Lễ công bố dự án "Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19”, hay còn gọi là Dự án ISEE-COVID, đã diễn ra trực tuyến chiều ngày 22/11 tại Hà Nội.
Sự kiện do lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UNDP và Đại sứ quán Canada tại Việt Nam đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các bên liên quan trong hệ sinh thái các Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (SIB).
Doanh nghiệp tạo Tác động Xã hội (SIB) là một tổ chức mà ở đó hoạt động thương mại và cam kết tạo tác động tích cực lên xã hội/môi trường là 2 nguyên lí trung tâm của chiến lược vận hành của tổ chức.
SIB bao gồm doanh nghiệp xã hội (social enterprise), doanh nghiệp kinh doanh bao trùm (inclusive business), doanh nghiệp khởi nghiệp tạo tác động (impact startup) và hợp tác xã có thành viên là người yếu thế.
Nhóm yếu thế bao gồm phụ nữ và trẻ em gái, người khuyết tập, người có HIV, người dân tộc thiểu số, người nghèo tại nông thôn, miền núi, thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt, lao động nhập cư…
SIB góp phần giúp các thành viên của nhóm yếu thế hòa nhập xã hội, được học nghề, tiếp cận với các cơ hội việc làm, các sản phẩm dịch vụ chăn sóc sức khỏe, các dịch vụ tài chính hỗ trợ…
Ngoài ra, SIB cũng giúp thúc đẩy những sáng kiến xã hội giải quyết các vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng như thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng thay thế... cũng như góp phần thúc đẩy bình đẳng giới thông qua kinh doanh bền vững.
Tuy có những vai trò và tác động nhất định, SIB vẫn thiếu một hệ sinh thái để phát triển.
Và đó là lí do tại sao dự án "Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID-19”, hay còn gọi là Dự án ISEE-COVID, được khởi động.
Dự án do Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tài trợ với nguồn vốn 55,8 tỷ đồng (3,1 triệu đô la Canada).
Mục tiêu của dự án là 300 SIB ở Việt Nam sẽ nhận được hỗ trợ, giúp tạo ra 9.000 việc làm cho nhóm yếu thế; 90 SIB sẽ được hỗ trợ sẽ tăng doanh thu và có kế hoạch ứng phó với Covid-19; 105 SIB sẽ xây dựng kế hoạch phát triển kinh doanh và thu hút đầu tư, chú trọng yếu tố giới, môi trường và biến đổi khí hậu; 210 doanh nhân từ các SIB sẽ cải thiện kiến thức, kỹ năng về phát triển kinh doanh và tài chính bền vững.
Dự án cũng nhắm tới mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho một mạng lưới với ít nhất 100 thành viên là các tổ chức hỗ trợ SIB; thu hút 180 cán bộ nhà nước tham gia dự án, từ đó cải thiện nhận thức về SIB, tầm quan trọng của yếu tố giới, môi trường và biến đổi khí hậu trong hoạch định chính sách.
Với những mục tiêu trên, dự án được chia thành 3 hợp phần: Tăng cường năng lực về phát triển doanh nghiệp bền vững và tiếp cận tài chính cho SIB; Cải thiện hệ sinh thái các tổ chức trung gian hỗ trợ SIB, đào tạo đội ngũ chuyên gia hỗ trợ cho SIB; và Tăng cường năng lực xây dựng chính sách hỗ trợ SIB, chú trọng yếu tố giới, bao trùm và minh bạch.
Thông qua dự án, hy vọng các SIB ở Việt Nam sẽ có một hệ sinh thái đầy đủ để vượt qua tác động của đại dịch, vươn lên phát triển và đóng góp cho sự phục hồi của đất nước.