Bộ Công Thương: Nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 90% doanh nghiệp hoạt động lại

Admin
Hoạt động sản xuất kinh doanh ở nhiều địa phương đang thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Hoạt động kinh doanh tăng tốc cuối năm

Theo ghi nhận của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), tính đến ngày 18/11/2021, việc tiêm vắc-xin tại nhiều địa phương phía Nam được triển khai nhanh nên người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện trở lại hoạt động tăng nhiều.

Cụ thể, tại tỉnh Long An, trên địa bàn tỉnh ước tính có trên 91% doanh nghiệp đã hoạt động lại với khoảng 330.000 lao động (toàn tỉnh có 13.590 doanh nghiệp đăng ký thành lập). Số doanh nghiệp còn lại chưa hoạt động, bao gồm các doanh nghiệp chưa có đơn hàng và các doanh nghiệp ngành khách sạn, lữ hành, du lịch, các dịch vụ trò chơi trẻ em, hồ bơi,… do còn ngại dịch bệnh nên chưa hoạt động lại.

Tại tỉnh Bạc Liêu, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã triển khai hoạt động lại trên cơ sở tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; còn 19 doanh nghiệp ngưng hoạt động do chưa đủ điều kiện phòng chống dịch theo quy định để tổ chức sản xuất kinh doanh.

Tại tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh có 312 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp với tổng số 48.694 lao động. Trong đó, KCN An Nghiệp có 47 doanh nghiệp hoạt động với 22.000 lao động; ngoài khu công nghiệp có 265 doanh nghiệp hoạt động với 26.694 lao động.

Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng triển khai áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh, nhờ đó, hoạt động sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi, các doanh nghiệp trong KCN An nghiệp đã phục hồi sản xuất đạt 84% và các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đạt 54,4% công suất. Đến nay đã có 135 doanh nghiệp hoạt động với 33.034 lao động chiếm 67,8% lao động toàn ngành.

Kinh tế vĩ mô - Bộ Công Thương: Nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 90% doanh nghiệp hoạt động lại

Doanh nghiệp phía Nam hoạt động trở lại chủ yếu đến từ các khu công nghiệp (Ảnh: Hữu Thắng).

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện có 23 doanh nghiệp đang hoạt động. 20/23 doanh nghiệp hoạt động động sản xuất kinh doanh đã hoàn thiện kế hoạch và bản cam kết giữ vững an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để duy trì hoạt động sản xuất.

Tại tỉnh Đồng Tháp, tình hình phục hồi sản suất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc nhằm thích ứng nhanh với tình hình mới.

Từ ngày 1/10/2021 đến ngày 17/11/2021, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp khôi phục hoạt động tăng từ 191 doanh nghiệp lên 264/431 doanh (tăng 73 doanh nghiệp), đạt 66% so với kế hoạch đến cuối năm có 4 doanh nghiệp hoạt động, với lao động tăng từ 20.661 lên 46.365/54.116 lao động (tăng 25.704 lao động), đạt 103% so với kế hoạch đến cuối năm có 45.000 lao động làm việc.

Tại Cần Thơ, khoảng 85% doanh nghiệp sản xuất đã hoạt động trở lại. Còn 184 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch tái hoạt động sản xuất (tương đương 15,75%). Tổng số lao động hiện có là 78.710, trong đó số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp là 51.340, tương đương 65,23% lao động; Số lao động đang tạm nghỉ là 27.370 tương đương 34,77%.

Tại tỉnh Đồng Nai, trong KCN, lũy kế đến ngày 12/11/2021, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 1.685/1.705 (đạt tỉ lệ 99%) với tổng số lao động đang làm việc là 539.859/614.873 người (đạt tỉ lệ 88%). Số dự án vẫn đang tạm ngưng hoạt động là 20 dự án, tổng số lao động chưa làm việc là 75.014 người.

Kinh tế vĩ mô - Bộ Công Thương: Nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 90% doanh nghiệp hoạt động lại (Hình 2).

Lao động tại nhiều tỉnh đã bắt đầu quay trở lại làm việc.

Tại tỉnh Bến Tre, đến nay, toàn tỉnh có 3.841 doanh nghiệp đang hoạt động với 92.067 lao động (đạt tỉ lệ 89%/tổng số doanh nghiệp hoạt động), 46.072 hộ kinh doanh với 82.902 lao động (đạt tỉ lệ 93,1%/tổng số hộ kinh doanh hoạt động).

Theo báo cáo của tỉnh này các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trong tình hình mới. Doanh nghiệp ngành dừa sản xuất khoảng 50 - 60% công suất do nguyên liệu dừa trái đang vào mùa treo, sản lượng thấp, giá cao.

Doanh nghiệp thủy sản nguyên liệu ổn định. Tuy nhiên do nhu cầu thị trường giảm nên hiện sản xuất từ 30 - 40% công suất, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 80% kế hoạch năm.

Doanh nghiệp ngành may hoạt động ổn định trong tình hình mới, tuy nhiên chi phí hàng hóa đầu vào tăng từ 10-30% và đang bị thiếu hụt nguồn lao động, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 70% kế hoạch năm. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị, phát triển sản xuất kinh doanh đang được tập trung triển khai thực hiện.

Kiến nghị 6 khó khăn cần được tháo gỡ

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, nhìn chung, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian vừa qua đã phát huy hiệu quả rất lớn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Về cơ bản, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã kiểm soát tương đối hiệu quả tình hình diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành và triển khai Nghị quyết số 128, các doanh nghiệp đã dần mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.

Tác động tích cực nêu trên thể hiện ở việc hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 10/2021 đã có những dấu hiệu phục hồi khi chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 6,9% so với tháng trước. Đặc biệt, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da – giày, điện tử được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so với năm 2020 khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.

Kinh tế vĩ mô - Bộ Công Thương: Nhiều tỉnh phía Nam ghi nhận hơn 90% doanh nghiệp hoạt động lại (Hình 3).

Các hiệp hội kiến nghị cần tiếp tục triển các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ trong tình hình mới.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến khó lường, nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Hiệp hội ngành hàng, kiến nghị 6 đề xuất khó khăn cần được tháo gỡ.

Thứ nhất, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, đặc biệt là tại các địa phương trọng điểm về sản xuất, có tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp để nhanh chóng kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động duy trì và sớm triển khai bình thường trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 128.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành thêm các hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng dịch trong tình hình mới để các doanh nghiệp thống nhất và chủ động áp dụng.

Thứ tư, tăng tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác phòng dịch, trong đó có việc xem xét cho phép doanh nghiệp nhập khẩu bộ xét nghiệm và các vật tư, thiết bị khác để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nội bộ doanh nghiệp (không phục vụ mục đích thương mại), tự tiến hành xét nghiệm và chứng nhận kết quả xét nghiệm cho người lao động trong doanh nghiệp dưới sự giám sát của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Thứ năm, cần có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc, đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Nhà nước cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất.

Thứ sáu, cần tiếp tục bảo đảm triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ (như các hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giảm giá điện, hỗ trợ tín tụng, tiền tệ, hỗ trợ các chi phí an sinh xã hội, giảm các chi phí chống dịch, hỗ trợ tuyển dụng lao động…) nhằm giúp các doanh nghiệp từng bước khôi phục các nguồn lực về tài chính và lao động phục vụ cho sản xuất.