(Bài 3) Khuất tất tại dự án bến tàu du lịch sông Đà: Xác nhận loại đất tuỳ tiện, coi nhẹ quyền lợi người dân

Admin
Theo nghiên cứu tìm hiểu của Truyền hình Người đưa tin pháp luật, ngoài việc UBND TP Hòa Bình thu hồi hơn 4.000 m2 đất nông nghiệp giao cho Cty Xuân Trường không đúng thẩm quyền thì việc xác nhận nguồn gốc đất của người dân để đền bù giải phóng mặt bằng cũng có nhiều khuất tất, chưa tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Theo phản ánh, việc UBND TP Hòa Bình thu hồi đất của một số hộ dân tại phường Thịnh Lang để giao cho Cty Xuân Trường triển khai dự án “Du lịch thuyền và dã ngoại trên sông Đà” có nhiều bất thường và chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Sự việc trên diễn ra suốt thời gian dài khiến dư luận cùng người dân có quyền lợi bức xúc và phải tố cáo đến các cơ quan chức năng.

Sau khi vào cuộc thanh kiểm tra, một số cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra nhiều dấu hiệu vi phạm trong việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp. Việc triển khai dự án cũng không đúng quy hoạch thời điểm đó.

Tuy nhiên, thay vì tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình xử lý vi phạm và giải quyết quyền lợi cho các hộ dân, Thanh tra tỉnh Hòa Bình lại “hợp thức hóa vi phạm” bằng cách đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều chỉnh bổ sung. Qua đó, tạo điều kiện cho dự án được tiếp tục triển khai.

Cách làm trên không được người dân có quyền lợi đồng tình. Họ cho rằng, có sự bao che cho vi phạm. Bởi ngoài việc UBND TP Hòa Bình tắc trách trong việc thu hồi đất cho doanh nghiệp, công tác quy chủ sử dụng đất, điều tra hiện trạng về tài sản, hoa màu, xác nhận nguồn gốc đất để triển khai dự án cũng bị cho là không đúng trình tự và chưa được công khai dân chủ.

Công tác thu hồi đất, giao doanh nghiệp thực hiện dự án của UBND tỉnh Hòa Bình gây bức xúc trong nhân dân.

Trước đó, ngày 26/11/2012, UBND Thành phố Hòa Bình ra Quyết định số 3817/QĐ – UBND về việc duyệt dự toán phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư công trình: Kinh doanh du lịch và dã ngoại trên sông Đà tại phường Thịnh Lang, TP Hoà Bình.

Tuy nhiên, tại phương án bồi thường cho người dân để lộ nhiều sai sót mà Sở TNMT tỉnh Hòa Bình đã chỉ ra trong công văn số 220/STNMT – TTr.

Cụ thể, chỉ có 2 trong 4 hộ gia đình trước đó nhận thầu đất với UBND phường Thịnh Lang được bồi thường hoa màu. Một số hộ dân có quyền lợi khác không được thông báo, không được mời kiểm đếm tài sản và không có tên trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo những người dân có liên quan, việc làm trên thể hiện sự tắc trách của cán bộ từ thành phố đến phường khi “bỏ quên” hàng ngàn mét đất mà không quy chủ, không đền bù. Điều đáng nói, các đơn vị này vẫn báo cáo cấp trên là hoàn thành nhiệm vụ công tác giải phóng mặt bằng, để giao đất cho doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung này, PV đã đặt lịch kèm theo nội dung làm việc với UBND thành phố Hoà Bình nhưng đến nay chưa nhận được câu trả lời.

Theo nghiên cứu, ngoài vấn đề trên, UBND TP Hoà Bình còn không thống nhất được nguồn gốc sử dụng đất, loại đất, dẫn đến thiệt hại cho người sử dụng đất.

Trong Quyết định số 3608, ngày 31/10/2012 của UBND TP Hòa Bình về việc thu hồi 4.547,7m2 đất để triển khai dự án do Cty Xuân Trường làm chủ đầu tư, đơn vị này có ghi rõ loại đất thu hồi của người dân thuộc diện “Đất trồng cây lâu năm khác”. Hơn một năm sau, ngày 31/12/2013, UBND thành phố Hoà Bình lại bàn hành Quyết định số 4663, biến số đất ở trên từ “Đất trồng cây lâu năm khác” thành đất nông nghiệp thuộc quỹ đất 5%.

Quyết định số 3608 ghi rõ, loại đất thu hồi của người dân thuộc diện “Đất trồng cây lâu năm khác”.

Chỉ hơn một năm sau, trong Quyết định số 4663, số đất trên lại biến thành đất 5%.

Dư luận cho rằng việc làm trên nhằm hợp thức hoá cho vi phạm và theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Theo tìm hiểu của PV, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Bởi trước đó khu đất này được Ban kiến thiết công trình Hòa Bình đầu tư xây dựng hệ thống các trạm bơm phục vụ xây dựng thuỷ điện Sông Đà. Ngày 26/12/2002, đơn vị này đã bàn giao toàn bộ công trường, trong đó có diện tích tại tổ 8 (khu vực Công ty Xuân Trường đang thực hiện dự án) sang UBND tỉnh quản lý.

Theo kết luận số 384 của Thanh tra TP Hoà Bình, khu vực đất triển khai dự án này là đất chuyên dùng. Chính vì vậy người dân cho rằng, đối chiếu với các quy định của pháp luật thì khu vực đất triển khai dự án chưa đủ điều kiện để quy thành đất 5%, vì đây không phải là đất nông nghiệp.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu của PV, theo Điều 14, Nghị định 64 - CP ban hành ngày 27/9/1993, chỉ có đất nông nghiệp mới được đưa vào quỹ đất công ích. Việc xác định thửa đất nào, khu vực nào là đất công ích phải dựa trên sự thống nhất của cấp uỷ, chính quyền địa phương để báo cáo cấp trên và để lại không quá 5% đất nông nghiệp, còn lại thì giao đất cho nhân dân sử dụng.

Liên quan đến thông tin trên, PV đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Chủ tịch UBND phường Thịnh Lang. Qua trao đổi vị này cho biết, thời điểm thu hồi đất để triển khai dự án của Cty Xuân Trường bà không nắm rõ vì mới nhận công tác tại đây nhưng theo hồ sơ thì còn 2 hộ chưa nhận đền bù. Về vấn đề khu đất trên có phải đất 5% hay không bà cho biết sẽ kiểm tra lại hồ sơ và trả lời sau.

Chính việc không nhất quán trong xác định nguồn gốc đất của UBND TP Hoà Bình khiến dư luận hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình giải phóng mặt bằng của dự án, khiến quyền lợi của người sử dụng đất bị ảnh hưởng.