Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 04/2022 tại phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, nhiều kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình.
Các kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là ở các lĩnh vực Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện chỉ rõ, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng; một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc; một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết.
Về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng qua, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm, nội dung Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, định hướng và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên họp.
Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về dự kiến các nội dung được Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trong đó một số dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị tại các Kỳ họp trước. Một số chủ trương, dự án có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng… diễn ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người nông dân sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cho rằng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua đã góp phần mang lại nhiều thành quả chống dịch cho Việt Nam, tuy nhiên, cần nghiên cứu để hướng dẫn cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay 100% kiến nghị cử tri đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời.
Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp; việc nghiên cứu những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện được nhiều, việc theo dõi, đôn đốc đối với đơn thư đã chuyển chưa quyết liệt, nhất là đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân tại địa phương để định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội cho ý kiến.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo cáo cần bổ sung nhiều vấn đề nóng được dư luận, cử tri hết sức quan tâm, có tác động lâu dài và nặng nề với đời sống người dân như: vấn đề giá cả tăng cao, nhất là những nhóm mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân; các vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần; vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong khu vực sản xuất, tình trạng bất ổn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh các vấn đề về kinh tế, báo cáo công tác dân nguyện cần nắm bắt được tâm tư cử tri, dư luận quần chúng nhân dân trong các vấn đề về văn hóa, giáo dục như việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, việc mở cửa trường học, chương trình sách giáo khoa, việc thi tuyển sinh đại học….