Gia Lai: Phụ huynh phản ứng vì tiền học mầm non hơn 2,7 triệu đồng

Admin
Một trường mầm non tại huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai tổ chức thu nhiều khoản tiền mà không thỏa thuận với phụ huynh và chưa được chính quyền cho phép.

Thu tiền khi chưa được cho phép

Sau khi nhận được thông báo thu tiền, nhiều phụ huynh của trường mầm non Họa Mi tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã bày tỏ bức xúc. Các phụ huynh cho rằng, những khoản thu đầu năm do nhà trường đưa ra rất vô lý. Trong đó, có nhiều khoản tiền như tiền đồ dùng bán trú, chất đốt, mắc màn, tiền quạt...

“Nhiều lần họp phụ huynh, chúng tôi cũng đề cập vấn đề này nhưng phía nhà trường không thay đổi, vẫn bắt đóng tiền”, phụ huynh K.N cho biết.

Rất nhiều khoản thu phí giống nhau về bản chất như tiền đồ dùng bán trú, đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập, đồ chơi...Chưa kể, có vài khoản tiền “xa lạ” như chất đốt, mắc màn, mua quạt, tiền phụ phí,…mặc dù đã có tiền xã hội hóa là 370 nghìn đồng.

Hay còn khoản tiền ủng hộ 1 ngày công của phụ huynh, trong danh sách để trống nhưng giáo viên nói rõ là 150 nghìn đồng.

Trường mầm non Họa Mi đang thu nhiều khoản tiền nhưng chưa thỏa thuận, trao đổi với phụ huynh.

Người này còn so sánh, trường mầm non Hoa Pơ Lang cũng ở huyện Đức Cơ là trường đạt chuẩn quốc gia cũng chỉ thu phí đầu năm học 800 nghìn đồng. Trong khi trường Họa Mi đưa ra mức thu là hơn 2,7 triệu đồng.

Được biết, cuộc họp giữa phụ huynh và nhà trường trước đó chỉ thống nhất 7 khoản tiền xã hội hóa. Nhưng đến khi tổ chức thực hiện thì danh sách đã lên đến 15 khoảng thu, tức trên 2,7 triệu đồng.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, lãnh đạo UBND thị trấn Chư Ty xác nhận, chính quyền địa phương chưa có văn bản nào đồng ý với tờ trình xin chủ trương xã hội hóa và thu chi phục vụ bán trú cho học sinh mầm non năm học 2020-2021 của trường mầm non Họa Mi.

Sẽ nhanh chóng kiểm tra nhà trường

Lý giải về các khoản thu tăng cao, bà Bùi Thị Chung, Hiệu trưởng trường mầm non Họa Mi cho hay: “Cả trường có hơn 400 cháu. Năm ngoái trường chỉ có biên chế 10 giáo viên, còn năm nay tăng lên 17 người để đảm bảo 1 lớp có 2 cô giáo dạy học”.

Còn đối với nhiều khoản thu, bà Chung giải thích rằng “có nhiều khoản phụ huynh giữ, nhà trường chỉ thu giúp và khi triển khai thu, các cô giáo gộp chung vào cho dễ”.

Về việc phụ huynh không được lấy ý kiến về các khoản thu phí, bà Chung phủ nhận và nói rằng “chỉ có những phụ huynh không đi họp nên không biết”. Đồng thời, vị Hiệu trưỡng đảm bảo “nếu phụ huynh không đồng ý thì nhà trường sẽ không bao giờ thu”.

Tờ trình xin phép chủ trương xã hội hóa, thu chi phục vụ bán trú của trường mầm non Họa Mi chưa được UBND thị trấn Chư Ty phê duyệt.

Trước những phản ứng của phụ huynh, ông Võ Công Dương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đức Cơ thông báo, sẽ tiến hành kiểm tra lại các khoản thu tại trường Họa Mi. Bởi lẽ, thực hiện chủ trương xã hội hóa nhưng phải tuân thủ các quy định của ngành giáo dục.

“Không phải là lập danh sách đóng góp, mà là vận động các tổ chức, cá nhân bàn bạc thống nhất, hỗ trợ, xây dựng nhà trường. Xã hội hóa là phải trên nhu cầu của phụ huynh, sau đó thống nhất với nhà trường và phải được chính quyền địa phương xem xét”, ông Dương nói.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Huệ, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai nhận thấy: “Mức thu đầu năm đối với mỗi học sinh mầm non từ 2,7 đến 3 triệu đồng là tương đối cao so với mặt bằng ở tỉnh Gia Lai.

Việc trường mầm non Họa Mi chưa có văn bản của UBND thị trấn Chư Ty mà đã tiến hành thu các khoản tiền này cũng chưa đúng với nguyên tắc xã hội hóa”.