Gian nan xác định thông tin tội phạm
Tệ nạn ma túy tại địa bàn xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk không chỉ để lại nhiều hậu quả đau lòng cho người dân, mà còn trở thành vấn đề nhức nhối trong công tác quản lý, đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng.
Trực tiếp tham gia đấu tranh với tội phạm ma túy trên địa bàn huyện Ea Súp nói chung và xã Cư Kbang nói riêng khoảng 10 năm nay, Đại úy Nguyễn Đình Bình, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Hình sự - kinh tế - ma túy Công an huyện Ea Súp từng chứng kiến không ít tình huống dở khóc dở cười.
Đại úy Bình cho hay, các đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy tại thôn 14, xã Cư Kbang đều là người dân tộc Mông di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào.
"Mọi thông tin nào về lai lịch, thân nhân, cũng như tiền án, tiền sự của đối tượng phạm tội đều mờ mịt. Họ tên, năm sinh của đối tượng chỉ được xác định qua lời khai nhưng thậm chí nhiều đối tượng không nhớ nổi năm sinh của mình”, Đại úy Bình chia sẻ.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó, nhiều trường hợp đối tượng phạm tội lợi dụng việc không rành tiếng Kinh để né tránh công tác đấu tranh.
Khi được triệu tập làm việc, nhiều đối tượng chỉ lắc đầu trước các câu hỏi của lực lượng chức năng, thậm chí không chịu hợp tác khi làm việc với cán bộ là người kinh.
Chính vì vậy, thách thức không nhỏ đã đặt ra cho cơ quan chức năng trong quá trình lấy lời khai, xác minh thông tin của đối tượng.
Cũng theo Đại úy Bình, hầu hết các đối tượng phạm tội đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Thậm chí, có nhiều trường hợp cả gia đình dính vòng lao lý vì “cái chết trắng”.
Thế nhưng, chỉ sau khi chấp hành án xong, nhiều đối tượng lại bất chấp tái phạm.
Hậu quả, những đứa trẻ trong các gia đình này tiếp tục sống bơ vơ không có người thân bên cạnh và đối diện với hàng loạt khó khăn, thiếu thốn. Đây cũng chính là gánh nặng của địa phương trong thời gian qua.
Từ hàng loạt khó khăn, trở ngại nói trên, Đại úy Bình cho rằng, đằng sau mỗi vụ án ma túy được triệt phá là sự thầm lặng hy sinh, là biết bao gian khổ, khó khăn, thậm chí hiểm nguy mà các cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng chống ma túy thường xuyên phải đối mặt.
“Công an huyện Ea Súp từng có đề xuất làm giấy khai sinh cho những người dân tộc Mông di cư tự do vào địa bàn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không xác định được nơi cư trú trước đó của những người dân này.
Khi chúng tôi liên hệ với địa phương ở quê của các đối tượng để xác minh thông tin thân nhân, lai lịch thì đều nhận được câu trả lời không có người nào tên đó tại địa phương”, Đại úy Bình ái ngại cho hay.
Cũng theo Đại úy Bình, xuất phát từ sự thiếu hiểu biết nên khi sinh con, hầu hết người đồng bào dân tộc Mông đều không đến cơ sở y tế mà đều tự sinh tại nhà và không làm giấy khai sinh cho những đứa con của mình.
Điều này dẫn đến, những đứa trẻ sinh ra từ năm 2014 đến nay trên địa bàn thôn 14 đều không có giấy khai sinh.
Đại úy Bình cho biết thêm, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn xã Cư Kbang sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.
Bởi với tính chất siêu lợi nhuận, nhiều đối tượng hình sự đã chuyển sang hoạt động phạm tội về ma túy. Đồng thời, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động và sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.
Từ tội phạm ẩn danh đến bị triệt phá
Không lùi bước trước gian khó, thời gian qua, lực lượng Công an xã Cư Kbang và Công an huyện Ea Súp không ngừng triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma tuý.
Qua đó, kịp thời phát hiện, chặn đứng nhiều đường dây, ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn.
Trao đổi về vấn đề này, Đại úy Lê Tiến Đạt, Trưởng Công an xã Cư Kbang cho biết, được sự chỉ đạo của Công an huyện và Đảng ủy xã, chính quyền địa phương, lực lượng công an xã vừa kết hợp tuyên truyền với công tác đấu tranh, biến tội phạm ma túy từ tội phạm ẩn đến bị đưa ra ánh sáng.
Nhờ vậy, trong 3 năm trở lại đây, số vụ việc liên quan đến ma túy được phát hiện nhiều hơn so với trước đây.
Cụ thể, năm 2021, Công an xã Cư Kbang cùng với công an cấp trên đã phát hiện 7 vụ việc, với 7 đối tượng về ma túy. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn xã phát hiện 9 vụ việc, 7 đối tượng liên quan đến tội phạm về ma túy.
Bên cạnh đó, trước tình hình trên địa bàn xã có nhiều đối tượng nghiện ma túy, kéo theo tình hình trộm cắp tài sản phức tạp. Lực lượng công an xã đã từng bước đưa những người này đi xác định tình trạng nghiện, tạo điều kiện cho người dân yên ổn làm ăn.
Trên cơ sở đó, trong những năm 2020-2021, công an xã đã tham mưu cho chính quyền địa phương đưa 14 đối tượng nghiện ma túy vào giáo dục tại xã theo quy định. Đồng thời, tham mưu cho UBND xã có văn bản đề nghị cấp trên lập hồ sơ, đưa đi cai nghiện bắt buộc thành công đối với 5 đối tượng...
Với những nỗ lực nói trên và sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân đã góp phần giúp cho tình hình trộm cắp tài sản qua các năm trên địa bàn xã Cư Kbang ngày càng giảm.
Đại úy Đạt cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã xảy ra 4 vụ trộm trộm cắp tài sản (trong đó có 2 vụ việc, đối tượng trộm cắp tài sản liên quan đến nghiện ma túy) được công an xã xác minh, làm rõ đối tượng.
Mặt khác, từ năm 2021 đến nay, đối tượng nghiện, phạm tội liên quan đến ma túy bị xử lý nhiều hơn. Nhờ vậy, tệ nạn ma túy ngày càng giảm mạnh.
Xác lập nhiều chuyên án đấu tranh
Thượng tá Cao Tiến Phu - Trưởng Công an huyện Ea Súp cho biết: “Xã Cư Kbang là nơi sinh sống, làm ăn của bà con dân tộc thiểu số các tỉnh phí Bắc vào. Trong đó, có những trường hợp đã sử dụng ma túy khi còn ở ngoài quê.
Sau khi vào địa bàn xã Cư Kbang, những người này tiếp tục sử dụng ma túy dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý. Thậm chí, nhiều trường hợp cai nghiện xong nhưng khi trở về nơi sinh sống lại tiếp tục tái nghiện.
Hậu quả, “cái chết trắng” đã để lại không ít nỗi đau cho nhiều gia đình. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên trong độ tuổi lao động khi đã dính vào tệ nạn ma túy thì không chịu lao động, làm ăn kinh tế, dẫn đến tỉ lệ hộ nghèo gia tăng”.
Theo Thượng tá Phu, thực trạng trên dẫn đến trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện Ea Súp nói chung và xã Cư Kbang nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Hoạt động tội phạm ma túy chủ yếu là mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
Bên cạnh đó, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp trên địa bàn huyện Ea Súp có chiều hướng gia tăng. Qua thống kê, toàn huyện có 17 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý đang ở ngoài xã hội.
Trước tình hình trên, qua công tác nắm tình hình, đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an huyện Ea Súp đã phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk lên phương án, kế khoạch, cũng như xác lập nhiều chuyên án để đấu tranh với các đối tượng mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy.
Cùng với công tác đấu tranh, Công an huyện Ea Súp cũng tổ chức tuyên truyền cho người dân biết, phương thức, thủ đoạn và phạm vi hoạt động của tội phạm ma túy rất tinh vi, xảo quyệt.
Mặt khác, tổ chức tuyên truyền trong thanh niên để hạn chế “cái chết trắng”... Qua đó, hạn chế, khắc phục tình trạng ma túy xâm nhập vào trong cộng đồng, làng quê.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền mạnh để hạn chế tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới.
Mặt khác, tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của huyện chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy trên địa bàn”, Thượng tá Cao Tiến Phu cho biết thêm.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Ea Súp đã phát hiện, bắt giữ 23 vụ, 39 đối tượng; thu giữ hơn 300 gam hêrôin, hơn 35,4 gam methamphetamine, hơn 1 gam ketamine..., số tiền xử phạt hành chính là 17 triệu đồng...