"Ăn chặn mùa covid-19", cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm lĩnh 10 năm tù

Admin
Là chủ mưu trong vụ nâng khống giá máy xét nghiệm covid-19 để trục lợi trong mùa dịch, cựu Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) lĩnh10 năm tù.

Cựu Giám đốc CDC Hà Nội nói không có ý đồ tư lợi

Sau 2 ngày xét xử, chiều nay (12/12), TAND TP.Hà Nội đã ra tuyên án đối với 10 bị cáo trọng vụ “nâng khống” giá máy xét nghiệm phòng, chống dịch covid-19 xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).

Hồ sơ điều tra - 'Ăn chặn mùa covid-19', cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm lĩnh 10 năm tù

Các bị cáo tại tòa.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Hà Nội) cùng 9 đồng phạm khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3, Điều 222, Bộ Luật hình sự 2015, gồm:

Nguyễn Vũ Hà Thanh (SN 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (SN 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (SN 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (SN 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (SN 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (SN 1986, nhân viên công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (SN 1975, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (SN 1980, nguyên Tổng Giám đốc công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (SN 1985, nhân viên công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông).

Tại phiên tòa ngày 11/12, khi được nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào nghị án, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã nhận thức được hành vi vi phạm của mình có vai trò chính.

Song bị cáo khẳng định không có động cơ mục đích nào khác ngoài việc muốn mua được máy tốt để phòng chống dịch. Bị cáo không phải lén lút mà trước đó đã giao cấp dưới đề xuất 2 lần nhưng không được chấp nhận, chính vì thời gian gấp gáp nên mới chủ động liên hệ với các địa phương, qua đó quen biết bị cáo Tuyền.

“Nếu bị cáo có ý đồ tư lợi thì đã thỏa thuận mua hệ thống máy móc với giá cao hơn con số 7 tỷ đồng. Bởi qua tìm hiểu thực tế, bị cáo biết một số địa phương mua máy với giá hơn 8 tỷ đồng, hoặc một số hệ thống có năm sản xuất cũ hơn nhưng cũng có giá cao hơn mức này”, bị cáo Cảm phân trần.

Bị cáo Cảm cũng xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo ở CDC Hà Nội vì họ chỉ là người làm công ăn lương, không vì động cơ, lợi ích gì.

Các bị cáo khác lần lượt trình bày quan điểm của mình trước khi HĐXX vào nghị án. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm và mong HĐXX đánh giá toàn diện bối cảnh phạm tội để cho mình được hưởng mức án khoan hồng.

Mức án cụ thể đối với từng bị cáo

Căn cứ kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, HĐXX đủ cơ sở kết luận: CDC Hà Nội được sở Y tế Hà Nội giao hơn 31 tỷ đồng kinh phí bổ sung để mua sắm thiết bị khi covid-19 bùng phát.

Hồ sơ điều tra - 'Ăn chặn mùa covid-19', cựu Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm lĩnh 10 năm tù (Hình 2).

Toàn cảnh tòa tuyên án.

Trong đó, dự toán gói thầu số 15 trị giá 9,54 tỷ đồng gồm: Hệ thống máy Realtime PCR tự động (máy xét nghiệm covid-19) giá 7 tỷ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 1,2 tỷ đồng, hai tủ lạnh âm và một tủ mát giá 1,34 tỷ đồng. CDC Hà Nội làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thông thường.

Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech) và Nguyễn Thanh Tuyền (Trưởng nhóm kinh doanh công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông) thống nhất, Nhất đứng ra thực hiện các thủ tục mua hệ thống PCR của công ty Phương Đông với giá khoảng 4 tỷ đồng, lựa chọn nhà thầu để bán cho CDC Hà Nội.

Để trúng thầu, Nhất sẽ chi cho Cảm khoảng 10% giá trị sản phẩm. Số tiền chênh lệch còn lại sau khi trừ đi toàn bộ chi phí thực hiện... Nhất và Tuyền mỗi người được 50%.

Trong cuộc gặp tại phòng làm việc, Tuyền báo giá cho ông Cảm là giá 7 tỷ đồng, bảo hành 36 tháng. Tuy nhiên, Tuyền cho hay công ty Phương Đông không tham gia thầu thực tiếp vì có nhiều đơn hàng, sẽ không đủ nhân viên để thực hiện.

Việc cung cấp máy cho CDC Hà Nội, Tuyền sẽ giao Nhất thực hiện. Nhất khai sau đó trao đổi với ông Cảm về việc sẽ chi hoa hồng 15% giá trị hệ thống máy (trước VAT), nếu việc mua bán hoàn tất.

Nhất tiếp tục bàn với Đào Thế Vinh (Giám đốc công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại Việt Nam - MST) về việc tham gia bán máy do Phương Đông cung cấp cho CDC Hà Nội với giá 8,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, máy này Nhất nhập của Phương Đông chỉ 3,7 tỷ đồng. Nếu thực hiện trót lọt phi vụ, Vinh được Nhất chia 1,5% giá trị hợp đồng. Từ đây, việc mua bán được thực hiện lòng vòng nhằm đẩy giá sản phẩm.

Theo đó, giá máy do Phương Đông nhập khẩu, cung ứng là 2,3 tỷ đồng; bán cho công ty Hưng Long (do vợ Vinh làm giám đốc) với giá 3,7 tỷ đồng. Vinh nhờ bà Bùi Thị Hồng Hà (Giám đốc công ty KĐ) ký hợp đồng mua lại của Hưng Long giá 4,6 tỷ đồng rồi bán cho MST của Vinh giá 6,6 tỷ đồng.

Cuối cùng, MST bán máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội với giá 7 tỷ đồng. Sau khi thỏa thuận và xác định gói thầu số 15 mua sắm thiết bị có giá trị là hơn 9,5 tỷ đồng, ông Cảm đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền Nguyễn Vũ Hà Thanh (Trưởng phòng Tài chính kế toán), Nguyễn Thị Kim Dung (Trưởng phòng Tổ chức hành chính) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ) hoàn tất hồ sơ chỉ định thầu, ấn định MST là đơn vị trúng thầu.

Nhất và Tuyền đều khai nhận có sự bàn bạc về việc trung chi % gói thầu cho ông Cảm. Khi gặp trực tiếp, Nhất đã thỏa thuận chi 15% giá trị hóa đơn cho ông Cảm. Tuy nhiên, cựu Giám đốc CDC Hà Nội chỉ thừa nhận được Nhất nói sẽ chi % nhưng không nhớ rõ là bao nhiêu.

Tòa cấp sơ thẩm xác định, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là chủ mưu, cầm đầu xuyên suốt vụ án; các bị cáo còn lại đóng vai trò đồng phạm nên cần phân hóa vai trò của các bị cáo để từ đó tuyên mức án phù hợp, đúng pháp luật.

Vì các lẽ trên, TAND TP.Hà Nội quyết định tuyên phạt mức án cụ thể đối với từng bị cáo như sau: Nguyễn Nhật Cảm bị tuyên phạt 10 năm tù; Nguyễn Vũ Hà Thanh 6 năm 6 tháng tù; Hoàng Kim Thư 36 tháng tù, hướng án treo; Lê Xuân Tuấn 36 tháng tù, hướng án treo; Nguyễn Thị Kim Dung 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Quỳnh 5 năm tù; Đào Thế Vinh 6 năm 6 tháng tù; Nguyễn Trần Duy 6 năm tù; Nguyễn Ngọc Nhất 6 năm tù; Nguyễn Thanh Tuyền 5 năm tù.