Việt Nam đàm phán mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 từ Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc

Admin
Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Việt Nam đang cùng lúc đám phán mua vắc xin COVID-19 của các đối tác tại 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc.

 

Tại cuộc họp báo thông tin về kế hoạch năm 2021 vào sáng 4/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chủ trương, chính sách chung là tiếp tục kiên quyết, ưu tiên nhiệm vụ chống dịch COVID-19. Nếu sơ suất khiến dịch lây lan trong nước thì hậu quả sẽ rất lớn.

“Cần hết sức cảnh giác, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, khi lượng người Việt về nước, lượng người xuất nhập cảnh ra vào Việt Nam sẽ tăng mạnh, phức tạp hơn cho công tác kiểm soát”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, tính toán cho thấy, đến mùa hè năm nay, Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất được vắc xin phòng COVID-19 để tiêm đại trà cho người dân nên Chính phủ xác định vẫn phải đặt mua vắc xin từ nước ngoài. Bộ Y tế đã được giao xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để các lực lượng không thể lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường khẳng định bộ Y tế nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để người Việt Nam sớm có được vắc xin phòng chống COVID-19 hiệu quả.

Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường tại cuộc họp báo Chính phủ sáng 4/1/. Ảnh: Dân trí

Hiện bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước: Anh, Mỹ, Nga, Trung Quốc về việc mua vắc xin phòng COVID-19 từ các hãng được của các nước này. Các cuộc đàm phán tiến hành song song, đều có kèm yêu cầu ký thoả thuận về bảo mật thông tin.

Thứ trưởng bộ Y tế cho biết, đến nay, một số thông tin có thể được công khai là kết quả hợp đồng ký với một công ty của Anh. Cụ thể, Việt Nam đã ký với đối tác này mua vắc xin cho 15 triệu dân, tức khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình sản xuất, cung cấp thỏa thuận, trong quý I, II, II, IV/2021 đều có các lô vắc xin về.

Thông tin khác, với Nga thì Việt Nam đang đàm phán để được chuyển giao quy trình sản xuất vắc xin Sputnik V theo mô hình chuyển giao công nghệ, để một công ty trực thuộc bộ Y tế có thể trực tiếp sản xuất loại vắc xin này ngay tại Việt Nam.

"Việc đàm phán còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Giá cả thì không chênh nhau nhiều giữa các bên, phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, vận chuyển, tiêm phòng" - Thứ trưởng bộ Y tế cho biết.

Hơn nữa, vấn đề khác cần cân nhắc là các vắc xin được công bố tại các nước hiện tại đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất chỉ 65%, cao nhất đến trên 97%, mức trung bình ở khoảng 90%.

Về việc triển khai tiêm phòng cho các đối tượng cụ thể, Thứ trưởng giải thích, vấn đề này liên quan đến các bộ ngành, phải bàn thêm vì đây cũng là việc chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, bộ Y tế sẽ xin ý kiến Chính phủ.

Ông Cường khẳng định bộ Y tế nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để người Việt sớm có được vắc xin phòng chống COVID-19 hiệu quả.

Ngoài ra, Thứ trưởng bộ Y tế đề cập việc, trên thế giới còn có 1 tổ chức "Liên minh vắc vin toàn cầu", hoạt động với cơ chế mua lại vắc xin của một số công ty, cấp cho 90 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hướng này có thể đảm bảo cung cấp lượng vắc xin cho 16% dân số. Đây cũng được xem là một nguồn cung cấp vắc xin quan trọng cho Việt Nam nhưng hiện có khó khăn vì các nước cũng chưa chủ động về việc sản xuất vắc xin nên sớm nhất trong tháng 1/2021 mới có thông tin về kế hoạch.