Coi như kỳ nghỉ bình thường, không phải đón Tết...
Tết Nguyên đán Tân Sửu đang cận kề trước ngõ, nhiều gia đình vẫn chưa được đoàn tụ, sum vầy. Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong những ngày qua, nhiều sinh viên và người lao động tại một số địa phương đã không thể về quê ăn Tết, nhất là tại những tỉnh, thành thuộc vùng dịch. Không ít người lần đầu tiên phải đón Tết xa quê, mặc dù mỗi người có mỗi hoàn cảnh và mang những tâm trạng khác nhau, song, tất cả đều thể hiện quyết tâm chấp hành tốt quy định chống dịch.
Ai cũng tâm niệm: “Tết năm nay không về quê thì sang năm có thể về nhưng nếu không chống dịch thì sẽ có nguy cơ “mất” thêm nhiều năm đón Tết sum vầy nữa”.
Từ nhiều tuần trước, anh Dương Văn Mạnh (SN 1994, Quản lý nhà máy sản xuất mạch điện tử) đã lên kế hoạch về quê ăn Tết, quây quần bên gia đình. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đột ngột ập đến, anh và nhiều đồng nghiệp khác “trở tay không kịp”.
Chia sẻ về cảm xúc trong những ngày giáp Tết, anh Mạnh cho biết: “Nhà tôi ở Kinh Môn (Hải Dương), hiện tại đang là “tâm dịch” đã bị phong tỏa, vào được mà không ra được. Nếu về quê thì sau Tết, tôi phải cách ly 21 ngày, không đi làm được, trong khi, công việc của tôi ở nhà máy khá quan trọng, không thể bỏ được. Chính vì vậy, tôi đã quyết định ở lại nhà trọ ăn Tết.
Tôi là người yêu thích nhiếp ảnh, nếu năm nay không phải do dịch Covid-19, tôi đã có thể xách máy ảnh ra đường, dạo một vòng, sáng tác không khí Xuân cho thỏa đam mê, chứ không phải chỉ ngồi trong phòng như thế này.
Đây là lần đầu tiên tôi đón Tết xa quê, cảm xúc thực sự khó miêu tả... Trong lòng cũng rất buồn nhưng do đã chuẩn bị tâm lý từ trước, xác định không về quê thì phải làm gì cho bản thân vui và không nghĩ đến những chuyện tiêu cực. Tôi dự định, có thể “giết thời gian” bằng cách xem phim, nghe nhạc hoặc “cày game”..., miễn là không nghĩ đến đây là Tết mà chỉ coi như một kỳ nghỉ bình thường để không cảm thấy quá trống vắng”.
Không chỉ người lao động, nhiều sinh viên cũng đã sẵn sàng cho cái Tết đầu tiên xa gia đình. Sinh viên Văn Phúc (SN 2002, trường đại học Điện lực) cũng không giấu nổi cảm giác hồi hộp khi sắp đón một mùa Xuân mới tại Hà Nội: “Nhà tôi ở Hải Dương, do bùng dịch tại địa phương, nên bố mẹ đã khuyên tôi ở lại đón Tết trên Hà Nội. Vì đang mùa dịch nên dù có ở lại Hà Nội, tôi cũng không có kế hoạch đi đâu chơi, có lẽ chỉ quanh quẩn ở nhà trọ... Năm nay, không được xem pháo hoa, cũng nhớ, nhưng tôi nhớ nhất là bố mẹ, không được cùng gia đình đi chúc Tết, du Xuân, cũng không tránh khỏi những hụt hẫng”.
Tết xa nhà là “bước đệm” để trưởng thành
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Đông Triều (Quảng Ninh), anh Nguyễn Triển (SN 1994) cũng đã hơn 8 năm đi học, đi làm xa nhà, nhưng đây mới là lần đầu tiên, anh không về đón Tết bên gia đình.
Anh chia sẻ: “Từ khi dịch bắt đầu có dấu hiệu quay trở lại, tôi cũng đã hỏi chính quyền địa phương về dự định về quê ăn Tết, nhưng sau đó đã quyết định ở lại Hà Nội ăn Tết. Một phần xuất phát từ nhu cầu của bản thân, nếu về quê, hiện đang là “tâm dịch”, tôi sẽ phải cách lý 21 ngày, không thể trở lại Hà Nội làm việc đúng thời hạn, một phần do hưởng ứng lời kêu gọi “Ai ở đâu, ở yên đấy”, nên tôi đã quyết định đón Tết một mình tại đây.
Từ những ngày 23 tháng Chạp, tôi đã rục rịch gọi về nhà để thăm dò tình hình, xem ý ông bà, bố mẹ thế nào... Tôi chuẩn bị thuyết phục người thân “Nhiều người cũng giống như mình, chứ đâu riêng mình phải đón Tết xa nhà?”, thì gia đình cũng rất tâm lý, động viên: “Dịch như vậy thì đây là điều bất khả kháng, không ai mong muốn”... Hôm qua, bố tôi vừa thay ảnh đại diện Facebook là hình hai bố con chụp với nhau, mặc dù rất nhớ con trai nhưng bố lại không nói ra được thành lời, chỉ dùng hành động để biểu đạt tình cảm.
Những ngày qua, không gian vốn đông vui nhộn nhịp trước đây bỗng không còn, khi mọi người trong khu trọ đồng loạt về quê. Tôi cũng buồn... Người Việt Nam vốn rất tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, luôn coi Tết là dịp để trở về nhà, Tết là sum họp, đoàn viên, mong muốn con cháu về quê để đông đủ, đầm ấm, yên vui,... nhưng năm nay tôi không về được, nên rất buồn, nỗi buồn khó diễn tả thành lời”.
“Tuy nhiên, tôi cũng xem đây là một trải nghiệm cho bản thân, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà cũng là một “bước đệm” để trưởng thành. Tôi muốn nhắn nhủ đến những người con phải ăn Tết xa quê: “Tết ở trong tim mỗi chúng ta. Dù có đi đâu thì gia đình vẫn có thể sum họp”.
Tôi cũng đã chuẩn bị một chút kẹo, mứt, bánh chưng, rượu và phong bao lì xì để cảm giác Tết vẫn thật gần gũi, thân thương” - anh Nguyễn Triển tâm sự.
Cũng đang đếm từng ngày, đợi Tết tại Hà Nội, anh Lương Văn Hải (SN 1997) đã chuẩn bị khá tươm tất cho những ngày sắp tới: “Quê tôi ở Nghệ An, tuy nhiên, khu tôi ở trọ lại đang nằm trong “tâm dịch” nên không thể về đón Tết bên gia đình.
Xác định sẵn tâm lý từ trước, nên tôi đã lưu trữ khá nhiều lương thực, thực phẩm, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng trong những ngày Tết, đặc biệt, sắm thêm một số đồ ăn ngon để tự chiêu đãi bản thân. Đồng thời, chuẩn bị sẵn một tủ đầy ắp đồ ăn cũng nhằm hạn chế ra đường, hạn chế tiếp xúc, để phòng dịch tốt hơn.
Không được ở nhà đón Giao thừa với bố mẹ, nói không có gì buồn thì quả không đúng. Đi làm “tối mắt tối mũi” cả năm, chỉ trông đến Tết để được về nhà ăn bữa cơm đoàn viên, nhưng hiện giờ, tình thế bắt buộc, không về quê được thì tự nấu cơm thật tươm rồi có thể gọi video về nhà để trò chuyện cùng bố mẹ cho ấm cúng”.