Chuyện về những người gìn giữ nét đặc sắc của văn hóa Tây Nguyên

Admin
Gùi là vật dụng thân thuộc, không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Gùi đựng gạo, gùi gánh củi, gùi biểu diễn văn nghệ,… tạo nên nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của người đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Chiếc gùi thân thương

Ngay cả các bô lão trong làng cũng không biết rõ gùi xuất hiện vào thời gian nào. Chỉ biết, từ lúc sinh ra, lớn lên, họ đã thấy gùi là một vật dụng thân thuộc không thể thiếu trong bất kỳ gia đình nào. Gùi có thể dùng đựng lương thực như gạo, ngô; gùi theo các mẹ ra suối gùi nước; gùi theo các cha lên rừng săn bắt thú... Không chỉ phục vụ sinh hoạt, gùi còn là vật dụng tô điểm cho các tiết mục văn nghệ thêm sinh động.

Với người đồng bào dân tộc thiếu số ở Tây Nguyên, hễ ra khỏi nhà bất kể già trẻ, lớn bé đều đung đưa chiếc gùi sau lưng. Ngày xưa các chàng trai muốn được các cô gái để ý phải học đan lát, phải có tay nghề cao làm ra những chiếc gùi đẹp, tinh tế mới "cưa đổ" cô gái mình ưng ý về làm vợ. Thế nhưng, với xu hướng giao thoa văn hóa hiện đại, ngày nay nghề đan gùi dần mai một. Lớp trẻ không mấy mặn mà với công việc này. Hiếm hoi lắm mới còn sót lại vài xã vẫn duy trì bảo tồn, phát huy được truyền thống đan gùi mà ông cha để lại.

Theo chỉ dẫn của cán bộ văn hóa huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, chúng tôi tìm đến xã Ia Ka - một trong những xã hiếm hoi lưu giữ được nghề đan gùi truyền thống. Tại làng Mrông Yố 2, không khí rộn ràng, tiếng cười nói ngân vang. Trước hiên nhà, một thanh niên tay cầm dao chẻ tre, các cụ già quây quần ngồi đan lát. Đôi tay thoăn thoắt, tỉ mỉ kết từng sợi lạt, cặm cụi làm việc. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về nghề đan gùi truyền thống của làng, già Rơ Châm H’Mút, ngụ làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka nở nụ cười thân thiện chào khách. "Muốn học đan gùi không, lại đây ngồi với già nào”, vừa nói, già Rơ Châm H’Mút vừa dẹp bớt đống tre đang vót bên cạnh, mở khoảng trống ra hiệu chúng tôi đến ngồi xuống.

Bức tranh đan gùi đầy màu sắc ở làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka (huyện Chư Păh)

Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, già H’Mút hồ hởi: "Ở đây nghề đan gùi là của đàn ông, dệt vải là của phụ nữ. Thời xưa, con trai, con gái lớn lên muốn dựng vợ gả chồng thì phải vượt qua thử thách của nhà vợ, bằng cách đan được những chiếc gùi đẹp. Thanh niên ở làng ai đan gùi càng đẹp thì càng được con gái trong làng để ý. Điều đó thể hiện trên đôi tay người đàn ông. Khi họ biết đan gùi, trên tay họ sẽ có nhiều vết chai sạn. Đôi bàn tay càng nhiều vết chai thì càng được phía nhà vợ yêu quý".

Theo già Mút, gùi của người đồng bào có nhiều kích cỡ và tác dụng khác nhau. Loại dùng để đựng gạo; loại dùng để đựng nước; đồ ăn hằng ngày để lên nương, lên rẫy. Gùi chủ yếu được làm từ tre và có thêm 2 quai đeo lên vai. Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, người đàn ông ở làng đồng bào như Jrai, Ba Na,… đã làm ra nhiều chiếc gùi đẹp dành con gái, phụ nữ trong gia đình đeo lên nương, lên rẫy hoặc đi chợ. Ngoài ra, họ cũng đan gùi để kiếm thêm thu nhập.

Duy trì phát triển nghề truyền thống

Ngồi cặm cụi tạo hình cho chiếc gùi, ngửa đôi bàn tay chai sạn, nở nụ cười trìu mến già Ksor Ksôh, ngụ làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka chia sẻ: “Để làm được một chiếc gùi, yêu cầu người đàn ông phải kiên trì, tỉ mỉ và thật sự khéo léo. Nguyên liệu làm gùi chủ yếu từ tre, nứa không được quá non hoặc quá già. Công đoạn mất nhiều thời gian nhất là chẻ và vót thành nan. Còn loại gùi khó đan nhất là đan gùi hoa văn, bởi vì yêu cầu kỹ thuật và độ tinh tế cao. Hiện nay, các làng ở xã Ia Ka vẫn gìn giữ được nghề đan gùi truyền thống".

Chị Rơ Châm Bye, ngụ làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka cho biết: "Từ ngày biết lao động là mình đã đeo gùi trên lưng. Đi lên rẫy, lên nương, đi lấy nước giọt hay ra chợ đều mang theo nó, thiếu nó sẽ thấy không quen. Gùi này là do cha và chồng mình đan, nó bền lắm, đeo mấy năm nay rồi chưa bị hư hỏng. Ở đây, phụ nữ không quen dùng làn nhựa đâu, ai cũng đeo gùi cả vì rất tiện lợi. Trong nhà mình, từ ngày xưa cha mình là một người khéo léo, tỉ mỉ làm ra những chiếc gùi cho các thành viên trong gia đình. Những lần cha ngồi bên hiên nhà đan gùi, mình ngồi cạnh quan sát, được cha tận tình chỉ dạy. Nhờ vậy, giờ đây mình có thể tự tay làm ra những chiếc gùi xinh xắn phục vụ các thành viên trong gia đình".

Già làng đang say xưa chỉ dạy từng đường nét cơ bản cho các thanh niên trong làng đan gùi.

Ở làng Hăng Rinh, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, già làng Rơ Lan Hào cũng là một trong những người đan và gìn giữ được nghề truyền thống. Nói về sự quan trọng của gùi trong đời sống của người đồng bào, già làng Rơ Lan Hào cho hay: "Đan gùi là nghề truyền thống của người đồng bào ở Tây Nguyên. Gùi có mặt trên gác bếp, trên nương, trên rẫy, trên đôi vai của người phụ nữ trong làng. Trong những năm tháng chiến tranh, đồng bào cũng dùng gùi để tiếp tế lương thực cho bộ đội. Hiện nay, ở một vài làng, đồng bào đã mai một đi nghề đan gùi truyền thống nhưng cũng còn một số làng vẫn ngày ngày gìn giữ nghề bằng cách truyền lại cho các thế hệ sau”.

Chiếc gùi gắn liền với phụ nữ và trở thành một nét văn hóa đặc sắc ở Tây Nguyên.

Dù cuộc sống đang dần phát triển nhưng chiếc gùi trong đời sống tinh thần của người đồng bào vẫn giữ nguyên được giá trị văn hóa. Đặc biệt, thói quen của người phụ nữ khi đi chợ sử dụng gùi thay cho giỏ và làn nhựa không chỉ giữ gìn văn hóa của đồng bào ở Tây Nguyên, mà còn góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường sống.

Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Trung Kiên, Giám đốc trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Chư Pah cho biết: "Gùi một vật dụng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt, văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên. Tuy nhiên, hiện nay nghề đan gùi dần mai một theo năm tháng. Tại xã Ia Ka, nghề đan gùi truyền thống vẫn được phát huy, duy trì phát triển. Tại đây, cộng đồng người làng thành lập được 1 câu lạc bộ đan gùi. Những cao niên trong làng là những người thầy trực tiếp đan gùi và chỉ dạy cho lớp trẻ. Gùi không chỉ dùng để sử dụng trong cuộc sống mà còn được bán ra thị trường, tăng thêm nhu nhập cho các hộ gia đình".