Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu vẫn khởi sắc

Admin
Doanh thu từ mảng bất động sản giảm mạnh khiến Tập đoàn Hà Đô chỉ lãi 101 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Thế nhưng, cổ phiếu HDG vẫn được nhiều nhà đầu tư săn đón

Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (MCK: HDG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 479 tỷ đồng, giảm tới 75% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu chỉ đạt 1.833 tỷ đồng, giảm 39% so với nửa đầu năm 2020.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu vẫn khởi sắc

6 tháng đầu năm 2021, doanh thu mảng bất động sản giảm 54% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguyên nhân khiến cho doanh thu của Hà Đô giảm mạnh chủ yếu là do doanh thu kinh doanh bất động sản giảm. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu bất động sản chỉ đạt 981 tỷ đồng (cùng kỳ 2.150 tỷ), giảm 54% do bàn giao ít căn hộ tại dự án Hado Centrosa so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mảng doanh thu từ thủy điện, điện mặt trời tiếp tục tăng trưởng 47% lên 502 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính trong kỳ tăng gấp rưỡi lên mức 39 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý đều đồng loạt gia tăng.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu vẫn khởi sắc (Hình 2).

Sau khi trừ chi phí, Hà Đô thu về 101 tỷ đồng lãi ròng, trong khi đó cùng kỳ 541 tỷ, giảm đến 81%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Tập đoàn thu về 502 tỷ lãi ròng, giảm 35% so với cùng kỳ. Như vậy, trong nửa đầu năm 2021, HDG hoàn thành 37% mục tiêu doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm nay.

Đáng chú ý, tại thời điểm ngày 30/6/2021, Hà Đô ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 10.457 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ ở mức 4.317 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của Hà Đô gấp 2,5 lần so với nguồn vốn chủ sở hữu và chiếm tới 71% tổng cộng nguồn vốn.

Trong cơ cấu nợ phải trả chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính 6.588 tỷ đồng (vay ngắn hạn 509 tỷ đồng, vay dài hạn 6.079 tỷ), tương đương với đầu kỳ và gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu.

Tính đến ngày 30/6/2021, Hà Đô có tổng tài sản 14.774 tỷ đồng, tăng 6,5% so với hồi đầu năm và chủ yếu tăng giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Cụ thể, Hà Đô gia tăng đầu tư tài chính ngắn hạn xấp xỉ 7 lần, từ 70 tỷ lên mức 488 tỷ đồng, trong đó có 265 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi và 223 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu vẫn khởi sắc (Hình 3).

Chi phí xây dựng dở dang tại các dự án của Hà Đô. (Nguồn: BCTC quý II/2021)

Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Hà Đô đang ở mức 5.935 tỷ đồng, tăng 33% so với hồi đầu năm. Trong đó tập trung tại các dự án Khu nghỉ dưỡng Bảo Đại, Thủy điện Sông Tranh 4, Hà Đô Centrosa Garden, Điện gió 7A, Thủy điện Đăk Mi...

Về đầu tư bất động sản, Hà Đô đang rót vốn vào 8 dự án với tổng vốn đầu tư tính đến ngày 30/6 là 966 tỷ đồng.

Mới đây, Hà Đô có thành lập CTCP Năng lượng Hà Đô với vốn điều lệ dự kiến 1.200 tỷ đồng, do tập đoàn góp 99,9% vốn. Trước đó, Hà Đô có 5 công ty con chuyên về năng lượng gồm Za Hưng, Thủy điện Sông Tranh 4, Hà Đô Bình Thuận, Năng lượng Agrita - Quảng Nam và Hà Đô Ninh Thuận.

Tập đoàn đang sở hữu, vận hành 5 nhà máy thủy điện (Sông Tranh 4, Đắk Mi 2 và Za Hưng ở Quảng Nam, Nhạn Hạc - Nghệ An, Nậm Pông - Nghệ An), 2 nhà máy điện mặt trời (Hà Đô Ninh Phước - Ninh Thuận, Hồng Phong 4 - Bình Thuận) và Nhà máy điện gió 7A - Ninh Thuận.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, Hà Đô đặt mục tiêu 3 mảng kinh doanh mũi nhọn gồm bất động sản, năng lượng và xây lắp; hướng đến tốc độ tăng trưởng bình quân ngành bất động sản, năng lượng từ 12% lên 15% vào năm 2025. Công suất đầu tư mảng năng lượng dự kiến sẽ tăng từ 466 MW hiện tại lên 700 MW.

Dù tình hình kinh doanh “đi lùi”, nợ nhiều, song giá cổ phiếu HDG lại khởi sắc. Chốt phiên giao dịch 5/8, thị giá ở mức 56.300 đồng/cổ phiếu, tăng 44% so với thời điểm đầu năm nay.

Bất động sản - Tập đoàn Hà Đô: Lợi nhuận sụt giảm mạnh, giá cổ phiếu vẫn khởi sắc (Hình 4).

Diễn biến thị giá cổ phiếu HDG. (Nguồn: Trading View)

Trong tháng 7, Chứng khoán Bản Việt cũng mua vào hơn 9 triệu cổ phiếu HDG và trở thành cổ đông lớn của Hà Đô, tỷ lệ sở hữu 6,95%.

Thế nhưng, bà Nguyễn Thị Xuân Lan, chị gái ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hà Đô liên tục đăng ký bán ra. Mới đây nhất, bà Lan đăng ký bán ra 100.000 cổ phiếu. Trước đó, vào 27/7, bà Lan thực hiện giao dịch thành công bán 200.000 cổ phiếu HDR.

Trước đó, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 272.000 cổ phiếu HDG để giảm sở hữu từ 7,06% về còn 6,89% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 21/5. Trong đó, quỹ Norges Bank bán ra 194.000 cổ phiếu và quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity) bán ra 78.000 cổ phiếu HDG.