Mới đây, Sở Y tế TP.HCM cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân một bệnh nhân tử vong sau truyền dịch tại phòng khám.
Nạn nhân là cô gái 28 tuổi. Chiều 3/7, cô cảm thấy mệt mỏi nên đến một phòng khám đa khoa tại quận Bình Tân (Tp.HCM) thăm khám. Theo người thân, bệnh nhân được phòng khám này truyền dịch sau đó chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.
Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện. Thông tin ban đầu, bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh viện Thống Nhất đã có báo cáo cụ thể trường hợp trên đến Sở Y tế Tp.HCM.
Ngày 5/7, Sở Y tế TP.HCM xác nhận vụ việc và đang phối hợp cùng cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC), số ca mắc bệnh sốt xuất huyết tại TP vẫn tiếp tục tăng. Trong tuần từ ngày 24 đến 30/6, Tp.HCM ghi nhận thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy, số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 11 trường hợp.
HCDC cho biết tính đến nay, Tp.HCM ghi nhận 21.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 181,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.726 ca). Các bệnh viện ở Tp.HCM đang điều trị 346 ca sốt xuất huyết nặng, tỉ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết là 1,6% (346/21.750 ca), tăng hơn 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, chỉ trong 1 tuần, Tp.HCM ghi nhận thêm 2.428 ca sốt xuất huyết, tăng 158 ca (6,9%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú lẫn khám ngoại trú.
Liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Hồi sức – Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 cảnh báo, sốt xuất huyết rất dễ chảy máu vì giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu ở giai đoạn nặng (ngày thứ 3, thứ 4 của bệnh). Nếu chích vào cơ (chích bắp) có thể làm rách các mao mạch và gây chảy máu không cầm được.
Bác sĩ Việt nhấn mạnh, một vài cơ sở y tế, phòng mạch thường truyền dịch sớm và nhiều cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi chưa có chỉ định. Điều này dễ gây quá tải ở giai đoạn cần hồi sức sốc, phải giúp thở sớm, nguy hiểm cho bệnh nhân.
Nguy cơ phản ứng khi tự ý truyền cho người bệnh sốt xuất huyết
Bộ Y tế cũng đã có thông tin cảnh báo người dân vào mùa sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định nhằm đề phòng những biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên thời gian qua, nhiều người thấy triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, rã rời, không thể ăn uống, tâm lý hoang mang, lo lắng nên nghĩ đến việc gọi y sĩ về nhà thực hiện truyền dịch. Trong khi đó, hiện tượng người bệnh tự truyền dịch chỉ vì thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, đặc biệt là với bệnh nhân có dấu hiệu sốt xuất huyết. Bởi nguy cơ sốc có thể xảy ra, rất nguy hiểm. Khi đã có biểu hiện sốc, rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân.
Ngay cả những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi.
Trong khi bị sốt xuất huyết, tuy có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn cuối xảy ra hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong thời gian này sẽ gây ra hiện tượng thừa dịch, dẫn đến phù phổi và các biến chứng nguy hiểm.
Việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải theo đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý truyền nước, đạm, hay máu. Ngay cả với tiểu cầu, bác sĩ cũng ít khi chỉ định truyền, chỉ khi nào mức tiểu cầu hạ thấp dưới 10, hay thậm chí dưới 5, kèm theo dấu hiệu xuất huyết thì bác sĩ mới chỉ định truyền.