Săn đào đá chơi Tết
Vào những ngày giáp Tết Nguyên Đán, rất đông tiểu thương đã đổ xô về huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An để tìm mua đào, bởi nơi đây được xem là khu vực có nhiều cây đào nhất. Ngoài những vườn đào hằng trăm ha của người dân trồng thì còn có những cây đào hàng chục năm tuổi dọc biên giới Việt – Lào.
Những năm trước, cứ vào đúng thời điểm này thì đào được tấp nập vận chuyển từ khắp các bản làng của huyện miền núi này về Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn và trung tâm huyện Kỳ Sơn để rao bán. Một trong những điểm thu hút thương lái bởi chỉ ở khu vực miên núi này mới có đào đá, nơi sinh sống chủ yếu của bà con người dân tộc Mông.
Không khí thị trường đào ở miền Tây xứ Nghệ đang sôi động.
Người Mông chia đào ra thành 2 loại gồm giống đào đá cổ của người Mông từ xưa và giống đào “dự án” - tức là những loại đào từ nơi khác lai ghép và đem về trồng thử nghiệm. Trong đó, đào đá cổ phải mất hàng chục năm mới có thể chặt bán và giống này cũng chỉ sinh trưởng trong rừng sâu nơi có khí lạnh.
“Đào “dự án” cho hoa sớm, chỉ trồng vài năm là có hoa, đây cũng là loại đào chúng tôi chặt bán. Bây giờ, trồng đào còn bán kiếm thu nhập nên mình phải để chăm sóc. Rẫy người Mông ở đâu thì cây đào ở đấy”, anh Lầu Bá Hạ, bản Ka Trên, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn nói.
Một cành đào đá đẹp phải đảm bảo các yếu tố: To, thế toả ra như hình mâm xôi, rêu mốc, nhiều nụ và lộc… Hoa của giống đào này có màu hồng nhạt, không sặc sỡ như đào miền xuôi. Những cánh hoa rất to và đặc biệt, sau khi nở, những cánh hoa rất lâu rụng xuống. Đào càng nhiều năm tuổi thì giá tiền càng lớn.
Nhiều cành đào nhỏ cũng đã có giá vài trăm nghìn.
Tuy nhiên, năm nay thời tiết thất thường, đào hiếm và ít đẹp hơn nên nhiều cành có giá cao và khó mua. Bà con trồng đào cho biết, giá đào đắt hơn năm trước một chút, dao động từ 500.000 – 700.000 đồng/cành. Riêng những cành đào mốc, đào đá, có nhiều nụ thì bán với giá cao hơn từ 2 triệu – 4 triệu đồng/cành. Còn những gốc đào to giá đều trên chục triệu.
Đặc biệt, có một cây đào “thế kỷ” cao khoảng hơn 3m, tán rộng hơn 4m và nhiều hoa, lá đang đâm chồi nảy lộc đang được người dân rao bán, thương lái định giá 80 triệu nhưng người chủ vẫn còn đang suy nghĩ. Chủ nhân của cây đào là anh Trần Văn Ca.
“Tôi mua cây đào từ một người ở bản sát biên giới nước Lào. Riêng tiền công thuê người, xe vận chuyển ra đến thị trấn Mường Xén đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Cây đào có thế hình như bàn tay Phật. Mặt trước, mặt sau giống như bàn tay của con người chúng ta. Nếu được giá từ 100 đến 110 triệu đồng thì tôi sẽ bán”, anh Ca nói.
Hoa của giống đào đá có màu hồng nhạt.
Giá đào đang tăng chóng mặt
Mặc dù nhu cầu chơi đào đang có xu hướng tăng lên khi Tết Nguyên đán đang cận kề, thế nhưng dạo quanh một vòng ở phố núi này thì số lượng cây đào năm nay ít hẳn. Cũng vì thế mà giá cả cũng đang tăng lên từng ngày.
Một phần do thời tiết thất thường nên ảnh hưởng đến việc sinh trưởng của cây đào. Nhưng quan trọng là do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn vẫn chưa được mở. Cũng vì thế, đào từ nước bạn Lào không thể đi qua để trở về xuôi.
Đào năm nay khan hiếm do nhiều yếu tố.
Anh Nguyễn Hồng, một thương lái săn đào trồng của người dân ở huyện Kỳ Sơn cho biết, năm nay nguồn đào từ Lào qua đường cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn khan hiếm. “Đào ở Lào không thể về nên giá đào đắt ngay từ ở các nhà vườn. Mua giá đắt về khó bán, lấy giá chênh lệch ít so với mua ở vườn thì không bõ công. Chưa tính đến việc công vận chuyển từ Kỳ Sơn về TP.Vinh cả chặng đường hàng trăm cây số nên chả có lời nữa”, anh Hồng nói.
Những cành đào đá có nhiều rêu mốc đang được ưa chuộng.
Ông Phan Văn Nhâm – Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn cho hay, tại Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn vẫn cho phép nhập khẩu hàng hoá có điều kiện. Cây đào là một loại hàng hoá thuộc thẩm quyền kiểm soát của Kiểm dịch thực vật và Hải quan tại cửa khẩu.
“Nếu doanh nghiệp có giấy tờ đầy đủ, đều được phép thông quan bình thường. Do dịch bệnh Covid-19 nên khi nhập về nước phải khử trùng, kiểm dịch như các loại thực vật khác thông thường”, ông Nhâm chia sẻ.
Người dân ngủ ngay bên đường để bán đào.
Thế nhưng, rất ít doanh nghiệp có đầy đủ giấy tờ để thực hiện việc vận chuyển đào. Nếu như trước đây, thương lái thường được sang tới nước bạn Lào để chọn đào thì nay do dịch nên không thể đi lại như trước. Vì thế, đào bị “mặc kẹt” tại ngay biên giới.
“Bên kia biên giới, đào của nước bạn Lào rẻ hơn rất nhiều, nhưng không thể di chuyển qua cửa khẩu nên bị tấp đống. Còn bên mình thì giá đào năm nay rất đắt, cây đào đẹp cũng đã lên tới 3 – 5 triệu đồng, còn đào đá thì cả chục triệu, có cây trăm triệu”, một thương lái thở dài.