Giếng cổ sinh ra từ làng cổ
Nằm ven bờ sông Tô Lịch, làng Trung Kính Thượng vốn là một phần của của làng Trung Kính. Xa xưa, làng Trung Kính có tên là Kính Chủ, đến thời Nguyễn mới được đổi tên thành Trung Kính. Làng được xây dựng khang trang từ thời Lê Trung Hưng với cổng làng, đình chùa và đào giếng.
Tích xưa kể rằng, đình Trung Kính Thượng được xây theo hướng tây nam nên theo phong thủy, nếu có yếu tố thủy làng sẽ rất thịnh. Đó là lý do, người dân đào giếng khơi thông. Trước đây, trong làng có 2 giếng cổ: giếng đất và giếng thơi. Nhưng theo thời gian, dân làng trở nên đông đúc, giếng đất đã bị lấp để xây nhà ở. Hiện giờ, làng chỉ còn một giếng cổ duy nhất là giếng thơi.
Theo lời giới thiệu của người dân nơi đây, tôi tìm đến ông Phan Đăng Khải (80 tuổi), một bậc cao niên là người con của làng, ông am hiểu về Hán Nôm và nhiều năm nghiên cứu về giếng làng. Theo chân ông Khải, tôi được tận mắt thấy giếng cổ nghìn năm tuổi. “Theo gia phả lập làng, làng Kính Chủ xưa hình thành từ thời Hùng Vương thứ 18. Theo thông lệ, lập làng thì phải đào giếng, giếng thơi này cũng đã trải qua hàng nghìn năm tuổi”, ông Khải chia sẻ.
PV Người đưa tin Pháp luật cùng ông Khải đi thăm giếng cổ nghìn năm tuổi gắn liền với tục xin sữa của phụ nữ sau sinh.
Giếng thơi nằm bên trái đường làng, cách cổng làng khoảng chừng 50-60 mét. Giếng được đào hình tròn, đường kính khoảng 1-1,2 mét. Do hình thành từ hàng nghìn năm về trước, giếng có cấu trúc vô cùng độc đáo. Nét độc đáo của giếng chính là, thành giếng không xây gạch mà xếp đá tảng chồng lên nhau. Dù là đá xếp chồng như vẫn tạo thành khối vững chắc. Đá tảng ở đây là những cối giã gạo đã vỡ hoặc thủng đáy được người dân tận dụng. Khối đá này vừa bảo vệ giếng vừa giúp dân làng lên xuống giếng để thau rửa, khơi thông dễ dàng hơn.
Cối đá trước đây dùng để xây thành giếng.
Giếng là nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của cả làng. Điều đặc biệt là giếng không bao giờ cạn ngay cả ở thời điểm hạn hán. Những vệt lồi lõm trên thành giếng có thể đặt lọt ngón tay, đây là những vệt mài mòn của dây thừng kéo gầu nước trải qua hàng trăm năm. Vừa chỉ vào những vết lõm ở thành giếng, ông Khải vừa bày tỏ: “Thứ cổ nhất của giếng là khối đá có mấy chục đường rãnh như răng cưa trên thành giếng. Đây là những vết hằn thời gian tạo nên”.
Những vết hằn thời gian trên thành giếng cổ.
Hiện nay, xung quanh giếng người dân xây tường bảo vệ và mái che có hình bát giác kiên cố. Người dân cũng lập ban thờ “thần giếng”, trên đó có khắc 3 chữ “Thiên Quang Tỉnh” (nghĩa là “Giếng đón ánh sáng mặt trời”). Cổng bên ngoài có khắc câu đối mang ý nghĩa nhắc nhở con cháu biết mạch nước giếng này đã nuôi sống tổ tiên.
Tục xin sữa
Chuyện giếng thơi làng Trung Kính Thượng có khả năng chữa bệnh mất sữa cho phụ nữ sau sinh đã có từ lâu đời. Theo nhiều bậc cao niên tronglàng, tục xin sữa này là có thật và được xem là khá hiệu nghiệm nên nó được truyền tai nhau từ đời này qua đời khác.
Theo quan niệm xưa của các cụ, nước nuôi dưỡng con người và sữa nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nên dân làng trồng một cây hoa sữa bên giếng. Theo lời lan truyền của người dân, trước đây các bà mẹ trong làng thiếu sữa thường ra giếng xin nước uống và mong nhiều sữa cho con, có thể chính niềm tin nội tâm và khao khát bản năng làm mẹ nên nó được lan truyền là khá hiệu quả, tuy chưa có cơ sở khoa học chứng minh song người dân vẫn có niềm tin và hy vọng.
Giếng được lắp cửa bít miệng để đảm bảo an toàn.
“Với chút lễ mọn và lòng thành tâm thắp hương khấn tạ, ai đến xin cũng lòng thành. Sau khi làm lễ xin sữa, bà mẹ phải chính tay ngắt cành lá cùng hoa quả sữa ở cạnh giếng “làm phép” gánh về treo tại cửa buồng nhà mình”, một cụ bà cho biết.
Giờ đây, cây hoa sữa đã chết vì già nên tục xin sữa cũng không còn nữa. Không ai dám chắc về khả năng thần kỳ của giếng nước và cây hoa sữa ở làng Trung Kính Thượng, nhưng người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau về điều này. Với họ, giếng chính là nét văn hóa cổ xưa, là nơi lưu giữ những ký ức linh thiêng đáng trân trọng tự hào.
So với những món đồ chơi náo nhiệt như trống, đầu lân, mặt nạ... hay những đèn lồng bằng nhựa màu mè bán trên thị trường, đèn kéo quân cần một không gian và cảm xúc để ngắm nhìn. Mỗi chiếc đèn chứa đựng tình cảm, tâm huyết của người nghệ nhân và mang trong nó bao giấc mơ ấu thơ trong trẻo của bao thế hệ trẻ em xưa.
“Nói về chứng mất sữa ở phụ nữ sau sinh, bác sĩ Kim Dung – phụ trách khoa Phụ sản bệnh viện đa khoa Nông nghiệp cho biết: “Các bà mẹ hãy kiên nhẫn và hãy nhớ rằng chúng ta đã từng tồn tại mà không cần đến núm vú cao su. Hãy tích cực cho con ti mẹ từ sớm nhất mặc dù chỉ cần vài giọt sữa ban đầu thôi. Chính tác động mút vú của bé là chất kích thích mạnh mẽ nhất để dòng sữa tiết ra.”
Theo các mẹo dân gian chữa chứng mất sữa ở phụ nữ sau sinh: “Chườm ấm hoặc massage bằng các loại lá như lá mít, lá tía tô, lá hẹ, lá đinh lăng và rau diếp cá... là cách đơn giản nhưng khá hiệu quả giúp sữa mẹ về nhanh chóng. Một số mẹo dân gian khác là: uống nước chè vằng, ăn cháo bí ngô, cháo móng giò... để chữa chứng mất sữa.”