Bốc thăm để con được vào trường mầm non: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lợi Trần
Quy hoạch về giáo dục phải có tính dự báo, nơi nào còn phụ huynh chen lấn mua hồ sơ, bốc thăm suất học cho con thì cần xem lại trách nhiệm trong công tác quy hoạch.

Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để cho con được vào học mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội trong những ngày qua.

Theo đó, quy trình bốc thăm gồm 2 vòng, vòng 1 mỗi đợt gồm 5 phụ huynh xếp hàng bốc thăm lấy số thứ tự. Ở vòng 2, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Trên các phiếu đều có đóng dấu của Trường mầm non Hoàng Liệt.

Phiếu trúng tuyển sẽ ghi "chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường", ngược lại phiếu không trúng tuyển sẽ ghi "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".

Phiếu trúng tuyển sẽ ghi "chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường" (Ảnh VOV).

Bao giờ hết cảnh phải bốc thăm cho trẻ vào mầm non?

Như đã đưa tin, trong các ngày 27 và 28/8, Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ 3 tuổi, 4 tuổi đăng ký xin học tại cơ sở Linh Đàm, Tứ Kỳ năm học 2022-2023.

Theo đó, hơn 700 hồ sơ đăng ký tuyển sinh ở độ tuổi 3-4 thì chỉ có hơn 300 trẻ “trúng tuyển”, còn lại gần 400 trẻ “trượt” mầm non công lập.

Bà Trịnh Thị Thu Hương- Hiệu trưởng Trường mầm non Hoàng Liệt chia sẻ, nhà trường không mong muốn phải tổ chức bốc thăm, tuy nhiên đây là phương án tối ưu, vì số lượng hồ sơ nộp vào trường năm học này tăng đột biến. Với tổng chỉ tiêu 3 lứa tuổi (3, 4, 5 tuổi) là 459 chỉ tiêu, tuy nhiên có tổng cộng 939 hồ sơ nộp vào trường.

Đây là số lượng lớn chưa từng có, trở thành khó khăn, thách thức với nhà trường. Qua rà soát cơ sở vật chất và nhân sự thì hiện không còn dư phòng học nào, nhân sự cũng thiếu nhiều nên với số học sinh nộp hồ sơ nhiều như vậy là quá khả năng đáp ứng của trường.

Hơn 700 hồ sơ đăng ký tuyển sinh ở độ tuổi 3-4 thì chỉ có hơn 300 trẻ “trúng tuyển”.

Lãnh đạo quận Hoàng Mai đã phải nhiều lần tổ chức họp bàn giải pháp và lựa chọn phương án bốc thăm để đảm bảo công bằng. Đối với hệ mầm non, buổi bốc thăm được tổ chức tại UBND phường Hoàng Liệt vào 2 ngày 27 và 28/8 với quy trình 2 vòng dưới sự giám sát của cha mẹ học sinh, bí thư các tổ dân phố, công an, Phòng GD&ĐT, UBND phường Hoàng Liệt, các cơ quan báo chí.

Theo tìm hiểu, tại các buổi bốc thăm, nhiều người dân phường Hoàng Liệt đã thẳng thắn trao đổi các băn khoăn, trăn trở suy nghĩ của mình khi bất đắc dĩ phải tham gia bốc thăm. Nhiều người đã phản ánh những khó khăn của phụ huynh khi cho con theo học các trường ngoài công lập, nhất là với những gia đình kinh tế khó khăn.

Tiếp xúc với các phụ huynh có nguyện vọng cho con vào học trường công lập, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho hay: Quận vừa đầu tư xây mới trường Mầm non Hoàng Liệt nhưng với tốc độ dân số tăng nhanh, vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Trong khi chờ tiếp tục đầu tư xây mới, quận yêu cầu UBND phường Hoàng Liệt tuyên truyền để người dân chia sẻ những khó khăn của chính quyền. Đối với công tác bốc thăm cần được tiến hành công khai, minh bạch dưới sự giám sát của các tổ chức đoàn thể, báo chí và chính người dân.

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm biểu dương trường mầm non Hoàng Liệt đã chủ động "3 công khai": Đối tượng tuyển sinh, thời gian, chỉ tiêu tuyển sinh và quy trình bốc thăm bảo đảm công khai, minh bạch để người dân giám sát.

Bà Trương Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết, mỗi năm số lượng trẻ mầm non tăng khoảng 2.000. Tuy nhiên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chỉ có thể đáp ứng nhu cầu học tập cho gần 20% trẻ, còn lại 82% trong phường phải theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Như vậy, cứ 5 cháu thì chỉ 1 cháu có cơ hội được học công lập, 4 cháu còn lại ở nhà hoặc học trường tư. Điều này cho thấy việc lo cho con “có suất” vào học công lập căng thẳng như thế nào.

Quy hoạch về giáo dục phải có tính dự báo

Trao đổi với báo chí, TS. luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh quyền sống thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Điều 39 (Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013) quy định: "Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập".

Hơn 700 hồ sơ đăng ký tuyển sinh ở độ tuổi 3-4 thì chỉ có hơn 300 trẻ “trúng tuyển”.

Như vậy, học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật cũng có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Điều 14 (Luật Giáo dục 2019) quy định: "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc".

Trong những năm qua hoạt động giáo dục ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngoài hệ thống giáo dục công dân, do nhà nước đầu tư và quản lý thì giáo dục ngoài công lập, giáo dục tư cũng ngày càng phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu học tập của công dân.

Nhiều người cho rằng, nếu không có cơ hội học trường công lập thì có thể cho con học trường tư thục. Có thể đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục.

"Nếu phải nộp học phí cao để học trường tư thục thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, tâm lý và có thể là còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, nhiều phụ huynh luôn tìm mọi cách để cho con vào trường công lập. Thậm chí có những người còn chấp nhận chi phí không chính thức, chấp nhận đưa con đi xa hơn để được học trường công lập nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Chính vì vậy khát khao cho con vào trường công ở nhiều thành phố lớn là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh", luật sư Cường chia sẻ.

Cũng theo TS.Đặng Văn Cường, khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục; Nhà nước tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, sự phát triển giáo dục, quy hoạch giáo dục phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mật độ dân cư và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia. Bởi vậy, quy hoạch về giáo dục sẽ phải có tính dự báo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở phát triển nhà ở, đô thị hóa ở mỗi khu vực, mỗi địa phương.

"Nếu địa phương nào để thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục của địa phương. Chính những quy định về việc trẻ em có hộ khẩu ở đâu thì phải học ở đó cũng là quy định bất cập dẫn đến khó khăn cho việc cơ hội học tập của trẻ em khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay", luật sư nêu quan điểm.

Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau. Đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương.

Được biết, UBND Tp.Hà Nội đã giao 517.143m2 đất tại phường Hoàng Liệt cho đơn vị đầu tư để xây dựng trường học, phục vụ cho nhu cầu học tập của hơn 80 ngàn dân nơi đây. Đến nay, vì rất nhiều lý do khác nhau, các nhà đầu tư thứ cấp vẫn chưa tiến hành xây dựng khiến cho tình trạng thiếu trường đang diễn ra trầm trọng tại địa bàn phường Hoàng Liệt. Hiện chỉ 20% trẻ em mầm non phường Hoàng Liệt được theo học trường công lập.