Công khai nhưng không hề minh bạch?
Theo tìm hiểu của PV, ngày 07/02, ông Đỗ Văn Tuân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc ký Quyết định số 175/QĐ-PGDĐT, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu số 01: “Mua sắm trang thiết bị thuộc công trình Mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn cho phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc và các điểm trường”.
Gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc ký hợp đồng thuê công ty Cổ phần tư vấn xây dựng CIC Nam Việt (Công ty Nam Việt) đứng ra tổ chức, lập E-HSMT (hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, bảng yêu cầu báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng – PV); đánh giá E-HSDT (hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng – PV) trên cơ sở dự toán đã được phê duyệt. Công ty TNHH siêu thị Hải Đăng (Công ty Hải Đăng) đã trúng thầu với giá: 8.735.457.000 (Tám tỷ bảy trăm ba mươi lăm triệu bốn trăm năm bảy ngàn đồng), thấp hơn 34.138.000 đồng so với giá dự toán ban đầu.
Một trong những điểm bất thường là hồ sơ mời thầu (HSMT) của gói thầu trên có những thông tin không rõ ràng nhưng nhà thầu vẫn đáp ứng được 100% yêu cầu kỹ thuật.
Cụ thể, ngày 29/12/2020, ông Đỗ Văn Tuân ký Quyết định số 251/QĐ-PGDĐT phê duyệt HSMT của gói thầu này và đăng tải E-HSMT lên mạng đấu thầu quốc gia (sau đó không xuất hiện thêm quyết định sửa đổi hay bổ sung HSMT). Như vậy, có thể coi E-HSMT này được phát hành một lần duy nhất và có giá trị pháp lý không thay đổi tính tới thời điểm mở thầu.
Tại chương V- Yêu cầu kỹ thuật của E-HSMT có nhiều thông tin không rõ ràng. Đơn cử như, từ trang 16 đến trang 24 Chương V – Yêu cầu kỹ thuật về hàng hoá có thông số kỹ thuật, yêu cầu về tính chất hàng hoá với những ngôn ngữ không thể đọc được – phông chữ bị lỗi, không phải tiếng Việt, cũng chẳng phải tiếng Anh. Tuy nhiên, bất ngờ ở chỗ, Công ty Hải Đăng lại có thể “giải mã” được.
Tới đây dư luận không khỏi hoài nghi: Nhà thầu không đọc được yêu cầu kỹ thuật, tại sao vẫn có thể trúng thầu? Phải chăng nhà thầu đã biết trước toàn bộ thông số kỹ thuật của gói thầu, việc đưa E-HSMT lên mạng chỉ là “lấy lệ”? Hay có dấu hiệu của việc thông thầu?
Không những vậy, nhiều mặt hàng trúng thầu trong gói thầu số 01 có giá cao hơn rất nhiều so với thị trường. Một trong những biểu hiện rõ nhất là Smart TV Samsung 75 inch Ultra HD 4K có giá trị lên tới 56.530.000/cái. Theo tìm hiểu của PV cùng với báo giá của một số công ty cung cấp sản phẩm, loại TV này có giá dao động khoảng 30 triệu đồng. Với 33 chiếc TV mà phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc mua sắm, giá cao hơn thị trường khoảng 26.530.000/ cái. Làm phép tính đơn giản: 33 cái x 26.530.000 đồng, số tiền ngân sách Nhà nước thất thoát đã là 875.490.000 đồng.
Được biết, Công ty Hải Đăng đã trúng 23 gói thầu mua sắm do Công ty Nam Việt tổ chức và đánh giá E-HSDT trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Mặc dù có rất nhiều gói thầu không hề công bố giá trong hồ sơ mời thầu nhưng công ty này đều trúng thầu rất sát so với giá dự toán. Thậm chí, có gói thầu, giá dự thầu bằng luôn giá mời thầu (vấn đề này chúng tôi sẽ đề cập trong bài sau).
Vi phạm quy định trong việc lập HSMT
Theo hướng dẫn tại Mẫu số 05 (Bản yêu cầu báo giá) ban hành kèm theo Thông tư số 11/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc lập hồ sơ yêu cầu đối với chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, trong yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalogue của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalogue. Đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị báo giá.
Như vậy, hành vi bị cấm là lập HSMT hạn chế sự tham gia của các nhà thầu bằng cách nêu cụ thể Model hàng hoá đưa vào HSMT.
Tuy nhiên việc này đã được bên mời thầu là Công ty Nam Việt “phớt lờ” khi đưa rõ nhãn hiệu hàng hoá vào E- HSMT và còn quy định cụ thể nơi sản xuất là Samsung Việt Nam.
Đánh giá về việc này, một chuyên gia điện máy tiết lộ, có thể mặt hàng ghi nhãn hiệu rõ ràng trong E-HSMT tương ứng với hàng tồn kho của doanh nghiệp tham gia dự thầu hoặc Model đã cũ, cuối vòng đời sản xuất. Không loại trừ điều kiện nhà thầu đã “bắt tay” với đơn vị lập E-HSMT để đẩy số hàng này đi – vừa có lãi, vừa thanh lý được hàng tồn.
Một chuyên gia trong lĩnh vực đấu thầu nhận xét, đây có thể là “thủ đoạn” của bên mời thầu, nhằm ngăn chặn các nhà thầu khác tiếp cận hồ sơ, tạo điều kiện cho nhà thầu đã “lựa chọn” dễ dàng trúng thầu.
PV đã liên hệ với phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Quốc để làm rõ hơn về việc này, tuy nhiên phản hồi chỉ là “đã nhận được thông tin và đang trình lãnh đạo xem xét”.