Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Dần 2022, việc về quê ăn Tết giữa thời điểm dịch bệnh Covid - 19 diễn biến phức tạp như hiện nay đang là nỗi trăn trở của rất nhiều người. Một số địa phương đã gửi thư ngỏ, vận động người dân không về quê ăn Tết nếu không thực sự cần thiết. Cùng với đó là những quy định mới có phần khắt khe nhằm mục đích giúp các địa phương này kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Nỗi lòng của người con xa quê
Ngày 30/12/2021, TP Thanh Hóa đã gửi thư ngỏ khuyến cáo người dân không về dịp Tết để cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Anh Hoàng Quân - một người dân Thanh Hóa hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội cho rằng: “Lên thành phố chỉ để mưu sinh, tâm niệm bất cứ ai đều đau đáu hướng về quê hương. Cho dù phải cách ly 14 ngày thì tôi vẫn luôn mong muốn về quê vì ở lại thành phố đón Tết rất đơn độc. Tuy bây giờ có thể liên lạc với gia đình, bố mẹ ở quê qua facetime nhưng Tết là dịp đặc biệt, gia đình được sum họp nên không thể không về, trừ trường hợp Chính phủ có văn bản quy định cụ thể”
Khi mới đọc được thư ngỏ này, Trịnh Vũ Hồng Thúy - sinh viên đang học tập tại Hà Nội cho biết bản thân đã rất bất ngờ và lo lắng. “Cả năm mới có một cái Tết để về sum họp với gia đình, ai cũng khao khát và sẽ về quê thôi, trừ trường hợp đặc biệt như F0 hoặc quá khó khăn”, Hồng Thúy cho biết.
Cùng thời điểm, UBND xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La cũng có công văn yêu cầu lao động làm việc ngoại tỉnh có nhu cầu về quê, cần về trước ngày 10/1 (8 tháng Chạp), nhằm đảm bảo cách ly y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chị Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ: “Không chỉ bản thân mình mà hầu hết tất cả mọi người đều rất muốn được về quê ăn Tết. Những lời vận động, khuyến khích và quy định cách ly khiến mình cảm thấy tủi thân và bức xúc.”
Là một nhân viên văn phòng, việc xin phép nghỉ Tết sớm để về quê kịp cách ly đối với chị Tuyết dường như bất khả thi. Vấp phải nhiều ý kiến phản đối và trái với quy định của Chính phủ nên xã Chiềng Yên đã có văn bản điều chỉnh, bỏ yêu cầu người lao động về địa phương sớm. Tuy nhiên, chị Tuyết vẫn lo lắng vì từ giờ đến Tết có thể sẽ có thêm những quy định mới, khiến người lao động xa quê khó trở về nhà.
Không nên “ngăn sông cấm chợ”
Theo chuyên gia tâm lý, Th.s Nguyễn Văn Mạnh, Tết nguyên đán là dịp các gia đình đoàn tụ, đặc biệt các gia đình phải đi làm ăn xa, nên người xa quê rất mong mỏi đợi được đoàn tụ gia đình. Nếu không được gặp người thân trong dịp Tết, người xa quê sẽ cảm thấy cô đơn, cảm giác bị bỏ rơi và rất tủi thân, mất sự kết nối cộng đồng, mất sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau cả về vật chất và tinh thần.
Dù hiện nay có nhiều cách để người dân liên lạc và nhìn thấy nhau qua điện thoại nhưng việc này đôi khi là không đủ để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người xa quê. Việc không được đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần làm cho người xa quê nản chí, thậm chí là kiệt sức sau một thời gian dài xa nhà và phải đối diện với nhiều khó khăn.
"Bản thân dịch bệnh đã có tác động rất tiêu cực đến tâm lý người dân, đặc biệt là nhóm di cư, thu nhập thấp, gia đình đông con. Nếu không có sự chia sẻ từ gia đình thì sẽ làm tăng nguy cơ mất cân bằng về tâm lý, thể chất của mỗi cá nhân", ông Mạnh nhận định.
Mặc dù chỉ là khuyến khích không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết, không hoàn toàn cấm đoán, nhưng những văn bản này ít nhiều cũng gây ra sự bức xúc và khiến người dân cảm thấy không được thấu hiểu và hỗ trợ. Chuyên gia cho rằng: “Thay vì vận động người dân không về quê ăn Tết, chúng ta nên đặt ra vấn đề là “làm thế nào để người dân về quê ăn Tết an toàn”.
Về quy định của các địa phương, PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng: "Chúng ta thông cảm cho các địa phương về phòng chống dịch nhưng đã có những quy định đi lại giữa các địa phương, đi từ vùng dịch về. Trước khi có Nghị quyết 128, rất nhiều văn bản ban hành hạn chế đi lại, cách ly gây ra cắt cứ. Tôi cho rằng khi đã có văn bản cụ thể thì không nên có những văn bản khác gây khó hiểu".
Các địa phương nên tạo điều kiện để người dân về quê ăn Tết an toàn thay vì thực hiện các biện pháp “ngăn sống cấm chợ” vì tỉ lệ tiêm vắc-xin đã cao, chúng ta đã có kinh nghiệm phòng chống dịch.
“Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện, vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh. Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn”, TS. Trần Đắc Phu nhấn mạnh. Thậm chí, việc thực hiện test nhanh, độ chính xác không quá cao, nếu kết quả âm tính sẽ dẫn tới chủ quan trong phòng chống dịch và không thực hiện 5K.
Theo PGS. TS. Trần Đắc Phu, cơ quan chức năng không cần phải ban hành thêm các quy định về việc đi lại của người dân. Nếu có thì chỉ nên ban hành những khuyến cáo về việc tổ chức lễ hội, hạn chế tụ tập đông người. Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã đầy đủ và đảm bảo tính khoa học. Theo đó, các địa phương không chỉ đạo xét nghiệm, cách ly y tế đối với việc đi lại của người dân, chỉ thực hiện xét nghiệm và cách ly đối với người đi từ vùng dịch cấp độ 4, các vùng đang phong tỏa hoặc các trường hợp nghi ngờ, có chỉ định dịch tễ.
Tuy vậy, theo chuyên gia, tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Vậy nên, dù về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh, phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết, không tổ chức các hoạt động đông người, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom chỉ về để thờ cúng Tổ tiên,… vừa ăn tết vui vẻ, vừa an toàn trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.