Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi chạm đáy

Admin
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng các chỉ báo kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá lạc quan, nhưng cần theo dõi sát lạm phát.

heo bản tin Cập nhật Kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2021 của Ngân hàng Thế giới (WB), được công bố ngày 11/11, số liệu tháng 10 cho thấy sự suy giảm kinh tế đã chạm đáy trong bối cảnh Việt Nam khởi động lại nền kinh tế. WB cho rằng tình hình kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng được đẩy mạnh trong những tháng tới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước và chỉ thấp hơn 1,6% so với một năm trước, chủ yếu do hoạt động sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng công nghiệp lân cận được khôi phục. Trong đó, các ngành được đánh giá năng động nhất là thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất - tất cả đều đạt mức tăng trưởng hai con số so với tháng trước.

Kinh tế vĩ mô - Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi chạm đáy

Chỉ số sản xuất công nghiệp, thay đổi theo %. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng tăng trở lại, từ 4,4% trong tháng 9 lên 18,1% trong tháng 10. Tuy nhiên, tổng doanh thu vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy phục hồi trong khu vực này cần thêm thời gian.

Chỉ số lạm phát trong tháng 10 giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước. Tuy giá nhiên liệu tăng làm chi phí nhóm giao thông tăng 2,1%, nhưng giá lương thực thực phẩm lại giảm 1,3%, chủ yếu là do nguồn cung thịt tồn đọng nhiều trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. So với 1 năm trước, CPI chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong 3 tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát 4,0% của Chính phủ.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký chậm lại sau chuỗi ba tháng phục hồi mạnh mẽ, giảm 47,4% so với tháng trước. Sự thay đổi này có lẽ không quá lo ngại do tính thời vụ của FDI và việc có dự án quy mô lớn được đăng ký vào tháng 9 vừa qua. Giải ngân FDI tiếp tục phục hồi, còn số vốn FDI thực hiện trong 10 tháng giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế vĩ mô - Kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng sau khi chạm đáy (Hình 2).

FDI vào Việt Nam, tính theo tỷ USD. Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Về cân đối ngân sách, ngân sách nhà nước tháng 10 ghi nhận thặng dư 28 nghìn tỷ đồng (1,2 tỷ USD) sau 2 tháng thâm hụt. Các hoạt động kinh tế chưa được khôi phục hoàn toàn làm tổng chi nhiều hơn so với tổng thu (so với cùng kỳ năm trước). Trong 10 tháng đầu năm, ngân sách thặng dư 74,9 nghìn tỷ đồng (3,2 tỷ USD).

WB cho rằng khi nền kinh tế mở cửa trở lại và số ca bệnh mới gia tăng, chính phủ Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tiêm vắc-xin nhanh chóng và duy trì cảnh giác với dịch, đồng thời theo dõi lạm phát vì nhu cầu trong nước phục hồi trong bối cảnh giá năng lượng trên thế giới tăng có thể gây ra áp lực tăng giá.