Độc đáo phong tục đón Tết Nguyên đán của đồng bào các dân tộc Việt Nam

Admin
Gọi trâu về ăn Tết, xem bói gan lợn, đi ăn trộm lấy may… là một số phong tục đón Tết Nguyên đán độc đáo của đồng bào các dân tộc Việt Nam.

Người H'Mông có tục vỗ mông

Trong những ngày xuân, trai gái ở các bản làng nô nức rủ nhau đi chơi Tết. Họ tụ tập ở bãi đất trống, dưới chân đồi để tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, thổi khèn hay hát giao duyên.

Nếu người con trai thích người con gái nào đó, họ sẽ vỗ mông cô gái ấy. Nếu như cũng phải lòng chàng trai, cô gái sẽ vỗ mông chàng trai để đáp trả. Chỉ cần 2 bên vỗ qua lại 9 lần tức là đã nên duyên và kết thành cặp đôi.

Đây là một nét văn hóa đẹp, là sợi dây kết nối yêu thương và cũng là thứ tình cảm, lời tỏ tình độc đáo có một không hai. Các thế hệ trai gái người H'Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang) đã chọn bạn đời cho mình theo cách đơn giản nhưng lạ kỳ như vậy.

doc dao phong tuc don tet nguyen dan cua cac dan toc viet nam

Người con trai H'Mông thích người con gái nào thì sẽ vỗ vào mông cô gái. Ảnh minh họa: VTC News

Ngoài ra, lễ hội Sải Sán hay Gầu Tào (hội cầu phúc) trong ngày Tết là lễ hội lớn nhất trong năm và thể hiện nét văn hóa đặc trưng không thể thiếu của người H'Mông. Có rất nhiều hoạt động văn hóa trong lễ hội này như ném pao, múa ô, hát ống…

Người Mường gọi trâu về ăn Tết

Trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài những phong tục cổ truyền như gói bánh trưng, thờ cúng tổ tiên, người Mường còn có những nét khác biệt, mang đậm bản sắc riêng.

Cụ thể, cách Tết vài ngày, người Mường ở Hoà Bình chuẩn bị sẵn mõ để qua giao thừa đốt đuốc đi gọi vía trâu. Họ tin rằng đây là cách trả ơn vật nuôi trung thành đã vất vả giúp chủ cày cấy.

Bên cạnh đó, họ cũng treo bánh ống lên các dụng cụ sản xuất như cày, bừa, đòn gánh để mời "những người bạn đồng hành" này về ăn Tết với gia đình vì đã có công giúp chủ trong công việc đồng áng, làm ra lúa gạo trong suốt một năm qua. Theo quan niệm của họ, con trâu hay cái cày cũng cần được nghỉ Tết sau một năm vất vả trên đồng ruộng.

Người Lô Lô đi ăn trộm lấy may

Người dân tộc Lô Lô ở Hà Giang quan niệm, vào thời điểm đón năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì sẽ gặp nhiều may mắn, ăn nên làm ra. Vì thế, họ đi lấy trộm cầu may nhưng không lấy nhiều hoặc lấy những vật có giá trị.

Người Lô Lô sống ở huyện Đồng Văn thường sẽ lấy trộm mỗi thứ 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong năm. Trong khi đó, người Lô Lô ở Mèo Vạc có thể lấy trộm 3 củ tỏi, 3 lá rau vì với họ, số 3 là con số may mắn. Điều thú vị là khi đi lấy trộm vào đêm giao thừa, họ sẽ không rủ nhau mà lặng lẽ không để chủ nhà bắt được.

doc dao phong tuc don tet nguyen dan cua cac dan toc viet nam2

Người Lô Lô có phong tục đánh thức gia súc cùng đón Tết và ăn trộm lấy may. Ảnh minh họa: Expedia.com

Bên cạnh đó, người Lô Lô còn có phong tục đánh thức gia súc cùng đón Tết. Khi năm mới đến, vào thời khắc tiếng gà gáy đầu tiên vang lên trong bản, người Lô Lô sẽ đánh thức toàn bộ gia súc trong nhà để đón năm mới cùng cả gia đình.

Họ cũng làm một lễ cúng tại nhà để cầu chúc cho năm mới. Đàn ông sẽ được cúng bằng gà trống còn phụ nữ sẽ được cúng bằng gà mái. Một điều đặc biệt nữa trong dịp Tết của người Lô Lô là các nông cụ sẽ được sơn màu đỏ hoặc vàng và mọi người sẽ không được đụng vào chúng trong suốt 3 ngày Tết.

Người Thái gọi hồn vào dịp Tết

Gọi hồn là tục lệ không thể thiếu, cũng là nét đặc trưng của người dân tộc Thái trong dịp Tết. Vào tối ngày 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.

Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong gia đình, bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng và gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang của gia đình này gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.

Người Pà Thẻn thờ bát nước lã

Thờ bát nước lã là một phong tục đón Tết Nguyên đán độc đáo của người dân tộc Pà Thẻn. Bát nước lã sẽ đặt trên bàn thờ trong mỗi gia đình và không bao giờ được phép để nước trong bát cạn đi.

doc dao phong tuc don tet nguyen dan cua cac dan toc viet nam3

Thờ bát nước lã là một phong tục đón Tết Nguyên đán độc đáo của người dân tộc Pà Thẻn. Ảnh minh họa: Pose.vn

Vào đêm giao thừa, người Pà Thẻn sẽ đóng cửa, cài then và bịt toàn bộ các lỗ thông khí ở trong nhà. Tiếp đó, chủ nhà kín đáo hạ bát nước xuống và lau chùi cẩn thận, rồi cho thêm nước mới để đón một mùa xuân mới.

Công việc này cần được thực hiện kín đào vì người Pà Thẻn quan niệm nếu ai đó ngoài nhà nhìn thấy bát nước linh thiêng đang được lau chùi hay thay nước mới thì gia đình đó sẽ gặp nhiều xui xẻo trong năm mới.

Người Dao Đỏ cũng ăn trộm cầu may

Người Dao Đỏ có tục lệ ăn trộm cầu may để chào đón năm mới. Vào đêm Rằm tháng Giêng, người Dao Đỏ sẽ tập trung lại thành từng nhóm để rủ nhau đi ăn trộm. Tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai, cán bộ hay người dân đều tham gia vào phong tục đặc biệt này.

Những thứ bị trộm thường lá trứng, cọng ành, búi tỏi, thịt trâu gác bếp, rượu hay một mới rau rừng. Theo phong tục đón Tết Nguyên Đán của người Dao Đỏ, ai trộm được càng nhiều thì năm đó sẽ càng gặp may mắn.

Nếu không may bị chủ nhà phát hiện, người đi trộm sẽ bị phạt uống một bát rượu. Sau khi tàn cuộc, người trộm sẽ mang đồ trộm được về trả cho chủ nhà và chờ được nhận thưởng.

Người Hà Nhì xem bói gan lợn

Dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc đón Tết sớm hơn so với lịch chung của Tết cổ truyền Việt Nam. Họ không có ngày ăn Tết cụ thể như nhiều dân tộc khác, những vị già làng, trưởng bản sẽ cùng bàn bạc và thống nhất lựa chọn ngày ăn Tết cụ thể cho dân làng.

Trong ngày Tết của người Hà Nhì, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có. Dù giàu hay nghèo, vào ngày Tết, tất cả mọi gia đình đều mổ lợn đón năm mới. Đây là những con lợn đực, được thiến từ đầu năm để vỗ béo do các hộ gia đình tự nuôi lấy. Nhà có điều kiện mổ lợn từ 60-100kg, thậm chí là 150kg, nhà khó khăn cũng mổ lợn 40-50kg.

doc dao phong tuc don tet nguyen dan cua cac dan toc viet nam1

Theo quan niệm của người Hà Nhì, nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. Ảnh minh họa: VTC News

Khi mổ lợn ăn Tết, lá gan là thứ đặc biệt quan trọng. Người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn, nếu thấy lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn căng đầy thì năm đó chăn nuôi phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. Ngoài tục xem bói gan lợn, người Hà Nhì còn phải chuẩn bị những chiếc bánh riêng để tiến hành cúng bái tổ tiên.

Người Pu Péo hò nhau "cướp giọng gà”

Một phong tục đón Tết độc đáo của người Pu Péo ở Hà Giang là “Cướp giọng gà”. Khi đến thời khắc giao thừa, người Pu Péo phải canh chừng mấy chú gà trống, khi gà vỗ cánh, chuẩn bị gáy, họ đốt ngay một quả pháo, ném vào chuồng gà. Lũ gà giật mình, nhảy lên thi nhau gáy. Ngay lập tức, mọi người hò nhau hát vang trời để át tiếng gà gáy.

Theo quan niệm của người Pu Péo, tiếng gà gáy vừa hay, vừa thiêng liêng, đánh thức cả ông mặt trời dậy, do đó ai át được tiếng gà thì sang năm mới sẽ hát hay, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Người Tày với tục lấy nước mới

Sang ngày mùng 1, vào thời điểm từ 3h trở đi, người Tày có phong tục lấy nước mới. Theo quan niệm của họ, nước đầu năm rất sạch, nhất là nước suối, nước nguồn, nước sông, ai lấy trước sẽ được nước sạch hơn. Do vậy, các thanh niên trong gia đình thi nhau chạy nhanh để lấy nước mới về nhà.

Bắt đầu từ mùng 2, bà con đi chúc Tết nhau, các chàng rể dẫn vợ con về thăm nhà ngoại, mang theo đồ lễ bánh trái và gà trống thiến béo để tỏ lòng thành với công lao dưỡng dục của cha mẹ.

Ngoài ra, các chàng trai, cô gái trong làng cũng tổ chức chơi các trò chơi như đánh yến, đánh quay, cờ tướng, hát dân ca giao duyên…