Người nặng lòng với chiếc đèn kéo quân và trò chơi dân gian truyền thống

Admin
Trước vô vàn những loại đồ chơi ngoại nhập hiện đại, thú chơi đèn kéo quân mỗi mùa Trung Thu tưởng như đã vắng bóng. Ấy vậy, ở xã Cao Viên (Thanh Oai, Hà Nội), nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền nay bước sang tuổi “xưa nay hiếm” vẫn gắng sức giữ lại những món đồ chơi giản dị, đam mê đèn kéo quân và lan tỏa tình yêu trò chơi dân gian cho trẻ em.

Từ quốc lộ 21B, PV Người đưa tin Pháp luật tìm đường vào xóm Hòa Bình, thôn Đàn Viên, xã Cao Viên của huyện Thanh Oai, nơi hiện nay được cho là nơi duy nhất ở Hà Nội còn lưu truyền nghề làm đèn kéo quân. Đặc biệt, mỗi khi hỏi về thú chơi đèn kéo quân và các trò chơi dân gian truyền thống, ai nấy trong làng cũng chỉ đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (82 tuổi). Trong căn nhà nhỏ của nghệ nhân, không khó để bắt gặp những chiếc đèn kéo quân rực rỡ sắc màu.

Tuổi thơ gắn liền với đèn kéo quân

Xưa kia, đèn kéo quân là một món đồ chơi “hạng sang” với trẻ em, nhất là vào dịp Trung thu. Vừa say sưa làm đèn, ông Quyền vừa kể cho chúng tôi nghe về ký ức tuổi thơ gắn với những chiếc đèn kéo quân và trò chơi dân gian truyền thống.

Hồi còn bé, ông cùng bọn trẻ con trong làng tập trung xem các cụ làm đèn kéo quân mỗi dịp Tết Trung thu đến, ngồi xem thấy thích rồi ông cũng bắt chước làm theo. Ngày đó, Trung thu đối với ông và những đứa trẻ trong làng là những ngày ngồi vót tre, dán giấy pơ luya để làm đèn kéo quân. Khi những chiếc đèn được làm xong, ông cùng bọn trẻ háo hức đợi đêm trăng tròn để được đốt đèn, rồi rước đèn từ làng trên xuống xóm dưới. Tất cả cùng đi phá cỗ trăng rằm, tay cầm chiếc đèn lung linh xoay tròn, ngân nga những câu ca dao quanh xóm làng.

Ông Quyền tâm sự: “Hồi trước, trẻ con trong thôn, xóm hầu như đều biết tự làm đèn kéo quân để chơi Trung thu. Tôi cứ nhìn các cụ làm đèn rồi mình tự mày mò làm theo. Làm được cái đèn đầu tiên, tôi cảm thấy sướng lắm, khoe ầm ĩ cả làng”. Ông nghĩ mình thật may mắn khi có một tuổi thơ như thế.

“Làm đèn tỉ mỉ, chơi đèn cũng là nghệ thuật”

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Quyền vẫn mải mê vót từng nan tre, dán từng mảnh giấy để tạo ra những đèn kéo quân phục vụ các em nhỏ trong dịp Tết Trung thu. Để làm ra một chiếc đèn kéo quân phải trải qua các công đoạn như: chẻ tre, vót nan, dựng khung, dán giấy trang trí bên ngoài, làm tán quay theo cơ chế chong chóng... Theo ông Quyền, trong các bộ phận của đèn kéo quân, khó nhất là làm trục và tán, trục làm từ tre vót mảnh, vừa đủ nhẹ để quay được, vừa đủ cứng để treo hình không bị đổ.

“Đèn kéo quân Việt Nam dùng tre và những nguyên liệu dễ kiếm ở nông thôn để làm. Trước kia đèn được thắp bằng dầu lạc hoặc đốt nến, bây giờ cải tiến dùng điện hoặc pin nhưng đèn không đẹp và lung linh như dùng nến”, ông Quyền cho biết. Điều đặc biệt ở đèn kéo quân của ông Quyền là vừa có thể chạy bằng điện vừa chạy bằng nến.

Ông Quyền luôn tỉ mỉ với từng chiếc đèn kéo quân.

Làm ra một chiếc đèn tỉ mỉ là vậy, nhưng đèn kéo quân lại kén người chơi. Ông Quyền bộc bạch: “Không phải ai cũng thích chơi đèn kéo quân, phải là người ưa tĩnh lặng mới thưởng thức được vẻ đẹp lung linh, tinh xảo; cảm nhận được từng chuyển động xoay vòng của chiếc đèn như những thước phim mở ra trước mắt”.

Theo ông Quyền, chơi đèn kéo quân truyền thống cũng khá cầu kì, phải đặt nến và thắp nến ở đúng vị trí thì trục đèn mới quay và tạo ra hiệu ứng lung linh đẹp mắt với những hình thù ngộ nghĩnh xung quanh đèn.

Để hoàn thiện một chiếc đèn kéo quân đơn giản, nghệ nhân phải mất vài tiếng đồng hồ, có khi phải mất đến mấy ngày cho loại đèn có kích thước to và tinh xảo hơn. Mỗi chiếc đèn kéo quân có giá từ 100 - 150 nghìn đồng đến vài triệu đồng, tùy thuộc vào kích cỡ. Đèn kéo quân của ông Quyền chủ yếu làm cho các cơ sở văn hóa để bán cho khách du lịch, thi thoảng cũng có khách tìm đến nhà mua.

Đau đáu một đời gìn giữ trò chơi dân gian

Đèn kéo quân là niềm yêu thích, niềm đam mê từ thời thơ ấu của ông Quyền. Đồ chơi dân gian nói chung và đèn kéo quân nói riêng đã có giai đoạn gần như mai một. Ông kể: “Thời gian cơ chế thị trường bùng nổ, mọi người mải mê kiếm tiền, đồ chơi Trung Quốc tràn lan sang, không còn ai chơi đèn kéo quân nữa, tôi vẫn làm tự chơi một mình, sau này làm cho con cháu chơi”.

Chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với đồ chơi dân gian truyền thống mà nhiều năm nay vào dịp Trung thu, ông Quyền được các trường học, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ban quản lý phố cổ Hà Nội... mời đến hướng dẫn cách làm đèn kéo quân cho các em thiếu nhi, khách du lịch. Ngôi nhà nhỏ của ông cũng đã trở thành địa chỉ cho nhiều đoàn học sinh đến tìm hiểu, trải nghiệm, tự tay làm nên một chiếc đèn kéo quân truyền thống.

Ông Quyền chia sẻ: “Năm đầu tiên tôi hoạt động ở bảo tàng, cả một mùa trung thu không bán được đến 10 cái đèn. Nhưng những năm gần đây, nhân dân bắt đầu quay lại với trò chơi dân gian nên mỗi mùa cũng bán được mấy trăm cái. Đó là biểu hiện của trò chơi dân gian đang phục hồi dần”.

Bằng bàn tay khéo léo, ông Quyền đã làm ra những chiếc đèn kéo quân vô cùng đặc sắc.

Đây cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của ông vì con trẻ và người dân Việt Nam không quay lưng lại với đồ chơi dân gian truyền thống, cũng là động lực để ông tiếp tục giữ gìn và truyền lại niềm đam mê làm đèn kéo quân truyền thống.

Mỗi dịp Trung thu về, ông Quyền vẫn cần mẫn ngồi làm từng chiếc đèn kéo quân để lưu giữ một thú chơi dân gian, một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Cứ như vậy, những chiếc đèn kéo quân lại có cơ hội được lung linh trong đêm trăng rằm, cũng là kể lại những chuyện cũ, tích xưa và giáo dục nét văn hóa truyền thống dân tộc cho con trẻ.

Năm 2019, ông Nguyễn Văn Quyền vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong loại hình Tri thức dân gian thành phố Hà Nội. Đây là nguồn động viên để ông tiếp tục niềm đam mê đèn kéo quân để gìn giữ nét chơi dân gian truyền thống.

Chính vì lòng đam mê và nhiệt huyết với đồ chơi dân gian truyền thống, ông Quyền được trao tặng nhiều giấy khen và chứng nhận là nghệ nhân ưu tú.

So với những món đồ chơi náo nhiệt như trống, đầu lân, mặt nạ... hay những đèn lồng bằng nhựa màu mè bán trên thị trường, đèn kéo quân cần một không gian và cảm xúc để ngắm nhìn. Mỗi chiếc đèn chứa đựng tình cảm, tâm huyết của người nghệ nhân và mang trong nó bao giấc mơ ấu thơ trong trẻo của bao thế hệ trẻ em xưa.

“Làm đèn kéo quân không phải là nghề vì nghề này không kiếm sống được, gọi là chơi thì đúng hơn. Nói chính xác, đây là một thú chơi dân gian truyền thống mỗi dịp Tết Trung thu”, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền chia sẻ.