc Giang vui mừng thu hoạch vải thiều, dù dịch nhưng không bị rớt giá…Tất cả những câu chuyện đó được tôi lưu lại thông qua những bức hình”, PV Hữu Thắng cho biết.
Là phóng viên nên Hữu Thắng luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, mong muốn đem đến cho độc giả những bức ảnh chứa thông tin chất lượng nhất.
Còn đối với phóng viên ảnh Phạm Trọng Tùng, công tác tại tạp chí Đời sống và Pháp luật để có một bức ảnh có nội dung, gây xúc động đến bạn đọc đòi hỏi nhiều yếu tối. Trong đó, yếu tố về thời cơ, khoảnh khắc chiếm ưu thế. “Không giống như phóng viên viết có thể viết ra những gì mình muốn truyền tải, phóng viên ảnh là người thể hiện được nội dung bức ảnh muốn nói đến là gì. Trong quá trình tác nghiệp tại các điểm nóng dịch trên địa bàn Hà Nội, cái khó nhất là ở những nơi chuẩn bị phong toả làm sao để ghi nhận được chân thực nhất hình ảnh người dân ở bên trong khu phong toả… đó cũng là một khó khăn đối với tôi. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế tôi cũng đã cố gắng làm sao truyền tải được những hình ảnh chân thực nhất, sống động nhất gửi về toà soạn”.
Phóng viên Trọng Tùng chia sẻ đợt dịch thứ 4 lần này anh tác nghiệp hầu hết các điểm nghi có dịch, có dịch ở Hải Dương, trên địa bàn Hà Nội như: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, bệnh viện K, các toà nhà bị phong toả…. cứ ở đâu có thông tin là phóng viên Trọng Tùng không kể ngày đêm lên đường tác nghiệp.
“Đợt dịch lần này do đã quen tác nghiệp trong các đợt dịch trước nên tôi không còn cảm thấy bỡ ngỡ, tôi cũng trang bị đồ bảo hộ và tìm hiểu cách đảm bảo an toàn cho bản thân khi tác nghiệp ở những nơi có nguy cơ cao. Vì thế, tôi yên tâm khi tác nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho mọi người ở cơ quan, cho gia đình tôi tự mình cách ly không tiếp xúc với ai. Có khi vài tuần trời khi thấy trong người không vấn đề gì tôi mới gặp con gái nhỏ của mình”, phóng viên Trọng Tùng tâm sự thêm.
Trong cuộc trò chuyện của PV Người đưa tin pháp luật với bốn trong số rất nhiều phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí khác đi vào tâm dịch, cả phóng viên Xuân Thắng, phóng viên Vũ Thị Liễu hay phóng viên Hữu Thắng, Trọng Tùng đều cảm thấy trách nhiệm lớn lao khi được cơ quan tín nhiệm, điều động vào tâm dịch để kịp thời phản ánh thông tin dịch bệnh đến bạn đọc. Đồng thời, cũng như bao người dân Việt, các phóng viên đều mong muốn dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
Đánh giá cao sự dấn thân của các phóng viên
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng (bộ Y tế) bày tỏ: “ Cá nhân tôi đánh giá rất cao các phóng viên của các loại hình báo chí: Báo in, báo mạng, báo phát thanh, báo truyền hình. Các phóng viên đã trực tiếp đi vào tâm dịch để có được những hình ảnh, thông tin cập nhật về tình hình dịch bệnh mới nhất, nóng nhất phục vụ khán thính giả. Nhờ phản ánh của báo chí cũng giúp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ người dân vượt khó khăn trong dịch bệnh. Bên cạnh đó, lực lượng phóng viên cũng giúp phản ánh những cá nhân, đơn vị chưa tuân thủ thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Từ đó có những chấn chỉnh kịp thời. Mặc dù biết sẽ có nguy cơ cao mắc phải virus SARS-CoV-2, nhưng tôi đánh giá sự dấn thân của những chiến sĩ thông tin là các phóng viên trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), cá nhân tôi xin gửi lời cảm ơn đến các phóng viên thông tấn báo chí, xin gửi lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc và thành công đến đội ngũ những người làm báo. Đồng thời, mong muốn các phóng viên luôn đồng hành cùng ngành y tế trên mọi trận tuyến”.