Tiền Hải (Thái Bình): Cần làm rõ hành vi có dấu hiệu giả mạo trong công tác

Admin
Dù không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm, nhưng một số nhân viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tiền Hải, Thái Bình vẫn được "ưu ái" xếp vào vị trí việc làm là giáo viên để hưởng lợi tiền phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Theo phản ánh của một số cán bộ, giáo viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Tiền Hải (Thái Bình), nhiều nhân viên của trung tâm này không có chuyên môn sư phạm nhưng lại được “ưu ái” xếp vào vị trí việc làm là giáo viên. Từ đó, tạo điều kiện cho những giáo viên “rởm” này có cơ hội hưởng lợi từ ngân sách Nhà nước.

Theo tìm hiểu của PV, trong danh sách phản ánh gồm bà Trần Thị Liên (SN 1969, quê Hà Nam) có bằng cử nhân kế toán, ông Nguyễn Văn Cân (SN 1969, ở Tiền Hải, Thái Bình) có bằng cử nhân của Đại học Nông nghiệp và ông Tạ Văn Tuyên (N 1981, ở Tiền Hải, Thái Bình) có bằng cử nhân của Đại học Giao thông Vận tải. Đây là 03 người có thâm niên công tác lâu năm tại Trung tâm GDNN-GDTX Tiền Hải, xuất thân không phải là giáo viên, không có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì cả 03 nhân viên này lại được xếp ngạch lương giáo viên và được hưởng thêm 30% mức lương cơ bản từ ngân sách Nhà nước.

Để làm rõ nội dung phản ánh, PV đã trao đổi với ông Phạm Văn Luân, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Tiền Hải. Ông Luân thừa nhận: Đúng là có 3 nhân viên của trung tâm đang hưởng mức lương không đúng vị trí công tác như phản ánh. Tuy nhiên, ông Luân cho rằng, đây là “lỗi” đã tồn tại từ trước. “Tôi mới về nhận công tác ở đây nên chưa tìm hiểu sai sót từ khâu nào?”, ông Luân nói.

Tiền Hải (Thái Bình): Cần làm rõ hành vi có dấu hiệu giả mạo trong công tác - Ảnh 1

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Tiền Hải (Thái Bình)

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, Đoàn luật sư TP Hà Nội phân tích: Cần lãm rõ quy trình xếp ngạch lương của những nhân viên không phải là giáo viên nhưng được hưởng lương giáo viên. Nếu có việc làm sai lệch giấy tờ, hồ sơ hoặc làm giả giấy tờ cho hợp lệ để được xếp ngạch lương không đúng với vị trí công tác thì cần xử lý hành vi giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ Luật Hình sự năm 2015.

“Về động cơ phạm tội thì rõ ràng đây là động cơ vụ lợi với mức lương chênh lệch thêm 30% mức lương đáng lẽ họ được hưởng. Về bản chất thì hành vi giả mạo trong công tác cũng là một dạng tội phạm tham nhũng cần xử lý nghiêm để tránh gây thiệt hại cho nhà nước”, luật sư Hoàng nêu quan điểm.

Điều 359, Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội giả mạo trong công tác như sau: “(1) Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: (a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giây tờ, tài liệu; (b) Làm, cấp giấy tờ giả; (c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. (2) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm… (5) Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.