Theo quan niệm dân gian, 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời. Vào ngày này, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Táo về trời với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng. Những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nắm rõ phong tục cúng lễ truyền thống. Dưới đây là 6 lưu ý trong việc cúng ông Công ông Táo mà nhiều người chưa biết:
Những món kiêng dâng cúng
Tùy thuộc vào điều kiện mà mỗi gia đình có thể làm mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo là lễ chay hay lễ mặn. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn truyền thống.
Tuy nhiên, nếu làm lễ mặn thì có một số loại thịt cần kiêng không đem cúng như các món thịt vịt, chim, ngỗng, trâu, dê, chó...
Đặt mâm lễ cúng dưới bếp
Nhiều người quan niệm ông Công là vị thần cai quản đất đai nên sẽ được cúng trên bàn thờ chính cùng với gia tiên, còn ông Táo là 3 vị đầu rau trông coi việc bếp núc trong gia đình nên phải được cúng dưới bếp.
Tuy nhiên theo các chuyên gia tâm linh, dù ông Công, ông Táo là các vị thần khác nhau nhưng vào ngày 23 tháng Chạp tất cả các vị này đều phải được thờ phụng ở trên bàn thờ chính của gia chủ.
Trên bàn thờ luôn có 3 bát hương và bát hương chính giữa bao giờ cũng đều dành để thờ các vị thổ công, long mạch, táo quân, tiền chủ những vị cai quản mảnh đất mình cư ngụ. Hai bát 2 bên mới là thờ các vị trong gia tiên, tiền tổ.
Hơn nữa bàn thờ chính là nơi trang trọng nhất trong nhà, đặt mâm lễ cúng ở đây mới thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh. Trong khi đó, bếp là nơi đun nấu, chế biến thực phẩm nên thường bị coi là nhếch nhác, uế tạp, nếu cúng lễ ở đây sẽ là thiếu trang trọng.
Cúng lễ sau buổi trưa ngày 23 tháng Chạp
Theo tín ngưỡng dân gian, 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo đã bay về chầu Ngọc Hoàng. Vì thế, việc cúng lễ cần tiến hành trước thời điểm này. Các gia đình có thể lựa chọn thời gian phù hợp để làm lễ cúng trong khoảng từ ngày 21 tháng Chạp đến trước 12h ngày 23 tháng Chạp.
Người trực tiếp thực hiện nghi lễ phải giữ thân thanh sạch. Khi hành lễ ăn mặc chỉn chu, gọn gàng, kín đáo không mặc hở hang như diện quần đùi, áo ba lỗ, váy ngắn…
Trong lúc khấn phải giữ tâm thái hoan hỉ vui vẻ để tạo ra năng lượng tích cực trong thờ cúng và tâm linh.
Cầu xin tài lộc
Lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo những việc trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế, việc cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên là không phù hợp, không nên phát tâm cầu khấn những điều này. Gia chủ chỉ nên xin Táo quân bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay.
Thả cá chép từ trên cao
Phong tục thả cá chép không chỉ được cho là phương tiện giúp ông Công ông Táo lên chầu trời mà xét dưới góc độ Phật giáo, phóng sinh cá chép thể hiện sự từ bi cũng như truyền thống nhân đạo của nhân dân ta. Bên cạnh đó việc thả cá chép còn giúp bảo vệ môi trường, góp phần làm đa dạng sinh học ở những khu vực cá được thả.
Tuy nhiên, sau khi cúng lễ nhiều người có thói quen thả cá từ trên cao như đứng trên cầu, bờ xa ném cá, thậm chí ném cả túi nilon và cá xuống nước. Điều này vừa làm mất đi ý nghĩa tâm linh vừa gây hại môi trường. Thay vào đó bạn nên chọn một địa điểm mép nước ở sông, hồ, khi thả cá nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc có thể đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước, đặc biệt không ném cả túi nilon xuống nước.
Đốt quá nhiều vàng mã
Trong dịp này, nhiều gia đình sẵn sàng chi hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt với quan niệm dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường.