Tp.HCM: Lý do dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng vẫn e dè mở cửa

Admin
Theo chỉ đạo của UBND Tp.HCM, dịch vụ ăn uống được mở cửa bán mang về trong điều kiện phòng chống dịch nhưng thực tế cho thấy, các hàng quán vẫn còn e dè mở cửa.

Chiều tối 10/9, UBND Tp.HCM tổ chức họp báo thường kỳ về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong nhóm câu hỏi về ngành công thương, vấn đề được quan tâm là các hàng quán dịch vụ ăn uống đang e dè mở cửa buôn bán sau khi có chủ trương cho phép của UBND Tp.HCM bằng công văn 2994 từ ngày 8/9.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM thừa nhận: “Qua thống kê cho thấy, tình hình mở lại các quán ăn, số lượng đúng là có thấp nhưng cũng có nhiều nguyên nhân”.

Thứ nhất, cách thức vận hành phải tuân thủ theo quy định của công văn 2994 tức là phải đảm bảo an toàn phòng dịch bằng cách biện pháp “3 tại chỗ”, xét nghiệm cho nhân viên và chỉ được bán mang về qua shipper. Trong khi đó, lực lượng shipper hiện nay chỉ hoạt động trong phạm vi 1 quận, huyện được quản lý.

Tiêu dùng & Dư luận - Tp.HCM: Lý do dịch vụ ăn uống được hoạt động nhưng vẫn e dè mở cửa

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.HCM.

Thứ hai, cách tiếp cận nguồn nguyên liệu cũng đã thay đổi. Trước đây, các hàng quán được nhà cung cấp giao hàng nhưng bây giờ phải đặt hàng qua trung gian vì các nhà cung cấp không có giấy đi đường.

Cuối cùng, khách hàng phải mua hàng qua shipper mà shipper chỉ được hoạt động trong 1 quận, huyện. Vì thế, các chủ hàng quán cũng cân nhắc rằng không thể có được số lượng khách hàng lớn như trước đây, khó đảm bảo lợi nhuận nên họ e dè mở cửa buôn bán trở lại.

Nói về thông tin báo chí phản ánh những ngày qua, các cơ sở ăn uống không mở cửa hoạt động vì thiếu nguyên liệu, đại diện Sở Công Thương Tp.HCM cho rằng, điều này là thiếu khách quan.

Số liệu thống kê từ cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh ăn uống và các quận, huyện cho biết, Tp.HCM có hơn 7.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Danh sách hộ kinh doanh cá thể về dịch vụ ăn uống do chính quyền cấp quận, huyện cấp phép lên đến hàng chục nghìn đơn vị.

“Việc tiếp cận thông tin từ vài nơi để nói về tình hình chung là chưa khách quan, chưa chính xác mà đó chỉ là hiện tượng nhỏ lẻ. Về nguyên liệu, nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống chủ yếu là tinh bột, thịt gia súc, gia cầm, trứng gia cầm, thủy hải sản và rau củ quả, còn lại là gia vị. Hiện nay, tất cả đều không thiếu hàng nên nói thiếu nguyên liệu là không đúng”, ông Phương chỉ ra.

Cùng trả lời về vấn đề này, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp.HCM cho biết: “Nguồn cung ứng hàng hóa không phải chỉ do shipper liên quận huyện mới đáp ứng được yêu cầu mà vấn đề này do việc điều phối cung ứng hàng hóa của từng địa phương”.

Shipper thường đáp ứng một số nhu cầu đặt hàng trực tuyến là chính, còn nguồn cung hàng hóa nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống phụ thuộc vào các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng.

Trên cơ sở thẩm định của chính quyền địa phương, các đơn vị thuộc Công an Tp.HCM sẽ phối hợp cấp giấy đi đường.

“Hiện nay, thông qua tổng hợp của các quận, huyện gửi lên thì Công an Tp.HCM chưa nhận được nội dung tham mưu liên quan đến việc cấp phép này. Có thể do văn bản mới nên đang trong quá trình thực hiện”, ông Hà thông tin.