Trước đó, vào khoảng 20h15 ngày 6/9, quán karaoke An Phú, bốc cháy. Đám cháy bùng phát tại tầng 2 và nhanh chóng lan rộng.
Sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Dương đã điều động khẩn 8 xe chữa cháy, 2 xe thang, một xe trạm bơm, một xe phương tiện, một xe chỉ huy và 70 cảnh sát cứu hỏa.
Cảnh sát đã cứu 22 người mắc kẹt trên sân thượng xuống đất an toàn. Đến khoảng 21h30 cùng ngày, cơ bản đám cháy đã được khống chế nhưng khói âm ỉ đến ngày hôm sau.
Đáng chú ý, tại hiện trường vụ cháy, chiều 7/9, lực lượng chức năng đã phát hiện thêm nhiều thi thể nằm trong nhà vệ sinh ở lầu 3, kế bên phòng VIP 305. Tính đến 20h30 ngày 8/9, tròn 24 tiếng sau khi quán karaoke bốc cháy, lực lượng chức năng đã tìm thấy 32 thi thể đưa về nhà xác và 1 nạn nhân tử vong tại bệnh viện do trước đó nhảy lầu xuống đất bị thương tích nặng. Như vậy, đã có 33 người thiệt mạng trong sự cố.
Lực lượng chức năng đục tường, chui vào phòng hát ở tầng 3 tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: An Huy/Zing.
Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với Zing, một chuyên gia từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) nhận định trong bối cảnh xảy ra hỏa hoạn, nhiều người thường có phản xạ chạy vào nhà vệ sinh với tâm lý “có nước làm mát” hoặc “đóng cửa tránh ngọn lửa lan tới”.
Hành động này được nhận định gây rủi ro rất lớn trong trường hợp người bị nạn mắc kẹt lâu trong đám cháy. Bởi không gian nhà vệ sinh thường được xây kín, ít không khí và không có lối thoát. Kể cả khi có quạt thông gió thì lúc xảy ra cháy cũng không có nguồn điện để quạt hoạt động.
Do đó, rủi ro thứ nhất là hết không khí để thở. Tiếp theo là khói độc hoặc hơi nóng sẽ lan tới. “Phần lớn nạn nhân thiệt mạng trong các vụ cháy là do hít phải khói độc dẫn tới ngạt thở, hoặc tổn thương phổi do hít phải luồng khí siêu nóng từ ngọn lửa”, vị này nói.
Với nhiều năm kinh nghiệm trực tiếp tham gia, chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), nhận định các quán karaoke thường được thiết kế dạng nhà ống với một lối ra vào là cửa chính của tòa nhà. Không gian bên trong quán kín để cách âm, ít lối thoáng, nhiều vật liệu trang trí dễ bắt lửa. Do vậy, khi xảy ra cháy, ngọn lửa thường lan nhanh, kéo theo hơi nóng khủng khiếp được om phía trong.
Đồng thời, nhà vệ sinh cũng được vị này nhận định là nơi không an toàn để trú ẩn khi xảy ra cháy. Nơi này kín, ngoài việc nạn nhân dễ bị ngạt, nó còn gây khuất tầm nhìn của lực lượng cứu nạn.
"Nguyên tắc khi tìm kiếm cứu nạn là không được để sót dù là góc nhỏ nhất. Tuy nhiên, trong vụ hỏa hoạn, tìm thấy nạn nhân sớm được từng giây, từng phút cũng là yếu tố sống còn", vị này khẳng định và cho biết việc chạy vào nhà vệ sinh khi cháy "không khác gì tự sát".
Theo thông tin trên Lao Động, để sống sót qua hỏa hoạn, các chuyên gia cho rằng việc ưu tiên hàng đầu là tìm nguồn dưỡng khí bằng cách nằm sát mặt đất hết mức có thể hoặc lấy khăn thấm nước, che kín miệng và mũi để có thể thở được trong khói.
Thay vì trốn vào phòng kín, nạn nhân nên ra ban công, nơi có nguồn không khí bên ngoài có thể cầm cự được lâu hơn.
Nếu không có ban công, phải tìm căn phòng có cửa sổ, đặc biệt là cửa sổ hướng ra đường. Song người mắc kẹt phải rất thận trọng với việc mở cửa sổ, bởi tay nắm cửa có thể rất nóng và hành động này có thể dẫn đến chênh lệch áp suất khiến khí độc tràn vào phòng.
Nếu có cơ hội thoát ra khỏi đám cháy, cần dùng khăn thấm nước che miệng, mũi và dùng chăn dày hoặc tấm vải lớn nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị bỏng trên cơ thể.