Sáng tạo của nữ giáo viên ở ngôi trường nghèo khó
Giữa không gian lớp học của một ngôi trường vùng sâu còn nhiều khó khăn tại Đất Mũi Cà Mau, một cô giáo trẻ trong tà áo dài truyền thống, bắt đầu bài giảng một cách nhẹ nhàng. Đứng trên bục giảng, nữ giáo viên tự bắt nhịp rồi trình diễn từng đoạn trích Hoạn Thư bắt Thúy Kiều, trong tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, bằng làn điệu cải lương mượt mà, uyển chuyển, thay vì đọc theo cách truyền thống.
Đáp lại giọng ca ngọt ngào của cô giáo, cả lớp đều chăm chú lắng nghe, nhiều học sinh còn nhanh tay chép lại vào vở hoặc hào hứng lẩm nhẩm theo. Đó là một tiết Ngữ văn đầy hấp dẫn của cô giáo Huỳnh Sơn Ca (SN 1989), giáo viên trường THPT Võ Thị Hồng (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Sinh ra trong một “cái nôi” yêu nghệ thuật, từ nhỏ, cô giáo Sơn Ca đã được truyền cảm hứng từ tiếng đàn và niềm đam mê với những làn điệu truyền thống của ba, vốn là nhạc công của Đoàn cải lương Hương Tràm. Cái tên Sơn Ca dường như cũng mang nỗi niềm ấp ủ của ba mẹ, mong con gái có giọng hát trời phú, giống như những chú chim sơn ca, vốn là một trong “tứ đại danh ca” của đất trời.
Hồi nhỏ, cô bé Sơn Ca thường được nghe ba hát và dạy nhiều bài cải lương, nên cũng có chút “lưng vốn” về ca nhạc. Ba cô thường hát những bài về các câu chuyện xưa cũ, gắn liền với kiệt tác văn học nên đã nhen lên trong suy nghĩ của con gái những ấn tượng nhất định.
Sau gần 8 năm gắn bó với nghề gieo chữ tại ngôi trường vùng sâu, vùng xa miệt sông nước Cà Mau này, cô giáo trẻ vẫn vẹn nguyên nhiệt huyết, “lửa nghề” vẫn luôn thôi thúc sự sáng tạo, mang đến những phương pháp hấp dẫn và hiệu quả nhất cho học sinh.
Nắm bắt được tâm lý của học sinh, đặc biệt là học sinh nam, thường cảm thấy nhàm chán với môn Văn, cô giáo Sơn Ca miệt mài tìm phương pháp giúp học trò vượt qua “nỗi sợ”.
“Khi có duyên dạy Văn, đến tiết học những tác phẩm văn học là tôi tranh thủ tích hợp kể - hát cho học trò nghe, vừa đổi mới phương pháp giảng dạy, vừa truyền cảm hứng cho các con. Sau những bài giảng mới lạ ấy, học sinh khá thích thú tìm hiểu bài nên mình cũng có thêm động lực cố gắng thay đổi.
Trước đó, tôi đã thử nhiều phương pháp khác như: thuyết trình; kể chuyện giai thoại về tác giả; cho học sinh vẽ tranh về nhân vật, về chi tiết ấn tượng trong tác phẩm; cho học sinh đóng kịch với tác phẩm văn xuôi hoặc cho học sinh xây dựng kịch bản văn học... để củng cố kiến thức và kích thích khả năng tư duy của học sinh.
Tuy nhiên, chưa khi nào tôi lại có quyết định táo bạo như lần này, quyết định trực tiếp thể hiện tác phẩm bằng cải lương lồng ghép vào buổi dạy. Thật không ngờ, học sinh lại tiếp nhận và hưởng ứng nhiệt tình như vậy...”, cô giáo 31 tuổi bật mí.
Cách giảng dạy theo phương pháp mới của cô Sơn Ca đã nhận được đồng thuận và đón nhận nhiệt tình của không chỉ các em học sinh trường THPT Võ Thị Hồng, mà cả đồng nghiệp gần xa và rất nhiều người xa lạ cũng hỏi thăm, bày tỏ lòng mến mộ.
“Tôi thực sự rất bất ngờ, không nghĩ rằng mình được ghi nhận như vậy. Tuy nhiên, những ngày đầu khi clip giờ giảng Văn kết hợp cải lương mới được chia sẻ trên mạng xã hội, cũng có không ít bình luận tiêu cực. Nhiều người cho rằng, là giáo viên Văn thì phải thế này thế kia, không được hát trong lớp như vậy, rồi “hát như vậy, học sinh ngủ hết thì sao?”... Đọc được, tôi buồn lắm!
Nhưng khi tôi trao đổi với giảng viên từng dạy mình ở trường đại học và một số đồng nghiệp, nhạn được sự động viên rất lớn, tôi đã tự mỉm cười: “Thôi thì 9 người 10 ý”, suy nghĩ tích cực hơn và chỉ nghĩ đến phải sáng tạo hơn để truyền cảm hứng với môn Văn cho học trò”, cô trải lòng.
Những món quà ngọt ngào
Gần mười năm đứng trên bục giảng, cô giáo Sơn Ca vẫn luôn tâm niệm, mỗi giáo viên là một kỹ sư tâm hồn, xây dựng cho biết bao thế hệ học sinh từng bài giảng phong phú trên lớp cho đến những kỹ năng sống thiết thực.
Tâm huyết với học trò, tỉ mỉ từng chút một, nữ giáo viên luôn luôn quan tâm đến từng học sinh của mình. Đặc biệt, là một trong số những giáo viên trẻ nhất trong trường, cô Sơn Ca thường có những chia sẻ gần gũi, hỏi han những áp lực, động viên và đưa những lời khuyên hợp lý. Những lời khuyên chân thành thông qua những nhận xét trên bài viết văn, trở thành nguồn động lực lớn cho mỗi học sinh.
Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 năm nay, trong giai đoạn ôn thi cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Sơn Ca cũng thường xuyên chia sẻ trực tiếp từ những điều nhỏ nhất, để học sinh có thêm niềm tin và sức mạnh.
Tận tình, xem học trò như những đứa con trong gia đình, nên cô giáo trẻ nhận lại những tình cảm đáng quý từ học trò. “Suốt gần mười năm giảng dạy, cứ mỗi chuyến đò qua sông thành công, là tôi lại thấy lòng mình thêm hân hoan. Mà vui nhất là khi các con cũng coi mình như một người mẹ. Mặc dù đây là vùng sâu, vùng xa, trường còn nhiều khó khăn, nhưng tôi được nhận những món quà đong đầy tình yêu thương từ học trò, khiến niềm vui cứ mãi râm ran.
Nhớ nhất là một bức thư tay mà một học sinh nữ viết cho tôi, con cảm ơn tôi không phải chỉ vì những bài học trên lớp, mà vì cả những câu chuyện nho nhỏ mà cô trò có dịp tỉ tê. Rồi có những học sinh lấy lá dừa và ruy băng, kết thành hoa để tặng tôi vào những ngày lễ. Tôi thực sự xúc động! Dạy ở trường nghèo, dạy ở vùng khó, nhưng lúc nào cũng ăm áp tình yêu thương”, nụ cười chợt nở trên gương mặt cô giáo.
Trở lại với câu chuyện sáng tạo trong giờ học, cô Sơn Ca chia sẻ: “Phương pháp kết hợp cải lương vào bài giảng của tôi được ghi nhận không chỉ là niềm động lực không chỉ với riêng bản thân tôi, mà còn với cả những đồng nghiệp trong trường, trong tỉnh, cùng tư duy sáng tạo thêm những phương pháp giảng dạy hiệu quả”.
“Tới đây, tôi sẽ dành thêm thời gian trau chuốt đàn tranh, để có thể gảy đàn ngâm thơ, và mỗi giờ Ngữ văn trong những năm học tiếp theo càng thêm sinh động!”, cô giáo nơi Đất Mũi hào hứng tiết lộ những dự định.
Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong giảng dạy Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau - cho biết: “Ngành giáo dục địa phương đã biểu dương cô giáo Huỳnh Sơn Ca vì những đóng góp sáng tạo trong phương pháp dạy học. Đồng thời, tôi mong muốn đội ngũ giáo viên, các trường học trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới phương pháp dạy học, với nhiều ý tưởng sáng tạo khác nhau, mang lại ý nghĩa và hiệu quả. Không chỉ cải lương, mà còn rất nhiều loại hình nghệ thuật khác, cũng là tinh hoa văn hóa truyền thống của địa phương, cũng có thể trở thành kho tàng cho các thầy cô tham khảo, vận dụng, vừa tạo nên một giờ học sinh động, vừa góp phần lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống”. |