Tính điện theo đề xuất mới ra sao?
Bộ Công Thương vừa chính thức lấy ý kiến dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Hiện tại, số bậc tính giá điện đang được sử dụng là 6 bậc, gồm: 0 - 50 kWh, 51 - 100 kWh, 101 - 200 kWh, 201 - 300 kWh, 301 - 400 kWh, từ 401 kWh trở lên). Với cách tính này, bậc 1 và bậc 2 được bán dưới giá bán lẻ điện bình quân tương ứng 92% và 95%. Các bậc từ 3 đến 6 được tính giá lần lượt bằng 110%, 138%, 154%, 159% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Nhược điểm của cách tính này là chỉ cần tăng công suất sử dụng từ 300 lên 500 kWh mỗi tháng, người sử dụng sẽ phải chịu mức giá cao hơn bình thường. Và chỉ cần sử dụng vượt 401 kWh mỗi tháng, khách hàng phải chịu mức giá điện khung cao nhất.
Bộ Công Thương chính thức đề xuất giá bán lẻ điện một giá bên cạnh biểu giá điện 5 bậc thang.
Dự thảo lần này, bộ Công Thương đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến. Trong 2 phương án này, đối với phương án 1, bộ Công Thương rút ngắn từ 6 bậc thang đang áp dụng hiện nay xuống còn 5 bậc. Đối với phương án 2, Bộ đưa ra phương án 2A và 2B, trong đó cho phép người dân lựa chọn điện một giá thay vì bậc thang lũy tiến.
Thứ nhất, phương án 1 có 5 bậc được đề xuất: Dưới 100 kWh (bậc 1), 101 - 200 kWh (bậc 2), 201 - 400 kWh (bậc 3), 401 - 700 kWh (bậc 4) và từ 701 kWh trở lên (bậc 5). 5 bậc này tương ứng với các mức giá 90% (1.677,9 đồng/kWh), 108% (2.013,5 đồng/kWh), 141% (2.628,86 đồng/kWh), 160% (2.983,1 đồng/kWh) và 168% (3.132,1 đồng/kWh) so với giá bán lẻ điện bình quân hiện tại là 1.864,44 đồng/kWh.
Phương án 1: Biểu giá điện bậc thang 5 bậc theo phương án mới của bộ Công Thương.
Như vậy, với phương án này, chỉ có bậc 1 được tính giá dưới mức bình quân, các bậc còn lại bán giá cao hơn hiện tại.
Ví dụ, nếu một hộ gia đình sử dụng 400 kWh thì sẽ phải trả số tiền 894.296 đồng. Trong khi so với phương án 6 bậc như hiện hành, sẽ phải trả 909.000 đồng. Như vậy, biểu giá mới giúp tiết kiệm khoảng 14.000 đồng/tháng.
Như vậy, dù có cải tiến biểu giá điện, cách tính mới theo phương án 1 cũng được thiết kế tương đồng so với cách tính hiện tại, số tiền phải trả sẽ không chênh lệch giữa 2 cách. Ngoài ra, theo phương án 1, người tiêu dùng không được lựa chọn điện một giá.
Bảng so sánh sự chênh lệch về số tiền phải trả khi dùng bậc thang hiện hành, bậc thang mới và điện một giá (chưa bao gồm 10% VAT).
Điện một giá có thực sự rẻ?
Xây dựng phương án 2, bộ Công Thương đưa ra phương án 2A và 2B, trong đó cho phép người dân lựa chọn điện một giá thay vì bậc thang lũy tiến. Trong 2 phương án này, dự thảo cũng đưa ra mức giá điện một giá khác nhau.
Cụ thể, trong phương án 2A, 5 bậc giá cũng được đưa ra tương tự cách chia như phương án 1 nhưng giá bán thay đổi. Cụ thể, bậc 1 là 90%; bậc 2 là 108%; bậc 3 là 141%, bậc 4 là 160% và bậc 5 nâng lên 274% (ứng với mức giá 5.108,5 đồng/kWh) so với giá bán lẻ điện bình quân. Ở kịch bản này, nếu người tiêu dùng không chọn tính theo bậc thang thì có thể chọn sử dụng điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân, tương ứng 2.703,43 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT).
Phương án 2A.
Giả sử, một gia đình sử dụng 400 kWh, giá điện lũy tiến 5 bậc thang vẫn là 894.296 đồng. Tuy nhiên, nếu sử dụng cách tính điện một giá số tiền điện sẽ lên tới 1.081.200 đồng. Như vậy, nếu dùng biểu giá bậc thang sẽ tiết kiệm được 186.904 đồng so với điện một giá.
Ví dụ khác với một hộ gia đình sử dụng điện một tháng là 90 kWh, số tiền theo cách tính điện một giá sẽ phải trả là 243.308 đồng, trong khi điện bậc thang là 151.019 đồng.
Trong phương án này, khách hàng dùng 701 kWh trở lên là đối tượng chịu tác động mạnh của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được lấy ý kiến. Với bậc thang mới, khách hàng dùng 800 số có số tiền điện phải đóng cao hơn đáng kể ở bậc thang cũ. Còn nếu dùng điện một giá, số tiền khách hàng này phải đóng thấp hơn nhiều so với việc dùng điện bậc thang. Do đó, nhóm khách hàng này nên lựa chọn phương án điện một giá.
Giả sử, một hộ gia đình dùng 800 kWh mỗi tháng, số tiền phải trả là 2.300.712 đồng (tính theo bậc thang) và 2.162.400 đồng (nếu tính theo điện một giá). Như vậy, điện một giá giúp tiền điện hộ gia đình này phải trả giảm khoảng 138.000 đồng. Với cách tính ở phương án này, nếu lựa chọn điện một giá, người dùng ít sẽ phải chịu thiệt còn người sử dụng nhiều sẽ được lợi hơn.
Đối với phương án 2B, bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 2A, nhưng giá bán ở bậc 5 thấp hơn là 185% (tương ứng với 3.499,2 đồng/kWh). Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Phương án 2B.
Giả sử, nếu dùng 800 kWh mỗi tháng, tính theo điện một giá phương án 2B thì phải trả 2.311.200 đồng, nhưng nếu trả theo bậc thang là 2.134.000 đồng. Như vậy, dùng điện bậc thang giúp tiết kiệm khoảng 170.000 đồng.
Nhìn chung, ở phương án này, khách hàng dùng giá điện bậc thang vẫn có lợi hơn so với việc dùng điện một giá.
Bộ Công Thương cho biết, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá hoặc ngược lại là 1 năm, tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).
Ông Ngô Văn Tuyển.
Nói về điện một giá được bộ Công Thương đưa ra, ông Ngô Văn Tuyển - chuyên gia về tài chính doanh nghiệp - cho rằng: “Mức giá này cao gần bậc 5 chứ không phải trung bình bậc 3. Với các phương án được đưa ra, phần lớn người dùng ít điện - nhóm người đòi hỏi áp dụng điện một giá cuối cùng vẫn phải dùng giá điện bậc thang”.
Ngoài ra, ông Tuyển cũng cho rằng, với bảng giá điện bậc thang cũng như điện một giá, mục đích là tiết kiệm điện, không khuyến khích dùng nhiều điện. Công suất phát điện vượt quá mức tối ưu có thể dẫn đến các hệ lụy khác đối với cả thủy điện và nhiệt điện.
Quyền lựa chọn thuộc về người sử dụng
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế, tài chính (học viện Tài chính) - cho rằng, biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được bộ Công Thương lấy ý kiến dựa trên cơ sở khuyến khích tiết kiệm điện, dùng điện quá mức cần thiết thì phải trả tiền đắt hơn.
Tuy nhiên, nói về phương án điện một giá, ông Thịnh bày tỏ sự băn khoăn về việc bộ Công Thương căn cứ vào những yếu tố nào để đưa ra mức giá bán lẻ điện sinh hoạt một giá bằng 145% (phương án 2A) và 155% (phương án 2B) mức giá bán lẻ điện bình quân.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh.
“Điện một giá thì thông thường phải cao hơn giá bình quân. Nhưng tại sao mức bán điện một giá đưa ra lại là 145 - 155% mà không phải 110% hay 120%. Mức giá này đang cao, tôi chưa rõ vì sao bộ Công Thương lại đưa ra tỉ lệ như vậy. Tôi cho rằng các phương án đưa ra phải đảm bảo được sự minh bạch, giá điện phải bảo đảm đủ hoạt động của ngành điện tái đầu tư, bảo đảm công bằng xã hội, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng và Nhà nước”, ông Thịnh nói.
Bày tỏ quan điểm, GS.Trần Đình Long - Phó Chủ tịch hội điện lực Việt Nam - nói rằng, phương án một giá điện trong dự thảo mà bộ Công Thương đưa ra cao gần bậc 5 chứ không phải trung bình bậc 3 như dự kiến. Ông Long cho rằng, việc áp dụng điện một giá với mức cao sẽ khiến người tiêu dùng ít điện chịu thiệt thòi. Đóng góp về dự thảo, ông Long cho biết, nên tối giản các bậc thang tính điện, xem xét xây dựng ở mức 3 bậc.
“Tôi cho rằng nên xây dựng 3 bậc. Bậc 1 từ 1 - 100kWh, ở bậc này sẽ được Chính phủ hỗ trợ giá; bậc 2 từ 101 - 499 kWh với mức giá bình quân; bậc 3 trên 500 kWh nên áp dụng giá cao hơn vì là mức cho các hộ dùng nhiều”, GS Trần Đình Long cho hay.
GS.Trần Đình Long - Phó Chủ tịch hội điện lực Việt Nam.
Đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng, mỗi phương án tính giá điện đều có ưu và nhược điểm. Theo ông Ngãi phương án điện bậc thang sẽ giúp người có thu nhập thấp, dùng ít điện được hưởng lợi. “Vì vậy nên duy trì biểu giá luỹ tiến bậc thang vì nó sẽ có lợi hơn cho người sử dụng điện. Tuy nhiên, người dùng nên có thể căn cứ mức sử dụng của gia đình mình để chọn dùng điện một giá hay theo bậc thang”, ông Ngãi nói.
Phải nhìn nhận rằng, tại thời điểm này, khi thị trường điện bán lẻ chưa có, giá bán điện cho người tiêu dùng vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào việc tính toán giá điện bán lẻ của các tổng công ty Điện lực. Chính vì vậy, khi các nhà máy điện độc lập của các doanh nghiệp tư nhân đấu nối vào lưới điện quốc gia sẽ tạo ra một thị trường điện bán buôn cạnh tranh, minh bạch.
Vẫn giữ chính sách trợ giá cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội
Với dự thảo đề xuất, chính sách cho hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định vẫn được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.
Với hộ chính sách xã hội là có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50 kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.