Số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam không ngừng tăng, từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010. Năm 2018, số ca mắc mới tăng lên gần 165.000 ca/96,5 triệu dân. Và năm 2020, Việt Nam xếp vị trí 92/185 quốc gia vùng lãnh thổ, với tỷ lệ mắc 159,7/100.000 dân, xếp 16 châu Á, đứng thứ 6 Đông Nam Á. Số liệu từ cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IACR, thuộc WHO) mới đây thực đáng giật mình.
Căn bệnh ung thư vốn được xem là án tử hiếm gặp của nhiều năm trước đây giờ đã dần trở nên quen thuộc. Mỗi ngày, trên cả nước có tới vài trăm người chết vì ung thư, cao gấp nhiều lần số người chết vì tai nạn giao thông. Và nguy hiểm hơn, số lượng bệnh nhân ung thư ở độ tuổi lao động, dưới 60 tuổi ngày một tăng.
Không chỉ mất đi nhân lực lao động kiếm sống, ở những nhà có người ung thư, bệnh nhân sống trong đau đớn, vật vã còn gia đình khốn đốn, khánh kiệt vì chạy chữa. Biết bao đau đớn, xót xa, biết bao khổ ải.
Đáng lo ngại hơn nữa, trong khi các tác nhân gây tỷ lệ người chết lớn như tai nạn giao thông đang giảm dần theo từng năm thì kẻ thù lớn nhất với tính mạng con người, ung thư lại không hề có dấu hiệu suy giảm được.
Ung thư sao có thể suy giảm khi mà mức độ ô nhiễm từ nguồn nước, không khí cũng không ngừng tăng? Ung thư sao có thể giảm khi thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học tràn lan? Và đặc biệt, thủ phạm gây ung thư hàng đầu là thực phẩm bẩn vẫn hoành hành. Khi mà hàng ngày thông tin về những lô thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ trôi nổi trên thị trường, những chiêu trò bơm tạp chất vào thực phẩm, những gánh hoa quả nhúng hóa chất độc hại nhằm tươi liên tục được đăng tải, vấn nạn ung thư xem ra còn là vấn đề nan giải.
Ở nhiều nước trên thế giới, để bảo vệ sức khỏe, vấn đề thực phẩm an toàn luôn được đề cao ở mức tối đa. Với EU, nguyên tắc hàng thực phẩm nhập khẩu vào khu vực này luôn phải qua 3 ''nấc'' kiểm tra và phải đạt 7 tiêu chuẩn cơ bản, nếu bị phát hiện không an toàn về vệ sinh, thực phẩm sẽ bị tiêu hủy ngay tại cửa khẩu. Đây là quy định khá nghiêm ngặt của EU đối với hàng có nguồn gốc từ động vật (kể cả thủy sản). Đặc biệt, việc kiểm tra được tiến hành gần như 100% lô hàng ở cả ba giai đoạn: kiểm tra giấy tờ liên quan đến lô hàng xuất khẩu, kiểm tra thực tế và kiểm tra vật lý (kiểm tra lượng thuốc tồn dư trên sản phẩm).
Muốn được các nước EU chấp nhận hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thực phẩm phải thực hiện kiểm soát vệ sinh an toàn chi tiết như vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, kiểm soát tảo độc, vi sinh vật, DSP, PSP, ASP, kim loại nặng, thuốc trừ sâu.
Ngoài thực phẩm, việc bảo vệ môi trường sống cũng được triển khai nghiêm ngặt. Chẳng hạn, ở Chicago, Mỹ, người lớn tuổi vứt rác ra ngoài cửa sổ xe hơi sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 1.500 USD và bị giữ xe. Nếu người ném rác ra đường phố trên 16 tuổi, những chiếc xe mà họ đang lái lúc xả rác sẽ bị tịch thu. Ở Mỹ, việc trả lại các phương tiện bị tịch thu sẽ tốn một khoản lệ phí khổng lồ.
Ung thư nảy sinh từ chính thứ chúng ta ăn, nước ta uống và môi trường ta sống. Vì lẽ đó nên chỉ khi giải quyết triệt để được những tác nhân gây bệnh đó, người mắc ung thư mới giảm, nỗi khổ vì căn bệnh quái ác mới có cửa nhường đường cho sự bình yên những cuộc đời.