Áo phao cứu sinh khan hàng
Trong những ngày này, ngoài những thùng mì tôm, những chai nước uống, áo phao là vật dụng không thể thiếu đối với người dân miền Trung. Đây là vật dụng rất cần thiết, thậm chí mang tính sống còn trong cuộc chạy đua với nước lũ dâng lên từng giờ. Biết được tình cảnh đó, rất nhiều đoàn cứu trợ đã liên tục đem áo phao vào miền Trung để phát cho người dân. Dịp này, áo phao cứu sinh đắt hàng chẳng kém gì khẩu trang dịp đầu năm khi dịch Covid-19 xảy ra.
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp Luật chiều 20/10, áo phao cứu sinh trên thị trường có nhiều loại, giá dao động từ 40.000 - 170.000 đồng/chiếc tùy vào chất lượng và số lượng khách đặt mua. Song, theo các chủ cửa hàng, từ loại có giá rẻ cho tới loại có giá đắt đỏ thì đều trong tình trạng “khan hàng”.
Theo chia sẻ của một chủ cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động trên đường Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), áo phao cứu sinh giá rẻ chỉ 50.000 - 65.000 đồng/chiếc tuỳ loại. Nhưng tất cả những mặt hàng này đều không còn hàng. Theo chủ cửa hàng, bình thường chỉ nhập mặt hàng này về bán lẻ là chính. Khách mua bình thường chỉ vài chiếc, nhiều thì mua 10 - 20 chiếc. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do miền Trung đang bị lũ lụt nặng, nhiều nhóm thiện nguyện gom mua gấp để cứu trợ bà con trong đó nên áo phao hầu như không còn hàng bán sẵn.
Anh Phong - chủ cửa hàng trên phố Yết Kiêu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Lượng áo phao cứu sinh ở cửa hàng hiện chỉ còn 20 chiếc nhưng toàn bộ chỗ này đã có người đặt trước nên hiện không còn hàng. Các size 4, size 5 cỡ lớn hiện được bán ra với giá 70.000 - 85.000 đồng/chiếc”.
Giá tăng phi mã
Khảo sát trên phố Trịnh Hoài Đức (Ba Đình, Hà Nội), nhiều cửa hàng bán đồ bảo hộ thừa nhận, miền Trung lũ lụt nên áo phao cứu sinh ở ngoài này không còn hàng. Bà Hoài - chủ một cửa hàng chuyên bán đồ bảo hộ tại phố Trịnh Hoài Đức (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, tất cả áo phao cứu sinh size 5 và 6 đã hết sạch cách đây 2 hôm. Thậm chí, cửa hàng này cũng không hứa trước khi nào hàng sẽ về và dừng nhận đơn vì không đủ nguồn hàng.
“Áo phao số 5, số 6 bây giờ là 110.000 đồng/chiếc, giá buôn bây giờ đã 105.000 đồng/chiếc rồi. Khách giờ có muốn tìm mua cả phố này cũng chẳng có, vì chúng tôi lấy chung nguồn hàng. Nhà tôi không lấy được thì nhà khác cũng chẳng lấy được”, bà Hoài nói.
Khảo sát trên “chợ mạng”, nhiều đầu mối bán áo phao cũng thông báo hết hàng, nếu mua số lượng lớn phải đợi khoảng 2 - 3 ngày mới có. Nhiều cơ sở còn phải thông báo tạm dừng nhận đơn do không đủ lượng hàng cung ứng và không kịp tiến độ sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Minh, thành viên một nhóm từ thiện ở Hà Nội cho biết, chị đang tìm mua áo pháo để chuyển vào miền Trung, hỗ trợ người dân vùng lũ. Tuy nhiên, do giá cả tăng chóng mặt hàng, nên đoàn của chị phải cân nhắc để mua số lượng hợp lý nhất.
“Tôi hay đi làm từ thiện nên biết giá, bình thường, một áo phao người lớn chỉ có giá 50.000 – 60.000 đồng/ chiếc. Hai ngày nay, các cơ sở bán áo đều hết hàng hoặc thông báo dừng nhận đơn, nếu có thì giá cũng bị đẩy lên tới 100.000 - 150.000 đồng/chiếc. Điều mình mong muốn nhất lúc này là có thật nhiều áo phao để gửi vào cho đồng bào vùng bão”, chị N. chia sẻ.
Tương tự, chị Nguyễn Thuỷ (Quảng Ninh) đang tìm mua khoảng 500 chiếc áo phao để mang vào cứu trợ người dân miền Trung. Tuy nhiên, 2 ngày nay, chị tìm kiếm các cơ sở bán áo đều được thông báo hết hàng hoặc 3 - 4 ngày nữa, thậm chí tuần sau mới có. “Các cửa hàng lẫn trên mạng đều thông báo hết sạch áo phao, nếu có cũng chỉ được số lượng rất ít và giá cao gấp đôi so với trước”, chị Thuỷ chia sẻ.
Sẽ xử lý nghiêm
Trước diễn biến mưa lũ, bộ Công Thương đã chỉ đạo sở Công Thương các tỉnh miền Trung triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu, trong đó tập trung tổ chức các điểm cung ứng và bán hàng bình ổn giá.
Về việc giá áo phao cứu sinh bị thương buôn thổi giá, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (bộ Công Thương) - cho biết, Tổng cục đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, tăng giá. Đồng thời, yêu cầu các cục quản lý thị trường các tỉnh xảy ra lũ lụt phải tìm các biện pháp để bình ổn giá cả và đảm bảo đủ nguồn cung thực phẩm thiết yếu cho người dân. Đảm bảo không vì lũ lụt mà tăng giá, gây khó khăn cho người dân vùng lũ. Đặc biệt việc găm hàng, tăng giá các loại thực phẩm, đồ ăn, nước uống, áo phòng hộ, đồ cứu nạn sẽ bị xử lý nghiêm.