Hiện nay nhu cầu khám chữa bệnh tăng cao vì vậy mà các cơ sở phòng khám tư nhân xuất hiện ngày càng nhiều kéo theo đó là tình trạng khám chữa bệnh chui tại nhiều cơ sở đặc biệt ở các khu vực đông dân cư, thành phố lớn. Dưới đây là phản ánh của Truyền hình Người đưa tin pháp luât về một phòng khám “không số” tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Truyền hình Người đưa tin pháp luật nhận được phản ánh về phòng khám chuyên khoa phụ sản có tên “Gieo mầm cuộc sống” ở phố Tam Khương, Đống Đa, Hà Nội, có dấu hiệu hoạt động khi chưa đủ điều kiện kinh doanh khám chữa bệnh tư nhân.
Theo quan sát, ở đầu ngõ có tấm biển màu xanh ghi thông tin người phụ trách chuyên môn là bác sĩ Chử Quang Độ và bác sĩ Phạm Hữu Cường, công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Trên biển báo không có số giấy phép kinh doanh khám chữa bệnh theo quy định.
Trên mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên “bác sĩ Cường” cũng quảng cáo về địa chỉ này.
Trong vai bệnh nhân có nhu cầu khám hiếm muộn, chúng tôi đã liên hệ với bác sĩ Cường để hẹn lịch khám. 17h30, PV quay lại phòng khám và được bác sĩ Cường tư vấn, chỉ định làm các xét nghiệm liên quan.
Bác sĩ Cường tư vấn: "Quan trọng nhất là 2 vấn đề, một là buồng trứng để xem trứng có tốt hay không, hai là vòi trứng xem trứng có thông hay không. bắt buộc con tin trùng muốn đến để gặp trứng ở vị trí này thì vòi phải thấp, như vậy mới có thai được..."
Tư vấn xong, PV được bác sĩ Cường giới thiệu gặp nhân viên của một trung tâm xét nghiệm. Người này túc trực sẵn ở đây để thu tiền, lấy mẫu xét nghiệm khi khách có nhu cầu.
Cùng một địa chỉ, nhưng người khám và người xét nghiệm lại là hai đơn vị khác nhau. Không hiểu xảy ra vấn đề gì thì đơn vị nào chịu trách nhiệm. Thêm nữa, không đủ năng lực, cơ sở vật chất để khám chữa, xét nghiệm, vì sao phòng khám “Gieo mầm cuộc sống” lại quảng cáo rầm rộ và hoạt động công khai như vậy?
Tấm biển quảng cáo không có số Giấy phép kinh doanh.
Mang thắc mắc này, chúng tôi hỏi bác sĩ Cường, theo số điện thoại niêm yết trên biển hiệu cũng như mạng xã hội. Đáp lại, vị bác sĩ từ chối làm việc và cung cấp thông tin.
Sau khi PV vào cuộc tìm hiểu, thì thấy phòng khám tháo bỏ các biển hiệu.
Điều ngạc nhiên, là phía UBND phường Khương Thượng cũng không nắm bắt được hoạt động của phòng khám này, và có biểu hiện né tránh khi PV tìm hiểu.
Bác sĩ Cường trực tiếp tư vấn khám cho bệnh nhân.
Phía Sở Y tế Hà Nội, sau nhiều lần liên hệ, PV được ông Tô Tử Anh, Phòng Quản lý hành nghề, cho biết: “Phòng khám có giấy phép” nhưng lại viện lý do và không cung cấp cho PV văn bản.
Các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có đóng góp quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ chữa bệnh cho người dân. Tuy nhiên, một số phòng khám tư nhân hoạt động không chấp hành tốt các quy định liên quan việc khám chữa bệnh, có thể gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Trên thực tế, nhiều hậu quả đáng tiếc đã xảy ra từ các phòng khám “không số”. Vì vậy mỗi người dân cần sáng suốt lựa chọn cho mình một địa chỉ khám, chữa bệnh uy tín, được pháp luật công nhận.