Đến hẹn lại lên, sau khi những bận rộn cuối cùng của một mùa vụ khép lại, bà con dân tộc Cống tại Điện Biên lại rộn ràng chào đón một năm mới. Tết Hoa vốn là Tết cổ truyền của dân tộc Cống. Đối với họ, mỗi dịp đón Tết Hoa được xem như thời khắc chuyển giao của đất trời.
Theo tục lệ, Tết Mền Loóng Phạt Ái (hay còn gọi là Tết Hoa mào gà, hoặc Tết Hoa), thường được đồng bào dân tộc Cống tổ chức vào khoảng cuối tháng Mười Một, đầu tháng Mười Hai Dương lịch. Đây là dịp cộng đồng người Cống quây quần bên mâm cơm ấm áp, hướng về cội nguồn, bày tỏ sự biết ơn đến tổ tiên, cùng tôn vinh bản sắc, nét đẹp truyền thống trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc mình.
Hằng năm, đồng bào người Cống cũng sẽ ăn Tết Nguyên đán để hòa cùng không khí của dân tộc, tuy nhiên, chỉ là hoạt động ăn uống, vui chơi chứ không làm lễ. Người Cống gọi một cách dân dã, đó là dịp “ăn Tết của Bác Hồ”.
Đến thăm bản Lả Chà (xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) đúng dịp đón Tết Hoa của người Cống, chúng tôi may mắn được hòa mình vào không khí rộn ràng nơi đây. Trước đây, Tết Hoa của người Cống thường kéo dài từ ba đến bốn ngày, đến nay chỉ tổ chức gói gọn trong hai ngày và một đêm, để người dân sớm trở lại lao động sản xuất theo nhịp sống đời thường, nhưng không vì thế mà kém vui hay mất đi ý nghĩa thiêng liêng vốn có.
Từ sáng sớm của ngày thứ nhất, khi trời còn chưa tỏ mặt người, những người phụ nữ trong bản đã lục tục rủ nhau đeo gùi đi dọc suối, leo ngược nương, để hái những nhánh hoa mào gà đẹp nhất, mang về làm lễ.
Từ sáng sớm, chị em phụ nữ đã rủ nhau lên nương rẫy, ra bờ suối hái hoa mào gà để chuẩn bị cho lễ hội.
Chiều hôm đó, mỗi gia đình sửa soạn một mâm lễ để cúng gia tiên, đồng thời, cắt cử người chọn lợn, gà để chuẩn bị cho lễ cúng bản. Lợn và gà trước khi làm lễ sẽ được thầy cúng (thầy mo) “làm lý” trước để báo cáo với thần linh và tổ tiên.
Để “cúng hồn” cho những người trong gia đình, người Cống đặt gạo và trứng vào trong một chiếc bát có cắm nến. Một chiếc bát kiểu này cũng được đặt vào chõ đồ xôi và được thầy mo đọc một bài khấn với ý nghĩa cầu mong hạnh phúc, ấm no. Thầy mo cũng sẽ “cúng hồn” cho cháu đích tôn, người được cho rằng sẽ kế tục việc thờ cúng sau này.
Ngồi chuốt những chiếc lạt tre để chuẩn bị trang trí trước hiên nhà, ông Chảo Văn Chém (một trong những bậc lão niên ở bản Lả Chà) gật gù chia sẻ: “Hằng năm, cứ đến Tết Hoa, họ hàng con cháu dù đang đi ngược về xuôi, bôn ba ở bất cứ đâu, cũng đều trở về nhà, quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Chỉ trừ những ai đang thực hiện nghĩa vụ, nhiệm vụ không thể xin nghỉ được, thì gia chủ khi làm lễ phải báo với tổ tiên để xin phép và cầu sức khỏe, bình an”.
Lễ cúng bản được diễn ra tại nhà thầy cúng.
“Theo tổ tiên truyền lại, nếu Tết Hoa chưa được tổ chức, thì chưa ai được phép đi phát nương, làm rẫy và vui chơi, ca hát. Đặc biệt hơn nữa, những sản vật thu hoạch được từ nương rẫy, nếu chưa tổ chức Tết Hoa, thì tuyệt nhiên cả gia đình cũng chưa được sử dụng, dù cho thóc lúa có đầy bồ, ngô khoai đầy nong, cũng không được phép ăn... Sau khi thu hoạch, cứ xếp gọn ở góc nhà, chờ cúng và báo cáo thành quả mùa màng năm nay với ông bà, tổ tiên thì con cháu mới được ăn” - ông Chảo Văn Chém vừa ướm những nhánh hoa mào gà sặc sỡ lên các thanh tre, vừa thủ thỉ.
Sáng sớm hôm sau, mỗi gia đình sẽ hoàn thiện nốt phần lễ tại nhà mình rồi cùng đến nhà thầy mo để dự lễ cúng bản.
Ông Lùng Văn Chanh (thầy mo tại bản Lả Chà) tranh thủ nhâm nhi tách trà trước khi chính thức bước vào nghi lễ: “Thầy mo như chúng tôi phải xem ngày kỹ lưỡng, chọn ngày lành, tháng tốt (tránh ngày mất, chôn cất của những người quá cố trong bản) trước đó cả tuần, cả tháng và cùng các bậc lão niên trong bản tất bật chuẩn bị lễ vật.
Thanh niên trai tráng trong bản cũng bắt đầu rèn luyện sức khỏe để thi đấu các trò chơi dân gian trong lễ hội; phụ nữ thì sửa soạn những bộ trang phục cho các thành viên trong gia đình mặc trong ngày Tết. Ðây cũng chính là dịp để người Cống chúng tôi gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc đến tổ tiên, thần linh”.
Theo đó, thầy mo sẽ thực hiện nghi lễ cúng bản với sự hỗ trợ của những bậc lão niên. Khi lễ vật đã dâng lên đầy đủ, đến giờ tốt, thầy mo đánh hồi chiêng báo hiệu lễ cúng Tết Hoa bắt đầu. Thầy mo thắp nhang và gọi thần thổ địa, tổ tiên, mẹ lúa về chứng kiến, thay mặt cho dân bản báo cáo tình hình mùa màng trong năm, cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh, thuận hòa… Làm lễ khấn xong, thầy mo nâng chén rượu đầu tiên chúc mọi người sức khỏe, may mắn, làm ăn phát đạt.
Không thể thiếu trong Tết Hoa của người Cống chính là sắc hoa mào gà rực rỡ, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt giữa núi rừng. Người dân trong bản cùng quây quần, kết những vòng hoa mào gà sặc sỡ và tạo những cây hoa mào gà từ những thân tre còn nguyên cành, không quên những câu chuyện tỉ tê được mang ra làm quà ngay trước thềm năm mới.
Hoa mào gà chính là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp; sắc đỏ, vàng của hoa như những giọt nắng ngọt ngào của mùa đông, thắp bừng nên không khí ấm áp khắp không gian lễ hội, bản làng... Theo quan niệm của người Cống, hoa mào gà còn được coi là cây cầu nối hai thế giới âm - dương, là con đường mà linh hồn tổ tiên đi từ thế giới thiêng về nơi thờ cúng, chính vì vậy, trước khi làm lễ, không ai được mang hoa mào gà lên trang trí trong những nếp nhà sàn. Chỉ khi nghi thức được bắt đầu, chủ lễ mới mang lễ vật cùng những nhánh hoa mào gà đẹp nhất lên nhà, đặt ở một góc ban thờ.
Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống không thể thiếu sắc hoa mào gà.
Sau thầy mo kết thúc buổi tế lễ, không khí rộn ràng, háo hức của phần hội trong Tết Hoa mới chính thức được mở màn. Người lớn, trẻ nhỏ cùng hòa mình vào những trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, đánh cù… ngay trên bãi đất trống gần nhà Trưởng bản, đôi khi, Trưởng bản còn tổ chức thi đấu để khích lệ tinh thần người chơi. Tiếng hò reo cổ vũ như “chạy đua” với từng nhịp hân hoan của ngày khởi đầu năm mới.
Hội thi những trò chơi dân gian vừa tìm được người chiến thắng, cũng là lúc dân bản lại trở về với những bữa ăn. Cả bản, mấy chục nếp nhà cùng soạn cỗ tập trung ở một địa điểm, sau đó cùng nhau thưởng thức. Ai nấy cùng đùm trong tay những bọc xôi nếp nương thơm lừng, nhanh chân như cô Tấm bây giờ mới được đi trẩy hội… Cảnh tượng ấy vẽ lên một bức tranh đầy ấm áp của một dân tộc có tính cộng đồng cao.
Trong không khí tưng bừng, náo nhiệt ấy, không thể không kể đến hình ảnh người dân cả bản cùng hân hoan trong điệu xòe, họ cùng hát những làn điệu dân ca truyền thống, họ cùng nhảy múa, hát ca theo nhịp trống, nhịp chiêng, và ném những hạt giống thóc, ngô ra khắp không gian xung quanh với mong ước, bản làng bước sang một năm mới vạn vật sẽ sinh sôi nảy nở như “cơn mưa” hạt giống này.
Những người phụ nữ trao cho người thân và niềm nở tặng cho du khách những vòng hoa mào gà rực rỡ được kết từ trước, kèm những lời chúc may mắn, bình an. Có cơ hội được trải nghiệm, khám phá nét bản sắc văn hóa của người Cống và cảm nhận tấm lòng hiếu khách của người dân bản địa, du khách chẳng mấy ai nỡ rời đi.
Chia sẻ về Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống, ông Nguyễn Ngọc Sơn (Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nậm Pồ) cho biết: “Do tác động của cơ chế thị trường, một số nét văn hóa của người dân tộc Cống đang dần bị mai một, nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, một số nghề thủ công truyền thống và phương tiện sinh hoạt hằng ngày bị thất truyền, ít người có khả năng chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc thành thạo và điêu luyện. Do vậy, trong những năm tới, tôi hy vọng, chính quyền địa phương đồng hành cùng bà con dân tộc Cống giữ gìn, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy giá trị tại cộng đồng, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Tết Mền Loóng Phạt Ái”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ phát động phong trào gieo hạt hoa mào gà tại bản Lả Chà, để những năm tới đây, khi bản làng hân hoan đón Tết, sắc hoa mào gà rực rỡ sẽ bao phủ khắp mọi ngóc ngách. Bà con cũng không cần cất công leo lên nương, lên rẫy để gùi hoa về nhà. Khi ấy, chỉ cần đặt chân đến đầu bản là đã có thể bắt gặp những nhánh hoa mào gà đẹp nhất, làm được như vậy thì quá tuyệt, bởi, trong văn hóa của người Cống, thấy hoa mào gà là thấy Tết”.
Hưởng ứng ý tưởng đó, trong Tết Hoa năm nay, bên cạnh những nghi lễ thiêng liêng, bên cạnh những phần hội rộn ràng, bà con trong bản ai cũng hào hứng lấy hạt hoa mào gà để gieo trong vườn nhà.
Giữa thời khắc thiêng liêng chuyển giao của đất trời, nhịp trống, nhịp chiêng, điệu xòe hoa rộn ràng như chắp cánh cho lời ca thêm bay bổng và ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng đến gần hơn. Một vài gốc hoa mào gà lưa thưa trước hiên những nếp nhà sàn mộc mạc như khẽ đung đưa, ra chiều cũng đang gật gù, thích thú và chờ đợi một cánh đồng hoa rực rỡ tại bản làng.
Tết Hoa là lễ hội cổ truyền đặc sắc, là hình thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời tiêu biểu đó được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chứa đựng những yếu tố văn hóa tích cực gắn với xã hội người Cống, phản ánh sinh động đời sống và bản sắc. Với ý nghĩa, giá trị văn hóa của Tết Hoa, hằng năm, đồng bào dân tộc Cống tại Điện Biên, hiện sinh sống trong 5 bản thuộc 3 xã: Pa Tần (huyện Nậm Pồ); Pa Thơm (huyện Ðiện Biên) và xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) vẫn duy trì, giữ gìn nét đẹp truyền thống này. Tháng 2/2019, Tết Hoa của đồng bào dân tộc Cống ở Ðiện Biên đã vinh dự được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Ðiện Biên.