Hà Nội: Vì sao đường vừa duy tu đã có thể bóc lên từng mảng?

Admin
Lý giải cho việc một đoạn đường ở huyện Thường Tín vừa được duy tu đã hư hỏng, ông Phùng Tuấn Minh – Giám đốc công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây cho rằng ảnh hưởng của cơn báo số 5, công tác thi công chưa đảm bảo là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Tự ý bỏ tiền để duy tu

Mới đây, trên mạng xã hội đăng tải thông tin phản ánh về việc một đoạn đường tại huyện Thường Tín, TP. Hà Nội vừa được sửa chữa xong nhưng người dân có thể dễ dàng dùng tay bóc lên từng mảng lớn, khiến dư luận bức xúc.

Theo tìm hiểu của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, sự việc trên xảy ra tại khu vực dốc Vệ Tinh (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội). Đơn vị thi công thảm lại mặt đường là đội quản lý giao thông số 5 (công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây).

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phùng Tuấn Minh – Giám đốc công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây xác nhận, thông tin phản ánh của người dân là đúng và cho biết đơn vị đã khắc phục sự cố ngay sau đó.

Đoạn đường tại khu vực dốc Vệ Tinh (xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội) vừa duy tu đã hư hỏng.

Ông Minh cho biết: “Việc trải thảm đoạn đường trên (thuộc tỉnh lộ 429 qua huyện Thường Tín) là công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của công ty do đội Quản lý giao thông số 5 phụ trách. Về nguyên tắc, trước khi thực hiện công tác duy tu, đội cơ sở sẽ báo cáo công ty và ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (sở GTVT Hà Nội) đồng ý, đơn vị mới được phép làm. Tuy nhiên, do đoạn đường đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, lo ngại cơn bão số 5 sẽ gây mưa kéo dài nên đơn vị đã tự quyết định thảm nhựa để đảm bảo an toàn.

Cụ thể, ngày 18/9, đội Quản lý giao thông số 5 đã tiến hành thảm lại mặt đường. Trong quá trình thi công, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, quá trình thảm bị ngắt quãng do thiếu bê tông nhựa cũng như sai sót của công nhân nên đã dẫn tới sự cố đáng tiếc trên. Ngay sau khi phát hiện sự cố, đơn vị đã tiến hành sửa chữa tạm thời những điểm hư hỏng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Đến ngày 21/9, dưới sự giám sát của các đơn vị chức năng, công ty đã cho cào bóc toàn bộ diện tích đã trải thảm và tổ chức thi công theo đúng tiêu chuẩn, quy định”.

Ông Minh cũng cho biết, đơn vị xác định việc duy tu tuyến đường trước khi cơn bão số 5 đổ bộ chỉ là phương án tạm thời, do đó, phía đội quản lý giao thông số 5 sẽ tự bỏ kinh phí để thảm lại toàn bộ đoạn đường trên.

“Ngay sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc này, công ty đã tổ chức họp với tất cả các đội để quán triệt, rút kinh nghiệm sâu sắc. Đồng thời yêu cầu các cá nhân liên quan viết bản tường trình, từ đó đưa ra quyết định xử lý cụ thể đối với từng trường hợp”, ông Minh thông tin.

Tự bỏ tiền duy tu mà hư hỏng cũng phải xử lý

Như vậy là vì lo lắng cho an toàn của người tham gia giao thông mà đội Quản lý giao thông số 5 - công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ I Hà Tây) đưa ra để giải thích cho việc thi công khi chưa được cấp phép khiến đoạn đường vừa trải thảm đã hư hỏng. Thế nhưng có thể thấy rằng, trong bối cảnh hàng loạt dự án giao thông có mức đầu tư lớn liên tục gặp sự cố về chất lượng công trình, đặc biệt có dự án vừa mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng như dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai), dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…. đã khiến dư luận không khỏi hoài nghi về chất lượng của các công trình giao thông.

Nhiều ý kiến thắc mắc về trách nhiệm của các đơn vị kiểm tra, quản lý ở đâu khi để các đơn vị thi công tự ý “làm liều” như vậy? Liệu rằng sẽ còn bao nhiêu trường hợp đã, đang và sẽ xảy ra tương tự? Đơn vị thi công tự chi trả kinh phí cho công tác thảm lại mặt đường còn kinh phí cho đợt duy tu lần đầu sẽ lấy từ đâu?...

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, chất lượng của một công trình giao thông dù lớn hay nhỏ hay đơn giản chỉ là công tác duy tu, bảo dưỡng đều có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng tới sự phát triển của mỗi quốc gia và đặc biệt là lòng tin của nhân dân.

Đoạn đường được cào bóc toàn bộ thảm cũ để thi công lại.

Ông Đức cho rằng: “Vài năm gần đây, chất lượng của các công trình giao thông nói chung và các công trình có sai phạm nói riêng đang được người dân hết sức quan tâm. Tôi cho rằng việc nhiều người dân mất dần niềm tin vào chất lượng các công trình giao thông là có cơ sở.

Bên cạnh công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan, đơn vị chức năng thì trách nhiệm của đơn vị trực tiếp thi công cũng rất quan trọng. Việc đơn vị tự ý thi công dẫn đến hư hỏng là không thể chấp nhận. Do đó, cơ quan chức năng phải xử lý tới cùng, tìm ra nguyên nhân để quy trách nhiệm cá nhân, tập thể trực tiếp gây ra lỗi để kỷ luật. Nếu cá nhân, tập thể nào sai đều phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, từ đó mới có tính chất răn đe, đảm bảo sự tuân thủ nghiêm chỉnh về chất lượng công trình”.

Cùng trao với PV, PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng) - cho rằng, việc đoạn đường vừa duy tu, sửa chữa đã gặp hư hỏng sẽ ảnh hưởng lớn tới lòng tin của người dân đối với các công trình giao thông.

“Ở trường hợp đường vừa du tu đã hư hỏng ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cần được điều tra, làn rõ để xác định nguyên nhân, mức độ sai phạm và từ đó đưa ra hình thức xử lý thoả đáng”, PGS. TS Trần Chủng nói.

PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng).

“Để giảm thiểu những sự cố, sai phạm trong các công trình giao thông, chúng ta cần phát huy sự kiểm tra, giám sát của xã hội, nâng cao hiệu quả truyền thông để người dân được biết. Từ đó, phát hiện những tồn tại để cơ quan chức năng có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng các công trình nói chung và công trình giao thông nói riêng” (PGS. TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, bộ Xây dựng)