Tài nguyên rỉ máu…
Ở tỉnh Bắc Kạn, quặng chì, kẽm, sắt tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Đồn, nhiều thân quặng nằm lộ thiên trên mặt đất, trên đất rừng, trong vườn, bãi nhà dân. Giá quặng cao nên thời gian qua, nạn đào quặng trái phép bùng phát trên diện rộng. Hậu quả nhãn tiền mà ai cũng nhìn thấy là tài nguyên quốc gia bị đánh cắp, mặt đất bị đào bới nham nhở, sập lò chết người, ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự diễn biến phức tạp…
Thời gian gần đây, người dân tại xã Bằng Lãng và thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) bức xúc vì tình trạng khai thác khoáng sản trái phép được hoạt động ngang nhiên, rầm rộ, quy mô đến mức “quặng tặc” không chỉ dùng các phương tiện thô sơ mà còn dùng cả mìn nổ.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về huyện Chợ Đồn vào những ngày cuối năm 2020. Anh Trung (tên nhân vật đã được thay đổi) - một người dân địa phương - cho biết, tình trạng khai thác quặng trái phép ở đây đã diễn ra từ lâu, tuy nhiên không hề bị cơ quan nào kiểm tra, xử lý.
Dắt chúng tôi qua hai điểm để nắm bắt địa hình thuộc thôn Bàn Tàn (thị trấn Bằng Lũng), giáp với thôn Bản Lắc (xã Bằng Lãng) và thôn Tủm Tó, giáp với thôn Nà Khắt (xã Bằng Lãng), nơi mà “quặng tặc” đang “oanh tạc”, anh Trung liên tục nhắc nhở, khi nhà báo tác nghiệp cần phải thật cẩn thận vì các đối tượng đều rất manh động, nếu bị phát hiện thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, các mỏ quặng lậu đều nằm trên núi cao và sâu, để tiếp cận là điều rất khó khăn.
Tờ mờ sáng ngày 25/12/2020, theo chỉ dẫn của nguồn tin, trong vai người tìm mua vườn rừng, chúng tôi bắt đầu hành trình tiếp cận mỏ khai thác trái phép. Chúng tôi phải men theo đường rừng rậm rạp để tránh các đối tượng cảnh giới canh gác dọc đường. Khi có người lạ đi lên, phát hiện nghi ngờ, các đối tượng này sẽ đánh động để dừng hoạt động khai thác trên mỏ.
Từ hướng Chợ Đồn đi Định Hóa (Thái Nguyên), chúng tôi rẽ vào con đường dẫn đến UBND xã Bằng Lãng và đi tiếp khoảng gần 1km thì đến thôn Tủm Tó. Các đối tượng đã mở hẳn một con đường rộng kéo dài cả cây số đi từ dưới chân núi lên đến điểm khai thác để tiện cho việc đi lại và vận chuyển quặng lậu. Dấu hiệu của việc vận chuyển quẳng lậu là quặng rơi vãi trắng xóa trên mặt đường. Hơn nữa, các đối tượng còn dẫn cả đường điện, nước lên để thuận tiện cho việc khai thác.
Phải mất một buổi sáng băng rừng chúng tôi mới đến gần được mỏ quặng lậu. Càng đi, tiếng máy khoan, tiếng nổ mìn mỗi lúc một rõ hơn, âm thanh chát chúa vang vọng giữa đại ngàn. Theo ghi nhận, quặng được chất đống bên trên cửa hầm, xe máy của các đối tượng cũng để ngay cạnh đó, xung quanh là đồ nghề, xe rùa để ngổn ngang. Khó có thể xác định được số người khai thác quặng trái phép tại đây, vì ngoài những người đào bới trên bề mặt còn có những người ở dưới hầm lò khoét sâu vào lòng núi. Đáng nói, mỏ khai thác nằm ngay sát khu vực cấm của quân đội.
Tại mỏ khai thác quặng trái phép khác nằm ở thôn Bản Tàn (thị trấn Bằng Lũng), hoạt động khai thác thậm chí còn quy mô hơn. Máy khoan, máy múc hoạt động hết công suất, mìn nổ sẽ được sử dụng để làm tơi đất đá, làm tơi quặng, tạo biên và phá đá quá cỡ. Khi đã làm tơi, quặng sẽ lần lượt được chở ra ngoài bằng xe rùa, chất thành đống lớn đợi đem đi tiêu thụ.
“Con voi chui lọt lỗ kim”?
Xác nhận với PV về tình trạng này, ông Hà Văn Tranh - Chủ tịch UBND xã Bằng Lãng - cho biết: “Trên địa bàn xã, có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tuy nhiên, mỗi lần lên kiểm tra đều “vắng tanh”, có đồ đạc ở đấy nhưng không có người. Đã báo cáo huyện di dời lán, tháo dỡ, ghi hình, nhưng đâu lại vào đó. Địa phương cũng mệt mỏi về vấn đề này nhưng cũng không làm gì được, bởi thẩm quyền thấp”.
Thế nhưng, trao đổi với PV, ông Hoàng Hữu Nhuận - Chủ tịch UBND thị trấn Bằng Lũng - tỏ ra khá ngạc nhiên trước thực trạng trên và cho biết lý do là các mỏ nằm ở khu vực giáp ranh nên không nắm bắt được. Đồng thời, ông Nhuận cũng khẳng định sẽ cho kiểm tra đối với mỏ quặng lậu mà chúng tôi đề cập tới.
Đáng nói, sau khi chúng tôi làm việc và rời UBND thị trấn Bằng Lũng khoảng hơn 30 phút thì ông Nhuận gọi điện thoại đề nghị chúng tôi quay lại UBND thị trấn để trao đổi thêm thông tin về vấn đề khai thác quặng trái phép trên địa bàn.
Sau khi quay trở lại chúng tôi nhận thấy, thông tin cũng như 30 phút trước đã trao đổi. Ngoài ra, vị lãnh đạo này mong muốn phóng viên “tạo điều kiện” cho UBND thị trấn để kiểm tra, xử lý trước, vì sợ rằng cấp trên sẽ trách vì dưới cơ sở không quan tâm.
Chưa hết, khi chúng tôi ra về, ngay dưới sân của UBND thị trấn Bằng Lũng xuất hiện một chiếc xe bán tải nhãn hiệu Ranger mang BKS 97C XXXXX. Một thanh niên từ trên xe bước xuống tiếp cận chúng tôi và cho biết là cháu của chú T., muốn gặp gỡ chúng tôi.
Sau khi chúng tôi từ chối và rời đi, luôn có một đối tượng chạy xe máy bám sau Để “cắt đuôi”, chúng tôi đã đi vào phía cổng sau trung tâm huyện Chợ Đồn, lợi dụng đông người để thoát thân.
Chưa thể khẳng định có hay không việc “bật đèn xanh” cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép để trục lợi, chia chác. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Hoạt động khai thác và vận chuyển khoáng sản trái phép với khối lượng lớn đang diễn ra ngang nhiên, rầm rộ trong suốt thời gian dài. Hậu quả là những ngọn núi bị xẻ thịt, những thung lũng bị băm nát, môi trường bị hủy hoại nặng nề, thiên nhiên bị bức tử nghiêm trọng. Nếu nói không ai hay biết, can thiệp thì đúng là có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim”.
Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại Bắc Kạn là vấn đề nhức nhối nhiều năm qua. Vào tháng 6/2019, trong một lần về địa phương làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã nhận định, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại tỉnh này chưa được xử lý triệt để.