Sau gần 2 tháng Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng, ngày 27/1 đã trở thành một ngày không vui khi Quảng Ninh và Hải Dương xuất hiện 2 ca chưa truy vết được nguồn lây. Chủng virus mới lây lan nhanh hơn, trưa 28/1, số người mắc bệnh đã tăng vọt lên 82, đến chiều thì F1 đã xuất hiện ở Hà Nội và một số tỉnh thành như Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn...
Làn sóng bán tháo cổ phiếu vì dịch bệnh quay trở lại, đã khiến thị trường chứng khoán chiều 27/11 đỏ sàn với 774 mã giảm điểm, trong đó 136 mã giảm kịch sàn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phải tổ chức họp khẩn trực tuyến với Quảng Ninh và Hải Dương ngay trong đêm 27/1.
Sáng 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải họp khẩn giữa Đại hội Đảng, chỉ đạo phương án phòng, chống Covid-19 ngay tại nơi đang diễn ra Đại hội. Phong tỏa TP. Chí Linh (Hải Dương) đi kèm với lập cùng lúc 3 bệnh viện dã chiến. Một số tỉnh thành ngừng kết nối giao thông với Quảng Ninh và Hải Dương. Hà Nội cũng thiết lập “báo động đỏ” do xuất hiện F1…
Trong bối cảnh “thần tốc chống dịch” theo chỉ đạo của Thủ tướng như vậy, thì một cảnh tượng hết sức quan cách, đủng đỉnh, thậm chí là cửa quyền đã diễn ra tại cuộc họp khẩn về Covid-19 chiều 28/1 của UBND TP. Hà Nội.
Theo đó, chiều 28/1, phóng viên (PV) tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL) – phóng viên chuyên trách theo dõi thông tin trên địa bàn TP.Hà Nội - khi gọi điện liên hệ cán bộ Uỷ ban là ông Trần Quang Huy có SĐT 09032527xx để đăng ký dự họp thì bị ông Huy từ chối với lý do là… tạp chí (?!).
“Các sếp chỉ đạo mời các đài truyền hình và các báo, bên tạp chí thì anh chịu rồi. Với cả có danh sách trước. Không phải không cho bọn em vào mà vì dịch nên tăng cường công tác kiểm soát, diện tích phòng bé nên phải chia phòng cho PV ngồi, cơ sở vật chất không đáp ứng… Bọn anh sẽ up lên trang Facebook của bọn anh…”, cán bộ văn phòng UBND TP. Hà Nội này nói qua điện thoại với PV.
Tuy nhiên, vì nhiệm vụ tuyên truyền cấp bách được tòa soạn giao phó, chiều 28/1, PV tạp chí ĐS&PL vẫn tới, xuất trình giấy giới thiệu và yêu cầu được tác nghiệp đưa tin tại cuộc họp.
Tại đây, PV chứng kiến rất nhiều báo được duyệt cho vào nhưng đến lượt PV ĐS&PL thì bị từ chối vì lý do là tạp chí. Trong khi đó, một số nhân sự của các trang tin điện tử tổng hợp (vốn không có chức năng sản xuất tin bài) thì lại được vào tác nghiệp.
Người đón tiếp tại cuộc họp giải thích: “Bên tạp chí thì không được tham gia họp dịch. Với cả trước đó đã có danh sách, không phải cứ phóng viên muốn vào là được. Hơn nữa, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nên Thành phố phải tăng cường công tác kiểm soát”.
Chưa hết, theo ghi nhận của PV ĐS&PL, không chỉ PV tạp chí không được tác nghiệp, hai PV thuộc ban video của hai tờ báo khác khi vào trong khu vực tác nghiệp cũng bị cản trở và phải ra ngoài vì lý do: “Chỉ có truyền hình mới được phép ghi hình” (?!)
Ngao ngán trước cách hành xử lạ kỳ của chuyên viên văn phòng UBND TP.Hà Nội, một phóng viên bị cấm tác nghiệp chia sẻ: "Tôi không biết chuyên viên này cấm báo được quay hình là vì lý do gì? Không có quy định nào cấm điều này cả. Rõ ràng, đây là một cách hành xử cửa quyền, hách dịch".
Khi viết những điều này ra, tôi thật sự không hiểu tại sao ở giữa thủ đô, tại một cơ quan hành chính đầu não của cả nước lại tồn tại một cán bộ thiếu hiểu biết pháp luật như vậy.
Theo đó, tại cổng Thông tin điện tử của bộ Thông tin & Truyền thông có ghi rõ tôn chỉ mục đích của tạp chí Đời sống & Pháp luật là: "Cập nhật tin tức, hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Định kỳ theo kỳ xuất bản (đối với loại hình tạp chí in), định kỳ cập nhật thông tin theo quy định pháp luật (đối với loại hình tạp chí điện tử) để thông tin chuyên sâu, chuyên ngành; Giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học; Phân tích, đánh giá; Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, ngoài việc đi sâu vào đăng tải nghiên cứu khoa học, một nhiệm vụ quan trọng hơn hết của tạp chí Đời sống & Pháp luật là: Tham gia tư vấn, phản biện trong việc xây dựng và thi hành pháp luật, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ khi quy hoạch báo chí đến nay, tạp chí Đời sống & Pháp luật vẫn luôn thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Ngoài ra, trong công cuộc chống dịch Covid-19, tạp chí ĐS & PL còn là một trong những cơ quan báo chí được Chính phủ; bộ Thông tin & Truyền thông đặt hàng để tạp chí ĐS & PL tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19 theo chủ trương của Đảng, Chính phủ và bộ Thông tin & Truyền thông.
Thế thì, không rõ vị cán bộ Trần Quang Huy ở UBND TP. Hà Nội dựa vào đâu mà lại cản trở PV tạp chí ĐS & PL tác nghiệp?
Đáng lưu ý, vị này luôn nói không tiếp tạp chí do “các sếp chỉ đạo” nhưng khi PV yêu cầu được biết sếp nào chỉ đạo, có văn bản không, thì vị này không trả lời.
Thiết nghĩ, dịch bệnh đang diễn biến nguy hiểm, khó lường, công cuộc chống dịch lần này khó khăn hơn hai lần trước do biến thể mới của virus lây lan nhanh hơn, thời điểm cuối năm việc di chuyển, tụ tập đông người nhiều hơn, … công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh vì thế càng trở nên cấp bách hơn.
Trong bối cảnh đó, lực lượng nhà báo/phóng viên đóng góp vai trò rất quan trọng trong nhiệm vụ làm cầu nối tuyên truyền chủ trương, chính sách phòng chống dịch của Chính phủ đến người dân. Việc tồn tại những cán bộ Nhà nước thiếu hiểu biết pháp luật, quan cách, cửa quyền như trên sẽ cản trở thành tựu chống dịch cũng như làm xấu đi bộ mặt người cán bộ thủ đô.
Cản trở báo chí tác nghiệp bị xử lý thế nào?
Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 1/12/2020 (thay thế Nghị định 159/2013) của Chính phủ quy định rõ các hành vi cản trở hoạt động của báo chí trái pháp luật.
Cụ thể, đối với hành vi cản trở trái pháp luật hoạt động nghề nghiệp của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng. Hành vi thu giữ trái phép phương tiện, tài liệu hoạt động báo chí của nhà báo, phóng viên sẽ bị phạt tiền 20 – 30 triệu đồng… Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể áp dụng một hoặc một số biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý vi phạm, như: buộc cải chính, xin lỗi; buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, thông tin vi phạm quy định pháp luật đã đăng, phát;…
Khoản 12, điều 9 luật Báo chí sửa đổi năm 2016, có hiệu lực vào ngày 1/1/2017, quy định: Nghiêm cấm các hành vi “đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.