Giải pháp phục hồi vận tải đường bộ
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) Khuất Việt Hùng, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 diễn ra yên bình theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đảm bảo Tết cho người dân: "An toàn - An sinh - An ninh - An bình". Tai nạn giao thông (TNGT) dịp Tết Nguyên đán giảm sâu so với các năm.
Có được kết quả này nhờ sự hỗ trợ hiệu quả từ hạ tầng giao thông vận tải, nhất là ngành Hàng không được chuẩn bị kỹ lưỡng và đảm bảo hiệu quả khai thác và Bộ GTVT, Ủy ban ATGTQG chỉ đạo, xử lý kịp thời những phản ánh, phát sinh. Bên cạnh đó, qua 2 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu bia và Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021, hiệu quả răn đe vi phạm đã phát huy tác dụng; đồng thời, Bộ GTVT đã chủ động kế hoạch phục hồi vận tải theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Đáng chú ý, vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán năm nay giảm, các bến xe khá vắng vẻ. Nguyên nhân là do người dân vẫn còn tâm lý e dè khi sử dụng phương tiện công cộng và có xu hướng sử dụng phương tiện cá nhân nhiều hơn, dẫn đến ùn tắc giao thông trên các tuyến cửa ngõ ra vào các thành phố lớn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất đến tháng 4 năm nay là phải phục hồi du lịch. Nếu như vẫn để tình trạng vận tải hành khách không phục hồi kịp sẽ khó đáp ứng nhu cầu. Thực tế, khi để cho người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều sẽ gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và nguy cơ xảy ra TNGT. Do đó, các địa phương cần khẩn trương phục hồi vận tải khách bằng đường bộ.
Giải quyết vấn đề này, theo ông Khuất Việt Hùng, các địa phương cần tập trung tuyên truyền Nghị quyết 128 của Chính phủ, hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế và hướng dẫn vận tải của Bộ GTVT khi mở lại tuyến vận tải khách, nhất là việc thống nhất công bố và có sự thỏa thuận giữa hai địa phương đầu tuyến vận tải hành khách.
"Các doanh nghiệp vận tải tự mở tuyến khai thác theo giấy phép trước đây. Nếu không để vận tải hành khách đường bộ phục hồi nhanh và kịp thời, khi các hoạt động kinh tế, xã hội, các hoạt động du lịch mở cửa, các địa phương sẽ đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông", ông Khuất Việt Hùng cho hay.
Nhu cầu đi lại lớn nhưng xe khách vẫn “ế”
Trong khi hàng không và đường sắt phục hồi nhanh chóng, với những chuyến đi khách ngồi kín ghế, vận tải khách đường bộ vẫn "đìu hiu", nhiều chuyến xe xuất bến lăn bánh vẫn trong tình trạng trống ghế nhiều.
Trao đổi với báo Kinh tế đô thị, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, hầu hết DN vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung lượng hành khách qua bến xe vẫn còn rất thấp. “Đây là tình hình chung của hầu hết bến xe ở Hà Nội chứ không chỉ riêng Bến xe Gia Lâm” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Thống kê mới nhất của Bến xe Gia Lâm, hiện tại trung bình mỗi ngày bến chỉ có khoảng 180 lượt xe khách ra vào bến. So với công suất 550 – 600 xe/ngày của bến thì con số 180 xe/ngày là quá thấp. Tuy nhiên, đấy mới là tính về lượt xe ra vào còn nếu tính về lượng hành khách trên mỗi chuyến xe thì sẽ còn ảm đạm hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay, các xe xuất bến thường chỉ lác đác vài khách, thậm chí có xe còn chạy không. Tình trạng này không khác là mấy so với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022.
“Nhìn chung giờ phần lớn các nhà xe đều chỉ chạy cầm chừng thôi. Xe lúc nào cũng sẵn nhưng để xe hoạt động lại phụ thuộc vào lượng khách trong khi khách đi xe vẫn rất vắng. Với lượng khách như hiện nay cộng thêm chi phí xăng, dầu, cầu đường lên cao, các nhà xe hoạt động đều không thể đảm bảo được doanh thu” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn phân tích.
Đại diện nhiều bến xe nhận định, tình trạng vắng khách tại các bến xe không phản ánh hết được thực trạng nhu cầu di chuyển của người dân sau Tết. Trên thực tế, nhu cầu đi lại của người dân vẫn là rất lớn dù cho cả nước vẫn đang chịu sự ảnh hưởng của Covid-19.
Theo thông tin từ Báo Tin tức, các chuyên gia giao thông cho rằng, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về đảm bảo an toàn, nhưng linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh trong hoạt động GTVT, cộng với hiệu quả khai thác của ngành Hàng không trong dịp Tết như: Khai báo y tế qua ứng dụng, thông tin đầy đủ về quá trình di chuyển phục vụ truy vết... vận tải hành khách đường bộ cũng có thể áp dụng để phục hồi nhanh chóng và gỡ bỏ tâm lý e ngại cho hành khách.
Kinh nghiệm từ hàng không cho thấy, trước khi lên xe khách phải khai báo y tế thông qua ứng dụng PC-Covid, đảm bảo nắm được thông tin hành khách để phục vụ truy vết khi không may có ca F0. Truy vết không phải là để đưa đi cách ly, mà để hành khách khác kịp thời có biện pháp theo dõi sức khỏe. Việt Nam đang triển khai trên diện rộng việc tiêm chủng toàn dân, thậm chí trong chiến dịch tiêm chủng mùa xuân có cả trẻ em, do đó, các địa phương cần chủ động phục hồi các hoạt động giao thương.
"Trách nhiệm của các Bộ, ngành, các cấp các địa phương là tuyên truyền thông điệp của Chính phủ đến người dân, nhằm khôi phục nhanh chóng vận tải hành khách đường bộ và tần suất xe chạy. Người dân chỉ tự tin tham gia giao thông khi họ được cung cấp đầy đủ thông tin, được bảo vệ, được hướng dẫn", ông Khuất Việt Hùng chia sẻ thêm.
Lượng khách các tuyến cố định dịp Tết giảm 50-60%
Trong dịp Tết Nguyên đán, việc đi lại của người dân không cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, tính đến ngày 3/2, tại các bến xe, thông thoáng, lượng xe xuất bến, lượng hành khách đi xe giảm nhiều so với mọi năm, không còn tình trạng chen lấn xô đẩy, các doanh nghiệp vận tải có quầy vé riêng đã chủ động bán vé cho hành khách từ trước với nhiều hình thức mua vé (bán vé qua điện thoại trao vé tận nhà, mua qua mạng, mua tại nhiều địa lý bán vé nên hành khách biết giờ xe xuất bến đã chủ động xuống bến để đi xe).
Theo báo cáo của bến xe, nhìn chung lượng khách năm nay trên các tuyến cố định đều giảm mạnh từ 50 - 60%, cá biệt còn có một số tỉnh không có khách (như Hà Giang, Vĩnh Phúc).
Về phụ thu giá cước, qua báo cáo của một số Sở Giao thông Vận tải, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng đến Sở Giao thông Vận tải, Thuế, Sở Tài chính để nộp hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá cước, phần lớn mức tăng giá không quá 40% đường ngắn, 60% đối với các tuyến đường dài.
Tuy nhiên do tình hình dịch bệnh và với tâm lý sợ bị lây nhiễm nên nhiều hành khách đã không sử dụng phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh để về quê, nên nhiều xe không có khách.