Tìm cảm giác yên bình khác lạ
Cuộc đời vốn dĩ là những chuyến đi, càng đi nhiều chúng ta càng biết thêm nhiều điều thú vị, hiểu thêm về những vùng đất chưa từng đặt chân đến, những con người chưa từng gặp mặt, để cảm nhận sự diệu kỳ, muôn màu muôn vẻ cuộc sống.
Chúng tôi có chuyến thăm thành phố biển Quy Nhơn - thủ phủ du lịch của Bình Định - vào những ngày đầu tháng 11, thời điểm mà khách du lịch hiếm khi đặt chân đến nơi đây. Bởi lẽ, thành phố xinh đẹp này thường bình yên hơn vào độ từ tháng 2 đến tháng 9 trong năm, còn các tháng khác có thể sẽ chịu ảnh hưởng của mưa bão… Mặc dù vậy, chọn thời điểm mà ít người ghé thăm đã cho chúng tôi những trải nghiệm riêng hiếm có.
Nơi đây được đánh giá là sở hữu bờ biển, vịnh hoang sơ và đẹp hơn cả Nha Trang, có tiềm năng đặc biệt trong việc phát triển ngành công nghiệp không khói, đặc biệt, với sự nở rộ nhanh chóng của các loại hình dịch vụ du lịch cùng nhiều địa danh đang tạo nên “cơn sốt”.
Trong ký ức của những người con miền biển Quy Nhơn, thành phố này là những bãi cát vàng thoai thoải, trải dài ôm ấp từng đợt sóng rì rào. Những bãi cát được bao bọc bằng tấm thảm xanh rì của những cây muống biển, loài cây có sức sống mãnh liệt không ngừng sinh sôi và phát triển và đơm những bông hoa tim tím, chỉ cần một cơn gió thoảng qua cũng có thể lay động lòng người.
Còn trong mắt chúng tôi, ấn tượng về Quy Nhơn hiện tại là một thành phố du lịch biển hiền hòa, văn minh, hiện đại nhưng vẫn còn nét “e ấp”, hoang sơ. Là một trong những thành phố biển đẹp nhất Nam Trung Bộ với nhiều kỳ quan hùng vĩ, du khách ghé thăm Quy Nhơn không thể bỏ qua những bãi tắm lý tưởng như bãi tắm Hoàng Hậu, bãi Xép, bãi Dại,…
Có người nói, đã đặt chân đến Quy Nhơn, nhất định phải check-in Kỳ Co, Eo Gió và nhất định phải tham quan tháp Chăm độc đáo và ghé thăm những địa danh di tích lịch sử nổi tiếng với nhiều nét văn hóa độc đáo. Quả thực, nơi đây được mệnh danh là vùng “đất võ, trời văn” nên cũng là mảnh đất quê hương của nhiều bậc hiền tài, mà theo ông cha truyền lại, tên gọi Quy Nhơn có từ năm 1602, khi chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhơn thành phủ Quy Nhơn có ý nghĩa mong muốn quy tụ về đây những con người hiền tài, nhân nghĩa.
Riêng đối với tôi, dấu ấn mạnh mẽ nhất trong chuyến đi này chính là buổi lên đỉnh Bà Hỏa, nằm ngay trung tâm thành phố. Trái ngược với những bãi biển mênh mông cát vàng và những con đường bị phủ đầy cát bên rìa thành phố, con đường lên núi bắt đầu “phô diễn” thảm thực vật đa dạng hơn, nhưng vẫn không giấu nổi vẻ cằn cỗi vốn có.
Những chiếc xe máy ì ạch men theo con đường đất đã lởm chởm, quanh co, khúc khuỷu. Có lúc, phải băng qua những vạt cây bị gió bão quật đổ, bật gốc ngổn ngang; có lúc, phải rê chân từng chút khi gặp con dốc đứng nhưng vẫn tự nhủ: “Cố lên một xíu nữa!” vì bắt gặp cảnh quan rừng đẹp uốn lượn từng tầng theo triền núi. Đến khi phải bỏ xe máy lại mà leo bộ lên đến đỉnh núi và phóng tầm mắt xuống thành phố, chúng tôi không khỏi xuýt xoa vì những nỗ lực ban nãy.
Một thành viên trong nhóm chúng tôi bông đùa: “Đến thành phố biển mà còn đi leo núi”, nhưng quả thực, với riêng tôi, đây là nơi thú vị nhất, vì tôi có thể ngắm trọn vẹn Quy Nhơn trong tầm mắt!
Nụ cười hồn hậu, lạc quan giữa muôn trùng sóng, cát
Khách du lịch đổ về Quy Nhơn mỗi ngày một nhiều hơn, từ hội dân phượt khao khát kiếm tìm cảnh sắc hoang sơ cho đến những gia đình ưa thích một nơi chốn an nhiên để nghỉ dưỡng.
Hiếm có vùng du lịch biển nào mà cảnh quan du lịch còn vẹn nguyên, hoang sơ như Quy Nhơn. Những bãi biển hoang sơ nằm trải dài ôm ấp bờ cát vàng thơ mộng, những cồn cát trắng xóa bao la ngoạn mục dưới cái nắng vàng như rót mật, gợi lên một Sahara thu nhỏ… Cánh đồng điện gió nằm trên bán đảo Phương Mai vừa góp phần phục vụ nhu cầu điện năng của thành phố, vừa thực hiện nhiệm vụ du lịch, khi trở thành điểm “sống ảo” mới cho giới trẻ.
Mặc dù hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch, nhưng địa phương này không đánh đổi những dự án đầu tư trong quy hoạch làm ảnh hưởng đến không gian biển cũng như làm mất không gian công cộng của người dân. Ở không ít địa phương, vì ồ ạt thu hút đầu tư, các khu đất “vàng” ở đô thị đã bị bê tông hóa vì các khách sạn cao tầng hoặc không gian xanh bị tàn phá cũng vì du lịch, nhưng ở TP.Quy Nhơn, bên biển người dân vẫn có thể tận hưởng không khí mát mẻ bên những mảnh xanh ngút ngàn.
Ở Quy Nhơn, ngoài muôn trùng lớp sóng lấp lánh nắng vàng, còn có một đặc trưng nữa luôn hiện hữu trên những con đường rộng thênh thang bên rìa thành phố, đó chính là cát. Những triền cát chạy dọc hai bên đường quốc lộ, những triền cát xoáy sâu trong từng ngóc ngách, và đó dường như là một món “đặc sản” xứ này. Thiếu đất trồng trọt, lại thường xuyên bị những cơn bão biển nhăm nhe, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn nở nụ cười hồn hậu, lạc quan.
Người dân nơi đây thuần phác, hồn nhiên như chính vị mặn mòi, khoáng đạt của biển cả. Là địa phương mới phát triển du lịch, du khách ít khi bắt gặp những cảnh tượng “chặt chém” ở Quy Nhơn. Nếu chẳng may lạc đường hay cần sự giúp đỡ của người dân bản địa, bạn chỉ cần mở lời là người dân nơi đây sẵn sàng chỉ tận tay, dẫn tận đường.
Ở Quy Nhơn, nhiều địa danh du lịch nằm trong những làng chài lâu đời, nơi khách tham quan có thể xin trải nghiệm qua đêm trong những căn nhà ven bờ biển thơ mộng. Ghé thăm hải cảng hoặc làng chài, du khách có thể dễ dàng tham quan và trải nghiệm công việc chài lưới cùng những nụ cười hồn hậu, cởi mở của người dân. Sự trìu mến, ấm áp, gần gũi, đậm nét văn hóa của con người nơi đây chắc hẳn sẽ để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách.
Một trong những yếu tố góp phần thu hút, giữ chân khách du lịch chính là những món ăn đặc trưng vẫn còn giữ được hương vị truyền thống của ẩm thực “xứ Nẫu” như bánh ít lá gai, nem chả chợ Huyện, bánh xèo tôm nhảy...
Tuy nhiên, những năm qua, lượt khách du lịch đến với Quy Nhơn so ra vẫn có phần “lép vế” hơn so với các thành phố du lịch khác. Có lẽ, để vào cuộc cạnh tranh với các địa điểm du lịch nổi tiếng khác, đòi hỏi Quy Nhơn phải năng động hơn, trăn trở để tìm những hướng đi mới, cung cấp các sản phẩm du lịch khác biệt và có tính cạnh tranh cao.