Quảng Nam đón đoàn khách quốc tế đầu tiên
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Hai đoàn khách đầu tiên của giai đoạn 1 đến tỉnh Quảng Nam đều đi theo diện visa du lịch quốc tế, với số lượng đăng ký khoảng 400 người.
Các khách đều đến từ Mỹ, quá cảnh ở Hàn Quốc, sẽ xuống sân bay tại Đà Nẵng sau đó mới về Quảng Nam. Đợt khách lần này sẽ nghỉ ở các khu nghỉ dưỡng phức hợp trong vòng 7 ngày.
Về doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trong giai đoạn đầu sẽ có 1 công ty lữ hành quốc tế để kết nối với phía nước ngoài để đưa đoàn về Quảng Nam, 3 khu du lịch sẽ được chọn làm nơi lưu trú”.
Để đảm bảo khách hàng vẫn có sự trải nghiệm tốt, Quảng Nam lựa chọn 3 khu tổ hợp nhiều loại hình vui chơi, giải trí như đánh golf, nghỉ dưỡng, spa, tắm biển,…Việc lựa chọn như vậy nhằm kiểm soát dễ dàng hơn lịch trình thăm quan của họ.
Theo chia sẻ của ông Hồng, trong thời gian ở đây, khách có thể thăm quan phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn là những địa điểm đã được phê duyệt.
“Ứng dụng PC-Covid sẽ được sử dụng bởi tất cả các hành khách. Nhưng để thuận tiện, việc ứng dụng công nghệ thông tinh chủ yếu cho đội ngũ phục vụ, nhân sự làm du lịch.
Theo đó, các hướng dẫn viên, nhân viên đi theo đoàn sẽ là đầu mối tiếp nhận thông tin, khai báo cho cả đoàn thay vì việc từng hành khách phải khai báo. Công ty lữ hành quốc tế, và các khu du lịch sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này”, ông Nguyễn Thanh Hồng bày tỏ.
Theo thông tin từ lãnh đạo Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam, tất cả nhân sự làm du lịch tại Quảng Nam, người dân trong khu phố cổ Hội An, đền tháp Mỹ Sơn đã tiêm được đủ 100% mũi 1 vắc-xin Covid-19. Những nhân viên làm việc trực tiếp với khách thì đều đã tiêm phòng đủ 2 mũi vắc-xin.
Mô hình Sandbox liệu có thành công?
Theo kế hoạch đón khách du lịch quốc tế đến tỉnh Quảng Nam, giai đoạn một, du khách đến với tỉnh Quảng Nam sẽ được thăm quan những dịch vụ du lịch đã được chọn lựa thí điểm từ trước đó là phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn.
Đến đầu năm 2022, khi giai đoạn 2 bắt đầu, khách du lịch có được mở rộng những địa điểm thăm quan, tuy nhiên vẫn dựa trên những khu vực đã được lên kế hoạch sẵn.
Thời gian thăm quan tại địa phương, du khách chỉ được tham gia các hoạt động du lịch theo lịch trình đã được đăng ký trước theo kế hoạch do doanh nghiệp du lịch tổ chức.
Quảng Nam đã xây dựng phương án dự phòng, năng lực xét nghiệm và xử lý cách ly tình huống cho 1.000 người, phục vụ điều trị cho 500 người trong giai đoạn đầu của kế hoạch thí điểm.
Việc thí điểm mô hình du lịch ở một số địa phương của Việt Nam có sự học tập, quan sát của một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, thực chất những mô hình này là sự mở rộng vòng tròn cách ly.
Người Đưa Tin cũng có những trao đổi với bà Trần Thị Bích Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Vivu Journeys Việt Nam, về vấn đề này.
Bà Thủy cho biết: “Qua trao đổi thông tin qua quá trình làm việc, tôi thấy được mô hình Sandbox tại Thái Lan chưa thực sự thành công vì lượng khách đến chỉ bằng 1/10 mức độ của họ mong muốn.
Lý do bởi khi khách lưu trú tại resort và chỉ được trải nghiệm thăm quan tại những nơi đã được có kế hoạch sẵn, điều này chưa thực sự là sự bình thường mới”.
Nếu áp dụng mô hình này, Việt Nam càng khó cạnh tranh với các nước trong khu vực, bởi theo bà Thủy du lịch trong các khu nghỉ dưỡng thiên về trải nghiệm dịch vụ cao cấp hơn là du lịch có yếu tố bản địa.
Việt Nam lại có những lợi thế về các địa điểm danh lam, thắng cảnh hơn là nơi để vui chơi, nghỉ dưỡng nên du khách sẽ ít lựa chọn đến nước ta nếu theo hình thức du lịch này.
Ngoài ra, phần lớn nhu cầu khách đến Việt Nam nhu cầu kết nối tuyến điểm xuyên suốt đất nước, thay vì chỉ ở trong một địa điểm nào đó. Vì vậy, bà Thủy dự đoán rằng, phải sang giai đoạn sau thì lượng khách quốc tế mới có thể đông trở lại, bởi đến lúc đó chúng ta mởi mở rộng các điểm thăm quan trải nghiệm.
Bà Thủy cho biết thêm: “Với việc mình phát triển mô hình bong bóng du lịch tại Việt Nam, theo tôi chúng ta sẽ thu hút được những khách du lịch, gia đình mong muốn có những chuyến du lịch ngắn ngày để trải nghiệm đánh golf, và các dịch vụ tại resort.
Bên cạnh đó là đối tượng Việt kiều, những người có nhu cầu về thăm thân sau khoảng thời gian 2 năm dịch Covid-19 diễn ra phức tạp”.
Theo thông tin tại cuộc họp của UBND tỉnh Quảng Nam ngày sáng ngày 12/11. Địa phương này đã có 1.222.746 người có nhu cầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 và Chính phủ đã phân bổ 1.490.650 liều. Đến nay, đã tiêm 1.050.495 liều cho 913.561 người, trong đó 136.934 đối tượng đã tiêm đủ 2 mũi. Và hiện còn tồn 285.685 liều, tồn chậm tiến độ là 61.026 liều.