Tình yêu nãy nở từ chiến tranh
Đám cưới đặc biệt đó được hai bên gia đình chị Nguyễn Thị Diễn (hay còn gọi Diện), SN 1947, quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và anh Đặng Văn Cự, SN 1946, quê xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang) tổ chức. Trước khi hy sinh, chị Diễn và anh Cự có tình yêu đẹp và ước nguyện về chung một nhà. Mãi đến 50 năm sau, gia đình hai bên mới thực hiện đám cưới cho cặp đôi này để hoàn thành ước nguyện thành vợ thành chồng cho họ.
Nhắc đến liệt sỹ Diễn, giọng ông Nguyễn Hữu Tường, em trai chị Diễn như nghẹn lại. Theo ông Tường, trước khi tham gia kháng chiến, chị Diễn nổi tiếng là một trong những người con gái đẹp nhất vùng, với dáng người cân đối, mái tóc dài thướt tha. Không chỉ đẹp về ngoại hình, chị Diễn còn thông minh, khéo tay, vẽ đẹp, thêu thùa khéo và sống hoà đồng nên ai cũng quý mến. Chị cũng là một trong những người bắn súng giỏi, ném lựu đạn cừ trong hội thi quân sự của địa phương thời điểm đó.
Cuối năm 1968, trong tình hình chiến tranh khốc liệt, chị Diễn tham gia vào dân công hoả tuyến. Trước yêu cầu của chiến trường, chị Diễn được bổ sung cho Công ty Đường sắt 769, vào xây dựng tuyến đường sắt vận tải, đoạn qua huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Sau đó, chị Diễn được kết nạp Đảng và được bầu làm bí thư chi đoàn. Anh Cự là con đầu trong gia đình có 10 con. Thanh niên này cũng là người thật thà, chất phát, giỏi giang. Họ ở hai nhà dân thuộc huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng bình, cùng tham gia công tác mở tuyến, thông luồng, vận chuyến hàng, đào hầm, cứu thương,…
Trong cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, tình yêu của chị Diễn và anh Cự nảy nở. Và họ cùng nhau có nguyện ước thành vợ thành chồng. Trong một bức thư gửi về gia đình, chị Diễn hạnh phúc bày tỏ đã tìm được nửa còn lại của đời mình. “Con đã đi rất lâu nhưng chưa về nhà. Nhưng, con sẽ dồn ngày phép 4 năm để về Tết 1973. Đầu năm mới, con sẽ đưa chàng rể mới ngoài Bắc về ra mắt họ hàng”.
Thế nhưng, dự định đó đã không thành. Cuối năm 1972, đôi uyên ương tài sắc đã hy sinh trên dòng sông Gianh, gần khu vực bến Đò Vàng. Theo ông Tường kể lại, vào 21h một đêm cuối năm 1972, khi chuẩn bị đi ngủ thì ông được thông báo từ thủ trưởng (ông Tường thuộc biên chế Lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An), nhà có tin buồn và đơn vị cho nghỉ phép 3 ngày lo việc gia đình. Ngay trong đêm, ông Tường đi bộ, vượt chặng đường hơn 20 cây số về nhà. “Khi về đến nhà, tôi thấy mẹ đang khóc quằn quại. Giấy báo tử của chị tôi đã gửi về nhà. Mẹ tôi khóc rất nhiều. Thời điểm đó, chỉ có tôi về được, còn một anh đang chiến đấu trong Nam và một anh đang đi bộ đội ở Thượng Lào không về được”, ông Tường bồi hồi kể lại.
Ông Tường cho biết, trong giấy ghi chị là tử sỹ, mất trên sông Đò Vàng, thuộc địa bàn xã Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vào ngày 29/12/1972, nhằm 24/11 âm lịch.
Biết tin chị Diễn và anh Cự hy sinh, nhưng tình hình cuộc chiến khốc liệt nên gia đình họ không thể biết hai người được chôn cất ở đâu. Biết mộ chị nằm ở nơi xa nhưng cuộc sống còn khó khăn, vất vả, các em chưa có điều kiện vào thăm nom. Mãi đến năm 1994, khi đã nghỉ hưu, ông Tường quyết tâm lên đường vào Quảng Bình tìm mộ chị.
Hành trình đi tìm mộ của ông Tường cũng gặp nhiều khó khăn và vất vả, phải 3 lần lên đường mới tìm được mộ chị. Lần thứ 3, ông Tường lên tàu, rời ga Vinh vào Quảng Bình, đến phía Bắc cầu Đò Vàng được nhà tàu đặc cách xuống quãng giữa hai nhà ga. Xuống tàu, ông Tường được người gác đường tàu hướng dẫn về Huyện đội Tuyên Hóa và may mắn được gặp ông Nguyễn Phong Vũ, người hơn 20 năm chăm sóc mộ chị Diễn và anh Cự.
Gia đình ông Vũ cũng chính là gia đình cho chị Diễn ở nhờ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ. Theo ông Vũ thì chị Diễn ở nhà mình, còn anh Cự ở nhà ông nội ông Vũ. “Thời điểm đó, chị Diễn cùng một chị ở trong nhà tôi. Gia đình tôi coi chị Diễn như chị cả, như người trong nhà. Chị là người thông minh và khéo léo. Chị bày cho chúng tôi nhiều điều hay lẽ phải, học chữ, học hát. Chúng tôi sống với nhau tình cảm lắm. Thời điểm đó, hai anh chị yêu nhau cả đơn vị và người dân xung quanh ai cũng biết. Anh chị cũng tính đến chuyện nên vợ nên chồng. Nhưng ước nguyện chưa thành thì họ đã hinh sinh ở bên sông Đò Vàng”, ông Vũ cho biết.
Đám cưới đặc biệt ở nghĩa trang
Sau khi tìm được mộ chị, trở về quê nhà, với các thông tin được khâu nối từ nhiều nguồn, về quá trình phục vụ chiến đấu của chị gái, ông Tường làm hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ đối với chị Nguyễn Thị Diễn. Đến năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận liệt sỹ và trao Bằng Tổ quốc ghi công đối với liệt sỹ Nguyễn Thị Diễn.
Gia đình ông Tường luôn mong muốn được đưa chị về nghĩa trang quê nhà. “Ước nguyện của mẹ và gia đình là đưa được mộ chị tôi về quê nhà. Tôi cũng đã nhiều lần vào để đưa hài cốt của chị về quê, tuy nhiên khất âm dương đều không được. Tôi nghĩ nơi đó đã gắn liền với tuổi trẻ cống hiến, nơi đó có tình yêu mãnh liệt với anh Cự, hơn một nữa thế kỷ nằm cùng đồng đội nên có lẽ chị không muốn rời xa. Vì vậy gia đình quyết định để chị ở lại nơi chị đã có cả tuổi trẻ và tình yêu. Nơi yên nghỉ chị tôi cùng anh Cự là nghĩa trang Hải Thành ở Tp.Đồng Hới”, ông Tường xúc động nói.
Khi chị Diễn được công nhận liệt sỹ gia đình cũng được an ủi phần nào. Nhưng do mất giấy báo tử nên gia đình anh Cự mãi vẫn chưa tìm được mộ. Vào 23h đêm của một ngày tháng 3/2022, ông Tường nhận được một cú điện thoại, đầu dây bên kia giới thiệu là Đặng Thị Ánh, cháu của bác Đặng Văn Cự, ở Hiệp Hoà (Bắc Giang). Ông Tường cho biết: “Tôi khi đó vui và xúc động lắm. Cuối cùng gia đình cũng tìm được mộ anh Cự. Trước đó, tôi và anh Vũ cứ nghĩ gia đình anh Cự không còn ai nữa. Theo Ánh thì thông qua hình ảnh về phần mộ được đăng tải trên một website về liệt sỹ, đối chiếu thông tin danh tính, năm sinh, quê quán, đơn vị, gia đình mới biết anh Cự đang được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Tp.Đồng Hới”.
Từ đó hai bên gia đình anh Cự và chị Diễn kết thân với nhau. Hai bên gia đình quyết định hoàn thành ước nguyện của cặp đôi uyên ương này là thành vợ, thành chồng.
“Ngày 3/4, gia đình anh Cự mang sính lễ vào đây để làm lễ ăn hỏi. Lễ không thiếu thứ gì, từ trầu cau, rượu, xôi, gà, bánh phu thê và cả tiền vàng…Sau đó chúng tôi đi vào nghĩa trang nơi anh chị an nghỉ. Trước khi vào đó, hai gia đình đã về Tuyên Hoá, thăm lại nơi ăn ở, công tác của anh chị và đồng đội ngày xưa; đồng thời về thắp hương tạ ơn ông bà, cha mẹ Vũ, những người đã cưu mang anh chị tôi, và cũng báo cáo với gia đình họ về lễ cưới”, ông Tường cho biết về hành trình vào nghĩa trang để làm lễ cưới.
Đến ngày 5/4, hai bên gia đình tập trung tại nghĩa trang để làm lễ cho anh chị. Sau khi dâng hương các Anh hùng liệt sỹ, hai bên gia đình bày biện lễ vật, khấn xin anh chị bằng bài Vấn danh tơ hồng. “Sau khi đọc bài Vấn danh tơ hồng xong, đài hương lớn ở Liệt sỹ bừng cháy, bên lư hương của anh Cự cũng hoá lửa. Tôi nghĩ chắc anh chị cũng như các đồng đội ở nghĩa trang đã mãn nguyện trước lễ cưới đăc biệt này. Từ đây, anh chị chính thức là vợ chồng, trọn kiếp bên nhau. Hai bên gia đình cũng hoàn thành ước nguyện của anh chị”, ông Tường rung rưng nói.
Đến ngày 6/4, gia đình 2 bên rước di ảnh về nhà trai làm lễ. Lễ cưới được diễn ra trong không khí ấm cúng và trang trọng. Hai bên gia đình kết tình thông gia. Đám cưới của họ tuy muộn màng nhưng cũng như một lời tri ân của những người ở lại, cố gắng thực hiện lời nguyện ước giang dở của hai anh chị. Sự hy sinh tuổi trẻ, tình yêu vì nền hoà bình, độc lập của dân tộc sẽ mãi được ghi nhớ.