Đến làng Đông Ngạc, hỏi từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng biết đến chuyện làng mình có một kho báu từ xa xưa chưa hề được khai quật. Năm tháng trôi qua, bao lớp người của làng chưa từng ai nghĩ đến việc đi đào kho báu. Thế nhưng, có một thời kỳ tưởng chừng như kho báu sẽ được mở ra, giải mã những bí ẩn đã thêu dệt bao năm của người dân làng Đông Ngạc.
Ly kỳ về kho báu có từ thời Lê sơ
“Năm 1974, câu chuyện có thể sẽ tìm được kho báu làm xôn xao dân làng Đông Ngạc khi có thông tin xây dựng cây cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng, nối huyện Đông Anh và quận Bắc Từ Liêm. Ban đầu, có thông tin làng Đông Ngạc sẽ bị di chuyển đến nơi khác để làm nơi xây cầu. Dân làng kháo nhau về chuyện nếu như phải di dời thật thì việc xây cầu có tìm được kho báu mà bao đời nay ông cha đã nói đến hay không? Vị trí kho báu mà mọi người đồn thổi là ở ao nhà ông Phạm Quang Đại (xóm 3, Đông Ngạc). Có người từng nhìn thấy bóng sập vàng, đàn vịt vàng nổi trên mặt ao. Dân làng lại càng tin chắc dưới ao là nơi chôn kho báu. Thế nhưng, bao nhiêu năm chưa từng ai có ý định khai quật, tìm kiếm cả”, ông Lê Văn Đôn (SN 1939) - Trưởng ban di tích đình Đông Ngạc nói.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Đại theo lời chỉ dẫn của ông Đôn để tìm hiểu thực hư chuyện trên mảnh đất gia đình ông sinh sống có chứa kho báu. Ông Đại bảo: “Kho báu có từ thời Lê sơ Thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm lược nước ta. Sau khi rút quân đã để lại kho báu ở Kẻ Vẽ. Thế nhưng, đó cũng chỉ là lời kể của lớp cha ông trong làng mà không ai xác thực được và cũng chưa từng có một cuộc khai quật nào”.
Câu chuyện về việc xây cầu có thể tìm được kho báu bị dập tắt khi dân làng đấu tranh yêu cầu dịch chuyển cây cầu Thăng Long xuống phía dưới để không chạy qua làng, phá đi những dấu ấn lịch sử về một làng cổ trên mảnh đất Kinh kỳ. Cây cầu đã được xây dịch xuống bên dưới nơi ngăn cách giữa làng Nhật Tảo và Đông Ngạc. Tuy nhiên, việc này cũng tàn phá một số nhà thờ cổ giá trị của làng Đông Ngạc.
“Điều đáng tiếc nhất khi xây cầu là đã làm mất đi ba nhà thờ họ cổ của làng. Họ Phạm mất 2 nhà thờ quý là nhà thờ thờ cụ đỗ Tiến sĩ đầu tiên của họ và nhà thờ cụ Bảng nhãn Phạm Quang Trạch. Nhà thờ cụ Phạm Quang Trạch có kiến trúc đẹp với những hoành phi câu đối cổ và đó cũng là nơi có tích Cống Quỳnh đến tìm cụ để theo học. Ngày nay, con cháu dòng họ Trạng Quỳnh ở Thanh Hóa vẫn thường ra ngoài này vào mỗi dịp giỗ để tưởng nhớ đến người thầy có công với Trạng Quỳnh. Di sản thứ 3 bị mất là nhà thờ cụ Thông Kiên (cụ làm thông phán nên người dân thường gọi như vậy - PV) bên họ Phan, thờ cụ Phan Trọng Kiên, anh trai Tiến sĩ luật Phan Văn Trường”, cụ Đại tiếc nuối.
Kể xong, ông Đại dẫn chúng tôi ra sau vườn, nơi được cho là địa điểm kho báu. Thế nhưng, ông Đại bảo, nhiều người chỉ nhớ đến chỗ này có kho báu mà không nhớ rằng bên cạnh ao là nền của chùa Bé (tức Diên Khánh tự) đầu tiên. Cũng tại nơi này, người ta đào được hai chiếc chuông cổ đúc năm 1315 và 1332 đời Trần. Đến khi chùa Bé chuyển lên nền của khu tập thể nhà máy bê tông bây giờ, chuông cổ cũng được di dời lên đó. Rất tiếc, đến thời Tây Sơn, ở ngoài này giao quyền cho Nguyễn Hữu Chỉnh trông nom giúp vua. Lúc đó, triều đình thiếu hụt về ngân quỹ, Nguyễn Hữu Chỉnh cho thu hết đồ đồng trong địa bàn đem về đúc tiền và thu luôn cả chuông, làm mất chiếc chuông cổ quý giá.
Còn vào năm 1960, dân làng phát hiện ra ngôi mộ cổ ở khu vực Cầu Giếng. Ngôi mộ này được xác định niên đại khoảng 200 năm TCN, thời đại An Dương Vương. “Việc phát hiện ra ngôi mộ này rất tình cờ. Năm đó, miền Bắc có phong trào đào mương chống hạn, xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Trong quá trình đào mương phát hiện có ngôi mộ cổ, điều này chứng minh từ thời xa xưa ở đây đã có tụ điểm dân cư, chỉ là chưa thành làng”, ông Đại kể.
Mảnh đất “địa linh nhân kiệt”
“Theo tôi nghiên cứu một cách khoa học, khách quan, thận trọng thì đất làng này ngày xưa là đất của làng Chèm. Thế nên, có thời kỳ nói làng Vẽ không ai biết nhưng nói làng Chèm Vẽ thì họ biết. Phong thủy của làng Vẽ có thế đất rất quý. Phía Bắc có sông Nhị hà (sông Hồng) làm ngoại minh đường (chỉ nơi phía trước huyệt - PV), bên trong ở ngoài đê có 7 hồ tượng trưng thất diệu (7 sao - PV) làm nội minh đường, sau làng về phía nam có nhiều gò đất làm hậu chẩm (gối sau). Làng còn có các dòng nước chảy ngược ở phía trước và phía sau” ông Đại nói.
Chia sẻ thêm về các thế đất quý, cụ Đại kể: “Dòng họ Phan để được huyệt vào thế đất Gò Voi nên có cụ làm đến chức Tể tướng. Dòng họ Phạm đặt được huyệt chính kiểu đất Âm Dương nên có cụ đỗ Bảng nhãn và có truyền thống khoa bảng từ xưa đến nay. Còn họ Đỗ có cụ Đỗ Thế Giai được phong Vương, mọi người cho là do dòng họ đặt được vào thế đất Tiểu Vương. Họ Nguyễn cũng có cụ làm đến chức Thái phó Thượng trụ quốc, dòng dọ đặt huyệt vào xứ đất Vườn Hoa. Bên cạnh những kiểu đất mà các dòng họ trong làng Vẽ đã đặt được vào huyệt chính thì vẫn còn 7 kiểu đất: Đống Cẩm, Cầu Giếng, Gò Bạt, Phao Vương, Điều Vương, Mỏ Hạc, Đống Gạch mới đặt trúng huyệt còn huyệt chính chưa ai tìm thấy. Nhiều gia đình phú quý trong làng tìm thầy địa lý về tìm đất mà vẫn chưa tìm được”.
Theo ông Đại, xưa, xung quanh làng đều là rừng, ngay cả Ủy ban bây giờ cũng là rừng. Rừng rậm đến độ mà người ta đồn thổi chuyện như trong Liêu Trai chí dị: Ban đêm hiện ra cảnh lâu đài, có đàn sáo, từng đoàn người nhảy múa đến sáng ra tan hết không có gì cả.
Dần dần, người dân sinh sống đông đúc, nơi đây được khai phá, chặt cây cối. Thậm chí, trước năm 1960 nghĩa trang Gò Bạt vẫn còn rừng cây um tùm, sau mới chặt nốt. Ngày xưa, làng còn có 5 gò đất gồm: Ba Gò, Gò Thần Nông, Gò Voi, Gò Đống Cẩm, Gò Con Khỉ; nay các gò đều đã bị san phẳng để xây dựng các công trình và nhà dân.
Theo ông Đôn kể lại, hiện trong kho thư tịch cổ còn lưu giữ được một cuốn sách quý là “Đông Ngạc xã chí” ghi chép được nhiều tư liệu liên quan. Lời tựa sách viết rằng: “Làng ta được gọi là làng Đông Ngạc là có nguyên do. Kính nghĩ! Làng ta chiếm một bầu trời, phong khí an bài, nổi tiếng quý địa.
Sông dài phía trước, nước chảy xiết ở phía Đông như một con rồng; chữ phẩm phía sau, khí bốc cao ở phía Tây tựa một con hổ. Đất linh thiêng, người kiệt xuất. Cổ đã qua, nay đang tới, một làng tuấn kiệt, thiên hạ biết tên. Bởi vậy người xưa từng dựa vào đó để đặt tên làng...”.
Ngày nay, Đông Ngạc phát triển thành một làng quê hiện đại với những mái nhà cao tầng, chợ búa sầm uất nhưng len lỏi, xen kẽ giữa những căn nhà hiện đại là những chiếc cổng rêu phong cùng nếp nhà xưa. Sự lột xác của làng quê đã không làm mất đi nhiều những nét đẹp của các công trình kiến trúc cổ. Hiện nay, nhiều đình, chùa, nhà cổ và nhà thờ của những dòng họ nổi tiếng nơi đây dù có nơi trải qua các quá trình trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính, uy nghiêm.
Còn nữa…