Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức nhận án phạt cuối năm

Admin
Hoàng Anh Gia Lai bị phạt 155 triệu đồng liên quan đến việc hồi tố báo cáo tài chính và báo cáo tình hình quản trị công ty.

Ngày 28/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG).

Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai bị phạt tiền 85 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo yêu cầu của UBCKNN về việc điều chỉnh hồi tố Báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty.

Doanh nghiệp này còn bị phạt thêm 70 triệu đồng do hành vi công bố thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai đã thuyết minh không đầy đủ về việc điều chỉnh hồi tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các năm 2017, 2018 tại báo cáo tài chính năm 2020 và chưa giải trình đầy đủ nội dung này theo quy định; không trình bày các giao dịch giữa Công ty và người có liên quan của công ty, gồm: Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai, Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Cao su Hoàng Anh – Hoàng Minh, Công ty TNHH Phát triển Nông nghiệp Hoàng Anh Attapeu, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT HAG, bà Võ Thị Mỹ Hạnh - Thành viên HĐQT HAG, bà Hồ Thị Kim Chi - Phó Tổng Giám đốc HAG tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2019, 2020 và 6 tháng đầu năm 2021.

Như vậy, tổng số tiền Hoàng Anh Gia Lai phải nộp phạt là 155 triệu đồng.

Trước đó một ngày, , trên website của Hoàng Anh Gia Lai đăng tải văn bản giải trình liên quan đến điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính, đồng thời trình bày kiến nghị của cổ đông về việc duy trì niêm yết cổ phiếu HAG tại Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Nội dung văn bản cho biết, vào ngày 25/11/2021, công ty đã có văn bản số 2511/CV-HAGL về việc điều chỉnh hồi tố số liệu báo cáo tài chính và khiến lợi nhuận sau thuế công ty các năm 2017, 2018 và 2019 đều là số âm.

Theo nguyên tắc, doanh nghiệp bị thua lỗ 3 năm liên tiếp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc tại HoSE. Điều này gây lo lắng cho cổ đông HAGL về việc cổ phiếu có thể bị xem xét có còn đủ điều kiện niêm yết hay không.

Vì vậy, trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/11/2021, cổ đông HAGL đã bàn bạc kỹ vấn đề này và thống nhất ghi vào biên bản họp thể hiện nguyện vọng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận duy trì việc niêm yết cổ phiếu HAG.

Trên cơ sở đó, HAGL xin kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và HoSE xem xét đến tình hình công ty hiện tại để duy trì niêm yết, bởi các cổ đông HAGL mua cổ phiếu dựa trên tình hình kinh doanh hiện tại và triển vọng tương lai chứ không phải thông tin tài chính quá khứ cách đây 3-5 năm.

Trong văn bản này, HAGL cho hay tình hình sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc của công ty này đã có nhiều cải thiện. Về các khoản nợ, HAGL đã thanh toán được phần lớn các khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng, xử lý phần lớn các khoản đầu tư không hiệu quả thông qua việc thanh lý các công ty con thuộc ngành nông nghiệp, thủy điện và khoáng sản, xử lý các khoản phải thu tồn đọng nhiều năm Các chỉ tiêu tài chính dần cải thiện, hệ số thanh toán hiện hành đã lớn hơn 1.

HAGL còn có kế hoạch thanh lý một số tài sản không tạo ra lợi nhuận, tập trung thu hồi nợ từ các bên liên quan và sử dụng dòng tiền thu được từ kinh doanh để trả nợ, cải thiện tình hình tài chính.

Với những lý do trên, lãnh đạo doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan nhà nước "cho phép HAGL áp dụng điều kiện thử thách là nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi thì hãy xem xét hủy niêm yết. Như vậy sẽ giúp bảo vệ lợi ích cổ đông và tránh được các xáo trộn lớn trên thị trường".